3 Công ty thủy điện lớn cùng xả đáy: Vùng hạ du có tiếp tục bị lũ lụt đe dọa?
Việc xả liên tiếp 3 cửa xả đáy trong khi khu vực Hòa Bình và ngoại thành Hà Nội vừa trải qua một trận lũ lớn, liệu có nguy cơ ảnh hưởng tới các địa phương này, cũng như toàn vùng hạ du?
Hàng loạt hồ chứa lớn thủy điện ở mức báo động
Theo Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT), trong 3 ngày qua, lưu lượng đến hồ Lai Châu, Sơn La tiếp tục tăng nhanh, lưu lượng đến hồ Lai Châu có khả năng ở mức 5.200m3/s, hồ Sơn La có khả năng ở mức 10.500m3/s. Và lưu lượng nước về hồ tiếp tục tăng trong những ngày tiếp theo. Tại hồ Hòa Bình, mực nước hồ đang duy trì ở mức cao, mực nước thượng lưu hồ lúc 19 giờ ngày 4.8 là 106,04 vượt mực nước cho phép 5,04m.
Trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình mực nước đã nhanh chóng lên cao. Trên sông Đà, lưu lượng đến hồ Hòa Bình đang biến đổi theo điều tiết của Thủy điện Sơn La. Trên sông Thao, mực nước tại Yên Bái đang biến đổi chậm. Mực nước thượng lưu sông Lô đang xuống nhanh, mực nước hạ lưu đang lên nhanh.
Tuy nhiên, mực nước sông Hồng đang xuống, lúc 7 giờ ngày 5.8, mực nước tại Hà Nội là 4,02m. Mực nước các sông trên hệ thống sông Thái Bình đang xuống và chịu ảnh hưởng của thủy triều, lúc 7 giờ ngày 5.8, mực nước tại Phả Lại là 1,67m. Mực nước trên sông Bùi tại Yên Duyệt lúc 7 giờ ngày 5.8 là +6,5m (dưới BĐ3 0,5m), sông Đáy tại Phủ Lý là 3,03m (trên BĐ1 0,13m). Dự báo: Mực nước sông Hồng sẽ tiếp tục dao động theo điều tiết của hồ Hòa Bình.
Xả lũ 3 thủy điện lớn, vẫn an toàn vùng hạ du?
BCĐ Trung ương về PCTT khẳng định: Việc xả lũ thực hiện theo đúng quy trình vận hành liên hồ, đồng thời mực nước các sông hạ du các hồ đang thấp, do đó không ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du. Hiện nay, hệ thống hồ chứa thủy lợi tại khu vực Bắc Bộ, chỉ mới 80 trên tổng 286 hồ chứa lớn đầy nước, các hồ còn lại đạt 60-80% dung tích thiết kế; có 957/2.699 hồ chứa nhỏ tích đầy nước, các hồ còn lại đạt 65 – 85% dung tích thiết kế.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ, mới chỉ có 22/132 hồ chứa lớn đầy nước, còn lại đạt từ 65-85 dung tích thiết kế… BCĐ Trung ương về PCTT cũng cho rằng, trước khi tiến hành xả lũ, Văn phòng thường trực BCĐ Trung ương về PCTT đã có công điện gửi các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến mưa, lũ và việc xả lũ từ các hồ chứa. Việc xả lũ không ảnh hưởng đến tình trạng ngập lụt tại huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội.
Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 5.8, ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Cty Thủy điện Hòa Bình, nhấn mạnh: Sau khi mở 1 cửa xả đáy, đến thời điểm này (15 giờ 30 ngày 5.8), mực nước hồ Hòa Bình đã giảm xuống 20cm; lưu lượng nước lúc 15 giờ ngày 5.8 chỉ 2.900m3/s. “Điều tiết mực nước hồ Hòa Bình phụ thuộc hoàn toàn vào hồ Sơn La. Nếu Sơn La đóng cửa xả đáy, hồ Hòa Bình sẽ hết nước. Vì vậy, cần xem xét nếu cho phép Thủy điện Sơn La đóng cửa xả đáy thì cũng cho Thủy điện Hòa Bình đóng” – ông Nguyễn Văn Minh đề nghị.
11 người chết, mất tích do sạt lở đất
Mưa lớn trong 5 ngày đã dẫn đến tình trạng ngập lụt, sạt lở. Tại Lai Châu đã có 6 người chết, 5 người bị mất tích và 2 người bị thương do sạt lở đất. Tại tỉnh Bắc Kạn, mưa lớn đã làm 9,23ha lúa bị thiệt hại và một số cống qua đường bị xói lở.
Hàng loạt tỉnh đối diện nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 5-6.8.2018, trên thượng lưu sông Đà, sông Thao, sông Lô sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao và sông Lô có khả năng lên mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi Bắc Bộ: cấp 1; riêng ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng: cấp 2.