ISSN-2815-5823

Bài toán giá điện và những vấn đề cấp bách đặt ra

(KDPT) - Chiều ngày 7/11, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Cung ứng điện cho năm 2024 - Những vấn đề cấp bách đặt ra”, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, tài chính và năng lượng.

Toạ đàm có sự tham gia của: TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc; PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế; TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Những giải pháp cấp bách đặt ra để bảo đảm cung cấp điện cho năm 2024
Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ

Tại Toạ đàm, các chuyên gia đều nhìn nhận, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong việc bảo đảm cung cấp điện năng cho nền kinh tế, từ công tác xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, phê duyệt các chủ trương, đầu tư các dự án điện đến hoạt động truyển tải, cấp phát, tiêu thụ điện năng.

TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Chính phủ đánh giá, hoạt động chỉ đạo bảo đảm cung ứng điện trong nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là hoạt động rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thường trực Chính phủ đã nhận thức đúng vai trò của điện năng trong phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, "điện đi trước một bước".

Cũng theo TS Nguyễn Đức Kiên, ngay trong nửa cuối năm 2021, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian trực tiếp nghe lại Tổng sơ đồ điện VIII. Trong năm 2022, sau khi hết dịch, Thủ tướng Chính phủ cùng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cho các dự án cụ thể như: Nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2… là những công trình đã khởi công từ lâu nhưng chậm tiến độ do khó khăn.

Những giải pháp cấp bách đặt ra để bảo đảm cung cấp điện cho năm 2024
TS. Nguyễn Sĩ Dũng (phải) và TS. Nguyễn Đức Kiên trao đổi tại Tọa đàm. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 và Thái Bình 2 đã đi vào hoạt động.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, để góp phần truyền tải được phần năng lượng dôi dư ở khu vực miền trung ra miền bắc, tránh tình trạng thiếu điện cục bộ như một số ngày và một số tuần trong mùa hè năm 2023.

Cùng với cam kết trung hòa phát thải mà Thủ tướng đã thay mặt Việt Nam cam kết tại COP 26, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã rất quyết liệt, lấy đó là một trong những trọng tâm để đẩy mạnh phát triển đồng bộ cả về nhiệt điện, thủy điện, truyền tải cũng như năng lượng tái tạo.

Đáng chú ý trong năm 2023, Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu lại cơ chế điều hành giá điện hài hòa hơn như Thủ tướng nhiều lần nói là phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, của người dân và ngân sách Nhà nước.

Liên quan đến 2 dự án quan trọng của ngành điện là chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn và dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền bắc cho rằng, sự chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt và đúng hướng. Trước mắt sự kỳ vọng vào những nguồn điện ổn định là điều hết sức quan trọng, đặc biệt là những nguồn mà chúng ta đã đưa ra, thí dụ như nhiệt điện.

Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi, đầu tư cho ngành điện, ngoại trừ điện mặt trời còn những nguồn khác chúng ta không thể nào đốt cháy giai đoạn để nhanh được. Đối với dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối, đây là dự án nằm trong lộ trình tương đối rõ ràng của ngành điện. Tuy nhiên, để dự án hoàn thành theo tiến độ thì cần có sự vào cuộc của nhiều bên, sự quyết tâm của nhiều đơn vị. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải có những quyết sách như chúng ta làm đường dây 500kV mạch 1 trước đây.

Bàn về giải pháp góp phần bảo đảm cung ứng điện trong bối cảnh hiện nay, PGS. TS Bùi Xuân Hồi nhận định, nguồn nhanh nhất có thể đưa vào đó là nguồn năng lượng tái tạo. Cần có cơ chế để huy động ngay nguồn này vì đã hoạch định rồi nhưng vấn đề là phải thực thi, liệu chúng ta có thể quay lại cơ chế giá cố định (giá FIT) hay không? Giá FIT là bao nhiêu? Liệu sản lượng thừa chúng ta có mua lại của những hộ dân đã làm công trình điện mặt trời áp mái hay không? Tất cả những điều đó có thể làm được và làm nhanh để giải quyết nhu cầu tức thời của năm 2024.

Cân nhắc kỹ lưỡng bài toán điều tiết giá điện

PGS. TS Bùi Xuân Hồi phân tích, về mặt cơ cấu, giá thành, cung ứng điện gồm có 4 phần: Sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ. Riêng phần sản xuất đang chiếm 70 - 80% cơ cấu giá thành. Phần nguồn điện, cơ bản hiện nay, các biến động của đầu vào sẽ dẫn đến biến động của nguồn điện. Các phần còn lại, từ truyền tải, đến phân phối, đến bán lẻ, giá điện do Chính phủ quy định và thẩm quyền là của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo PGS. TS Bùi Xuân Hồi, giai đoạn vừa qua là giai đoạn rất đặc thù, chúng ta vừa trải qua thời kỳ dịch Covid-19, vì vậy thời lượng, chu kỳ điều chỉnh giá điện chúng ta chưa thực sự đảm bảo theo tín hiệu của thị trường.

