ISSN-2815-5823
HUY HOÀNG
Thứ tư, 16h24 08/11/2023

2023 có thể là năm nóng nhất trong vòng 125.000 năm qua: Thách thức với nhân loại

(KDPT) - Các nhà khoa học Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa ra dự báo đáng lo ngại về thời tiết, năm 2023 “gần như chắc chắn” sẽ là năm ấm nhất trong 125.000 năm qua.

Dự báo đáng lo ngại

Reuters đưa tin, dữ liệu cho thấy tháng trước là tháng 10 nóng nhất thế giới trong 125.000 năm. Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của EU cho biết, tháng 10 năm nay đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ tháng 10/2019 với mức chênh lệch lớn.

Theo Phó Giám đốc C3S Samantha Burgess: “Kỷ lục đã bị phá vỡ 0,4 độ C, đây là một mức chênh lệch rất lớn”. Bà Samantha Burgess còn nhấn mạnh sự bất thường về nhiệt độ trong tháng 10 là “rất khắc nghiệt”.

2023 có thể là năm nóng nhất trong vòng 125.000 năm qua: Thách thức với nhân loại
2023 có thể là năm nóng nhất trong vòng 125.000 năm qua. (Ảnh minh họa)

Nắng nóng là kết quả của việc phát thải khí nhà kính liên tục từ hoạt động của con người, kết hợp với sự xuất hiện của hiện tượng thời tiết El Nino trong năm nay, làm ấm vùng nước bề mặt ở phía Đông Thái Bình Dương.

Trên toàn cầu, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình trong tháng 10 ấm hơn 1,7 độ C so với cùng tháng năm 1850-1900, giai đoạn mà Copernicus định nghĩa là thời kỳ tiền công nghiệp.

Nhà khoa học khí hậu Michael Mann tại Đại học Pennsylvania cho hay: "Hầu hết những năm có hiện tượng El Nino đều phá kỷ lục về nhiệt độ, vì El Nino làm tăng thêm tốc độ ấm lên toàn cầu do con người gây ra".

Đáng chú ý, C3S cho biết, việc phá kỷ lục vào tháng 10 có nghĩa là năm 2023 "gần như chắc chắn" là năm ấm nhất được ghi nhận. Kỷ lục trước đó là năm 2016 - một năm El Nino khác.

"Khi kết hợp dữ liệu của mình với Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), chúng tôi có thể nói rằng đây là năm ấm nhất trong 125.000 năm qua", bà Burgess phân tích.

Dữ liệu dài hạn hơn từ IPCC bao gồm các số liệu từ các nguồn như lõi băng, vòng cây và trầm tích san hô.

Lần duy nhất trước tháng 10 - tháng phá kỷ lục nhiệt độ với mức chênh lệch lớn như vậy - là tháng 9 năm 2023.

“Tháng 9 thực sự làm chúng tôi ngạc nhiên. Vì vậy, sau tháng 10, thật khó để xác định liệu chúng ta có đang ở trạng thái khí hậu mới hay không. Nhưng hiện tại, các kỷ lục liên tục sụt giảm và chúng khiến tôi ít ngạc nhiên hơn so với một tháng trước”, bà Burgess cho biết thêm.

Biến đổi khí hậu đang thúc đẩy các hiện tượng thời tiết cực đoan. Năm nay, lũ lụt khiến hàng nghìn người thiệt mạng ở Libya, đợt nắng nóng nghiêm trọng ở Nam Mỹ và mùa cháy rừng tồi tệ nhất ở Canada.

Ông Piers Forster, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Leeds cảnh báo: “Chúng ta không được để lũ lụt, cháy rừng, bão và sóng nhiệt tàn khốc trong năm nay trở thành hiện tượng bình thường mới. Bằng cách giảm nhanh chóng lượng khí thải nhà kính trong thập kỷ tới, chúng ta có thể giảm một nửa tốc độ nóng lên”.

Mặc dù các quốc gia đặt ra mục tiêu ngày càng tham vọng là cắt giảm dần lượng khí thải nhưng cho đến nay điều đó vẫn chưa xảy ra. Năm 2022, lượng khí thải CO2 toàn cầu đạt mức cao kỷ lục.

Thách thức với nhân loại

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước đã cam kết khống chế mức tăng nhiệt của trái đất không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, dữ liệu trên cùng với nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học thuộc cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Đại học Colombia thực hiện cho thấy, mục tiêu trên đã nằm ngoài tầm với.

Hầu hết các kịch bản phát thải mà Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đều dự báo nhiệt độ Trái đất sẽ vượt ngưỡng 1,5 độ C vào những năm đầu thập kỷ tới (từ năm 2030). Trong khi đó, nhiệt độ Trái đất đã ấm lên gần 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Nghiên cứu được đưa ra sau nhiều tháng xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn thế giới. Nghiên cứu cũng đưa ra những nhận định quan trọng vào thời điểm các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị thảo luận về chính sách toàn cầu nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 28). Sự kiện này dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 12/12 tới tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất - UAE).

Tại sự kiện này, các nước sẽ cùng nhau đánh giá các thành quả đạt được dựa trên bản Đánh giá Toàn cầu (Global Stocktake) cũng như tiến độ hướng tới các mục tiêu được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Mới đây, một nghiên cứu khác về biến đổi khí hậu công bố trên Tạp chí Nature cho thấy, thế giới sẽ cần đạt mục tiêu đưa lượng khí thải về bằng 0 từ nay đến năm 2034 để có được 50% cơ hội khống chế mức tăng nhiệt dưới 1,5 độ C./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024