Bắc Giang: Khai hội chùa Bổ Đà năm 2023
Chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa, chùa có tên gọi chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Sơn Tự, gọi tắt là chùa Bổ hay Tứ Ân Tự. Chùa tọa lạc ở vị trí đắc địa, nằm về phía Bắc của chân núi Phượng Hoàng thuộc dãy núi Bổ Đà, xa xa là dòng sông Cầu thơ mộng.
Biểu diễn văn nghệ tại lễ khai hội. |
Chùa được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI), được tu bổ, tôn tạo và mở rộng vào thời vua Lê Dụ Tông (1720-1729). Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc "nội thông ngoại bế" tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Qua nhiều thế kỷ, chùa Bổ Đà đã được trùng tu nhiều lần, song cơ bản vẫn giữ được nét kiến trúc cổ từ tường đất, vườn tháp đến kiến trúc gỗ truyền thống mang phong cách nghệ thuật đan xen của các thời đại nối tiếp nhau trải dài từ thế kỷ XVIII đến nay.
Bên cạnh những giá trị về kiến trúc, thẩm mỹ, chùa Bổ Đà hiện nay còn lưu giữ một kho tàng di sản Hán Nôm trên nhiều loại hình và Bộ ván kinh Phật là một trong những Bộ kinh khắc gỗ cổ nhất Việt Nam với hơn 2.000 mộc bản, có ý nghĩa to lớn cho việc nghiên cứu...
Ông Thân Văn Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội phát biểu khai mạc lễ hội. |
Với giá trị tiêu biểu, độc đáo trên nhiều bình diện, năm 1992, chùa Bổ Đà được xếp hạng di tích quốc gia; năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng chùa Bổ Đà là di tích lịch sử-kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Tháng 3/2017, Lễ hội Bổ Đà được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tháng 12/2017, Mộc bản chùa Bổ Đà được công nhận là bảo vật quốc gia. Ngày 30/9/2019, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 703/QĐ-UBND công nhận chùa Bổ Đà là điểm du lịch cấp tỉnh. Chùa được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2016.
Lễ hội truyền thống chùa Bổ Đà và Liên hoan dân ca quan họ huyện Việt Yên năm 2023 diễn ra trong thời gian 4 ngày, từ ngày 6 - 9/3 (tức ngày 15 đến 18/2 Âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn như trưng bày triển lãm sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện; Trình diễn di sản dân ca quan họ; Trình diễn Thư pháp; Triển lãm Cây cảnh; Giải Kéo co huyện Việt Yên năm 2023; Hội thi Chim vành khuyên hót…
Lễ hội nhằm thu hút đông đảo du khách tham quan; tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động, sản xuất xây dựng địa phương ngày một phát triển vững mạnh.
Ông Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên đánh trống khai hội. |
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Thân Văn Thuần, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội cho biết, Việt Yên là vùng đất có truyền thống lịch sửa, văn hóa, nơi lưu giữ và bảo tồn trên 340 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 19 di tích cấp Quốc gia, 2 bảo vật quốc gia...Huyện cũng vinh dự có 2 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hoá nhân loại là Quan họ và ca trù; 3 lễ hội được công nhận là văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào vô cùng to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân địa phương nhưng cũng là trách nhiệm rất lớn trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản trên.
"Xác định rõ được ý nghĩa và tầm quan trọng của Lễ hội truyền thống và dân ca quan họ trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, trong những năm vừa qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đã dành sự quan tâm đặc biệt trong công tác bảo tồn các Lễ hội truyền thống và nghệ thuật trình diễn dân ca quan họ" . Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Việt Yên nói.