Áp dụng các giải pháp để phát triển các khu công nghiệp
Theo các chuyên gia nhận định trong những năm tới nếu các khu công nghiệp muốn huy động nguồn vốn khủng để đầu tư vào các khu công nghiệp thì phải tìm cách để khơi thông dòng vốn, tạo điều kiện cho những nhà đầu tư tiếp cận được với những yếu tố thuận lợi trong quá trình sản xuất, mở rộng phạm vi hoạt động và nâng cao chất lượng của các khu công nghiệp.
Ngày 25/3, Đại hội Liên chi hội Tài chính Khu Công nghiệp Việt Nam (VIPFA) lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2024-2029) đã diễn ra tại Hà Nội. Trong Đại hội này, TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chủ tịch VIPFA đánh giá, sau khi nhìn lại quá trình phát triển của hệ thống khu công nghiệp cũng như kết quả thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam chủ yếu tập trung tại phân khúc khu công nghiệp.
Ông Thắng chia sẻ thêm, hàng năm số lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào những khu công nghiệp và khu kinh tế chiếm khoảng 60% tổng số vốn FDI đổ vào thị trường Việt Nam và xu hướng này ngày càng tăng.
Nhiều khu công nghiệp hoạt động chưa hiệu quả
Báo cáo của Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC) cho thấy, trong giai đoạn 2000-2020 đã chứng kiến quá trình phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp. Theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2023, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có tổng cộng 416 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó, 296 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động còn lại 119 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê đối với những khu công nghiệp trên cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha với tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%. Nếu tính những khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%.
Theo đánh giá của TS. Phan Hữu Thắng với con số này thì tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện còn thấp, vẫn còn 121/414 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, do đó, nguồn đất vẫn bị lãng phí khi chưa tận dụng được một lượng vốn lớn đối với vấn đề đất đai của nền kinh tế thị trường.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, TS. Ngô Công Thành - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Phó Chủ tịch VIPFA đánh giá, hiện nay việc quy hoạch các khu công nghiệp vẫn còn khá dàn trải, tốn thời gian, chưa gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể của nền kinh tế - xã hội đối với từng vùng và trên cả nước. Bên cạnh đó, việc quy hoạch chưa bám sát với thực tế, định hướng và khả năng thu hút đầu tư chưa tạo ra được hiệu quả.
Bên cạnh đó, rất nhiều khu công nghiệp vẫn đang chậm triển khai khi vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, chồng chéo quy hoạch hay hạ tầng cơ sở bên ngoài hàng rào khu công nghiệp đưa đáp ứng được đủ điều kiện theo quy định. Đồng thời, hạ tầng kết nối đa phương tiện vẫn chưa nhất quán, mất cân đối khi vận tải đường bộ lại chiếm đến 77% tổng lượng hàng hóa vận chuyển của cả nước. Đồng thời, những tiêu chuẩn và công nghệ kĩ thuật tại các khu nhà xưởng vẫn thấp.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư những dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn hạn chế về cả năng lực lẫn tài chính. Họ thường có tâm lý tìm được nhà đầu tư thứ cấp rồi mới đầu tư vào khu công nghiệp để thu hút. Trong khi đó, những nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường lại có những yêu cầu và đòi hỏi cao, họ mong muốn sẽ có một mặt bằng ổn định và đầy đủ, hiện đại ngay từ đầu chứ không cần mất thêm thời gian chờ đợi.
Lựa chọn giải pháp đột phá
TS. Phan Hữu Thắng đánh giá về cơ bản để phát triển được một khu công nghiệp cần phải phụ thuộc vào doanh nghiệp, chủ đầu tư và doanh nhân. Những yếu tố hết sức cần để hoàn thiện một khu công nghiệp hoàn chỉnh, hiện đại theo định hướng thị trường hiện nay sẽ cần đến 4 từ “Chế - Tài - Tâm - Tầm”.
TS. Phan Hữu Thắng lý giải trong 4 yếu tố trên đều phải song hành với nhau không thể thiếu được bất cứ yếu tố nào nếu như muốn hoàn thiện cơ sở hạ tầng của một khu công nghiệp cũng như toàn bộ hệ thống của cả một công trình trọng điểm.
Những yếu tố này sẽ phụ thuộc vào phía doanh nghiệp cũng như tài năng của người đứng đầu điều khiển và lãnh đạo ra sao. Đặc biệt việc phát triển hệ thống khu công nghiệp tại thị trường Việt Nam sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển của doanh nghiệp, họ cần tận dụng tối đa các nguồn vốn bên ngoài để hướng tới chất lượng đầu tư hoàn chỉnh, hiện đại nhưng vẫn phải đảm bảo hệ thống quốc phòng, an ninh quốc gia.
Ông Phạm Hữu Thắng nhấn mạnh, trong thời gian tới VIPFA sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển, bám sát những vấn đề thực tiễn đối với các doanh nghiệp để định hướng được xu thế phát triển chung của nền kinh tế. Từ đó, tìm ra những yếu tố mấu chốt thúc đẩy bất động sản công nghiệp phát triển đồng bộ với hạ tầng và đáp ứng được yêu cầu của đối tác nước ngoài.
Việc tìm ra những giải pháp để áp dụng thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trên thị trường bất động sản. Nhờ những giải pháp này các khu công nghiệp sẽ tiếp tục phát huy được thế mạnh và hạn chế những rủi ro có thể xảy ra đối với doanh nghiệp./.
- Xu hướng bất động sản 2024: Phân khúc nào sẽ sớm hồi phục?
- Căn hộ trên thị trường bất động sản TP.HCM chạy đà “đuổi” giá Hà Nội
- Bất động sản Long An có thêm dự án khu công nghiệp hơn 1.400 tỷ đồng