An Giang: Thiên đường chợ mắm trứ danh miền Tây
Nghề làm mắm đã ra đời ở vùng đất này từ cách đây hơn 100 năm. Vào mùa nước nổi, tôm cá theo nước về nhiều, người dân đánh bắt được nên ướp mắm, phơi khô để tích trữ ăn dần. Theo thời gian, mắm và khô cá trở thành đặc sản nổi tiếng của du lịch An Giang nói riêng và du lịch miền Tây Nam Bộ.
Được mệnh danh là “thiên đường mắm” ở miền Tây, chợ mắm Châu Đốc, dành hẳn một nửa khu vực chợ để bán các loại mắm. Tới đây, du khách sẽ có ấn tượng khó quên bởi mùi vị đặc trưng và màu sắc bắt mắt từ sạp hàng của các loại mắm. Nơi đây, cùng với hàng trăm loại mắm được bày bán là hàng chục thương hiệu bán mắm khác nhau. Nhưng nổi danh nhất phải kể tên mắm 55555 của bà giáo Khỏe, mắm Hai Xuyến, Phước Lộc.
Bà Nguyễn Thị Ánh Mai, chủ sạp bán mắm ở Chợ Châu Đốc, cho biết: Đặc sản Châu Đốc mình là mắm, khô. Mắm thì có mắm cá lóc, cá linh, cá chèn … Khách du lịch mua nhiều đặc sản này lắm. Từ tháng giêng đến tháng 4, lượng khách ở các tỉnh đến mua nhiều hơn.
Điều đặc biệt, để tạo nên thương hiệu mắm trứ danh Châu Đốc có phần “độc nhất vô nhị” là nguyên liệu làm mắm dùng đường thốt nốt để chao mắm. Con mắm sau khi chao qua đường thốt nốt sẽ có hương vị đậm đà hơn, mang vị ngọt thanh, mùi thơm đặt trưng, đồng thời giúp bảo quản con mắm khỏi các loài côn trùng như ruồi, mũi…
Trong văn hóa ẩm thực của người dân Châu Đốc nói riêng và của nhiều địa phương miền Tây Nam Bộ nói chung, mắm cá có một vị trí khá đặc biệt trong ẩm thực. Bên cạnh đó, sự tồn tại và phát triển bền vững của nghề làm mắm cá ở Châu Đốc không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà quan trọng hơn, nó cộng hưởng, làm giàu thêm bản sắc văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt Nam.
MỸ HUYỀN