Những giải pháp cấp bách đặt ra để bảo đảm cung cấp điện cho năm 2024
PGS.TS. Bùi Xuân Hồi (trái) và PGS.TS. Ngô Trí Long. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Chúng ta cố gắng giữ giá điện, chỉ tăng giá 3% trong vòng 4 năm.Cái được của chúng ta là bảo đảm an sinh và các mục tiêu vĩ mô khác. Những rủi ro có thể không đến ngay, nhưng chỉ cần thiếu điện ở miền bắc trong thời gian rất ngắn thì theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), chúng ta đã thiệt hại lên đến 1,4 tỷ USD.

“Chúng ta phải cân nhắc rất rõ, rất kỹ lưỡng bài toán điều tiết giá điện, phản ánh hơi hướng của thị trường, để bảo đảm ngành phát triển bền vững, và từ đó nền kinh tế mới phát triển bền vững và an sinh xã hội mới được bảo đảm”, PGS. TS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho biết, trong đầu tư một số nguồn điện, giá là một “điểm nghẽn” rất quan trọng. Chúng ta biết điện là một lĩnh vực độc quyền, Nhà nước quy định giá.

Hiện nay trên thị trường năng lượng có 2 mặt hàng hết sức quan trọng với vấn đề an ninh năng lượng, đó là điện và xăng dầu. Những lĩnh vực này, ngành này, Nhà nước quy định giá. Đối với ngành điện, Nhà nước, Chính phủ hết sức quan tâm, luôn coi điện là nguồn đầu vào quan trọng, tác động tới mọi mặt của nền kinh tế. Tuy nhiên, điều hành giá điện, ngoài theo cơ chế thị trường, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta, cần phải có sự điều tiết của Nhà nước.

Từ thực tế điều hành giá điện trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Thứ nhất, Nhà nước cần điều tiết ở chính sách an sinh xã hội, thứ hai nhằm phục vụ cho mục tiêu kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh đó, việc điều tiết giá điện có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng, cũng như các bộ ngành có liên quan.

Riêng về những bài học kinh nghiệm và tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc trong những ngày cao điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2023, PGS. TS Ngô Trí Long nêu quan điểm, phải xem xét nguyên nhân chủ quan và khách quan từ đâu. Đồng thời kiến nghị phải đẩy nhanh tiến độ các dự án còn đang chậm tiến độ.

“Vấn đề thứ hai là bảo đảm dự trữ nhiên liệu đầu vào. Chúng ta thấy nguồn nhiệt điện chiếm tỷ trọng tương đối lớn mà nguồn than trong nước thì hạn chế, có mức độ, chúng ta phải nhập. Cho nên chúng ta phải dự phòng, dự báo được, để tránh hiện tượng có những cú sốc”, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Theo PGS. TS Ngô Trí Long, khi quyết định giá, phải tính đúng, tính đủ, kịp thời. Đúng, đủ nhưng phải 3 năm sau mới "kịp thời" thì không nên.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng dẫn ra thí dụ một bài học quan trọng cụ thể về kinh nghiệm ngành điện của bang Carlifornia, Mỹ, có thời kỳ giữ vị thế độc quyền. Chính quyền quy định giá quá thấp so với giá thị trường, doanh nghiệp thua lỗ không thể tồn tại, không thể phát triển được, dẫn đến thiếu hụt điện.

Những vấn đề cấp bách đặt ra

Kết thúc buổi Toạ đàm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng tổng kết, Thủ tướng đã đưa ra quyết tâm chính trị và mệnh lệnh rất rõ ràng là không để thiếu điện trong năm 2024. Các thành viên trong tọa đàm cũng đã nêu rất rõ: Muốn bảo đảm cần khai thác tốt các nguồn mà chúng ta đang có, những nguồn dễ đã có như điện, thủy điện, điện than… nhưng nguồn điện tái tạo mà chúng ta đang có do vướng cơ chế, vướng giá… phải gỡ rất nhanh để có thể khai thác ngay, kể cả nguồn điện áp mái đang có. Đấy là định hướng rất quan trọng.

Tiếp theo, cần phải có các phương án để bảo đảm vận hành các nhà máy điện hiện có một cách hiệu quả, tránh lỗi kỹ thật, tránh những sự cố không đáng có.

Phải lên được các kịch bản để đối phó với tình huống xảy ra, phải làm chủ được các tình huống đó.

Tiếp theo, phải tính đến kế hoạch mua bán điện, kể cả mua bán điện của nước ngoài.

"Bao trùm tất cả, và quan trọng ngay trong năm 2024 cũng nên triển khai, đó là cần cải cách về điều hành giá. Giá điện phải tính đúng, tính đủ và phải tuân thủ theo quy luật của thị trường. Điều đó không có nghĩa là không làm các chính sách xã hội để bảo đảm an sinh xã hội nhưng hai chuyện phải tách biệt nhau. Nếu chúng ta lẫn lộn sẽ phá vỡ cả 2 bên, sẽ không minh bạch được", TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/05/2024