ISSN-2815-5823

20 năm mất đất chưa được bồi thường, người dân Na Hang vẫn phải “gánh” cái sai của chính quyền

(KDPT) – Ngày 26/1/2000, UBND tỉnh Tuyên Quang ra Quyết định số 177/QĐ-UB về việc thu hồi và giao đất cải tạo nâng cấp trục đường nội thị trấn Na Hang đoạn từ Km 79 + 429 tới Km 79 + 541. Dự án công trình được triển khai và hoàn thành phê duyệt quyết toán năm 2001, nhưng cho đến nay, sau 20 năm, các hộ gia đình trong khu vực bị thu hồi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ đền bù thu hồi đất và tài sản trên đất.

Mòn mỏi kiến nghị và chờ tiền đền bù

Ngày 18/10/1999, sau khi có chủ trương thi công cải tạo nâng cấp trục đường nội thị trấn Na Hang từ Km 79 + 429 tới Km 79 + 541, tổ công tác của UBND huyện Na Hang được thành lập, thực hiện kiểm tra xác minh đất đai và các tài sản trên đất để tính toán đền bù. Ngày 26/1/2000, UBND tỉnh Tuyên Quang có Quyết định số 177 về việc thu hồi và giao đất. Trong Quyết định nêu rõ tổng diện tích thu hồi là 138,6 m2 đất khu dân cư và danh sách các hộ đang sử dụng. Dự án đã được triển khai và hoàn thành phê duyệt quyết toán năm 2001. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các hộ gia đình có đất đai, tài sản, vật kiến trúc bị thu hồi phục vụ giải phóng mặt bằng vẫn chưa nhận được tiền đền bù, và họ nhiều lần gửi đơn kiến nghị, đề nghị UBND huyện xem xét giải quyết. Song, câu trả lời phía chính quyền kéo dài 20 năm qua vẫn là “đang xem xét phê duyệt phương án đền bù”.

Trục đường nội thị trấn Na Hang, Tuyên Quang.

Trao đổi với chúng tôi, các hộ dân bị ảnh hưởng chia sẻ, sau khi có chủ trương của nhà nước, bà con hoàn toàn ủng hộ. Nhưng khi công trình hoàn thành, thì quyền lợi chính đáng của các gia đình không được giải quyết, mặc dù họ có gửi đơn kiến nghị lên UBND huyện nhiều lần.

Được biết, ngày 20/5/2000, UBND huyện Na Hang có giấy mời các hộ gia đình lên trụ sở huyện để giải quyết đền bù. Nhưng khi 6 hộ gia đình lên thì được ông Hoàng Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND huyện hẹn chi trả tiền đền bù cho các hộ dân vào một ngày khác, nhưng không cụ thể ngày nào.

Quyết định số 177/QĐ-UB của UBND tỉnh Tuyên Quang.

Đến năm 2014, các hộ gia đình tiếp tục gửi đơn đề nghị, thì Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Na Hang có báo cáo số 94/BC-KTHT về việc kiểm đếm, thống nhất đề xuất phương án xử lý việc thu hồi đất để xây dựng công trình nâng cấp đường nội thị, thị trấn Na Hang. Do công trình trên đã xong và phê duyệt quyết toán từ năm 2001, do đó đề nghị UBND huyện xem xét đưa phương án bồi thường diện tích đất và tài sản trên đất của các hộ dân vào phương án bồi thường dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường nội thị hiện nay đang triển khai.

Ngày 26/10/2015, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện – Chủ tịch Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Na Hang, đã trả lời các hộ dân rằng: Số diện tích đất và tài sản trên đất thu hồi của dân theo Quyết định số 177/QĐ-UB chưa được bồi thường sẽ đưa vào phương án bồi thường dự án cải tạo nâng cấp đường thị trấn lên thị xã hiện huyện đang triển khai. Đơn giá bồi thường được áp dụng theo đơn giá của tỉnh tại thời điểm lập phương án bồi thường.

Cuối năm 2019, Trung tâm Phát triển quỹ đất có thông báo số 15/TB-TTPTQĐ về việc công khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Diện tích thu hồi, đơn giá đền bù, tổng số tiền đền bù đều được các hộ gia đình nhất trí theo phương án trong dự thảo. Ông Đỗ Văn Tú, một trong 6 hộ gia đình chia sẻ thêm: “Theo dự thảo, khối lượng nhà tôi là 28,6, mức bồi thường là 100%, đơn giá là 1.800.000 VNĐ/1m2, thành tiền là 51.480.000 VNĐ. Tôi hoàn toàn nhất trí, nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền”.

Ngày 17/4/2020, tổ công tác số 337 do bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp chủ trì đến làm việc với người dân, cùng nhất trí cho đào đất để xác định các dấu tích xây dựng cũ của dân khi nâng cấp trục đường nội thị trấn Na Hang năm 1999 – 2000.

Ngày 6/5/2020, UBND huyện Na Hang thành lập Tổ công tác 112 để đối thoại với người dân nhưng cũng không thống nhất được phương án đền bù.

Trình tự thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng có nhiều thiếu sót

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại thời điểm thu hồi đất của 6 hộ dân tổ 6, tổ 7 (nay là tổ dân phố 4, tổ dân phố 9) thị trấn Na Hang, đã xảy ra nhiều sai sót trong trình tự đền bù và giải phóng mặt bằng.

Theo đó, chưa có Quyết định thành lập hội đồng đền bù, chưa có tờ khai về tài sản bị thiệt hại của các chủ hộ bị thiệt hại (quy định tại khoản 1, 2 Điều 34 Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ). Biên bản kiểm kê (thực trạng là biên bản kiểm tra xác minh đất đai và tài sản trên đất để tính toán đền bù) không có xác nhận của Hội đồng đền bù; Không có báo cáo của UBND thị trấn về tình hình sử dụng quỹ đất dùng để đền bù thiệt hại tại địa bàn quản lý (quy định tại khoản 4 Điều 34 Nghị định số 22/1998/NĐ-CP); Không có kết luận của Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng xác định tổng mức phải đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho các hộ gia đình bị thiệt hại (quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định số 22/1998/NĐ-CP); Không có phương án đền bù, hỗ trợ của Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng tính toán cụ thể tổng mức phải đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho các hộ gia đình bị thiệt hại (quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định số 22/1998/NĐ-CP).

Một trong những điều kỳ lạ là, theo Quyết định số 177/QĐ-UB ngày 26/01/2000 về việc thu hồi đất, thì trong danh sách kèm theo chỉ có 6 hộ gia đình, nhưng sau nhiều năm, trong các cuộc đối thoại về sau, thì các biên bản làm việc của huyện lại là 7 hộ gia đình. Tức là tự nhiên lại “mọc” thêm một hộ gia đình mà trước đó trong các văn bản cũng như theo những người dân liên quan là không hề thấy và biết.

UBND huyện Na Hang trả lời “bất ngờ” ra sao? Sự mâu thuẫn trong các câu trả lời của các đơn vị liên quan? Người dân phải “gánh” những hệ lụy suốt 20 năm qua như thế nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập trong bài viết sau.

TRUNG KIÊN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024