Báo Giáo dục và Thời đại góp phần quan trọng vào nhiều thành tựu Giáo dục
Nhiều kết quả quan trọng trong hành trình 65 năm
Sáng 2/12, tại Hà Nội, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (5/12/1959-5/12/2024).
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi tới lãnh đạo, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, các nhà báo đã gắn liền với Báo Giáo dục và Thời đại qua nhiều thời kỳ - sự ghi nhận và lời chúc mừng nồng nhiệt.
Nhìn lại hành trình 65 năm qua - từ năm 1959, Báo Người giáo viên nhân dân ra mắt bạn đọc số báo đầu tiên - tiền thân của Báo Giáo dục và Thời đại, Bộ trưởng đánh giá: Từ khi ra đời đến nay, Báo Giáo dục và Thời đại là cơ quan ngôn luận của ngành Giáo dục và là diễn đàn cho toàn xã hội về các vấn đề giáo dục và đào tạo.
Báo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền nhiều nhiệm vụ và hoạt động lớn của ngành, kết nối thông suốt giữa ngành Giáo dục với dư luận, xã hội, góp phần quan trọng vào nhiều kết quả và thành tựu mà ngành đã đạt được, đồng thời góp phần tạo dựng niềm tin của xã hội đối với ngành, động viên khích lệ các nhà giáo, cơ sở giáo dục và học sinh sinh viên.
Đặc biệt, trong giai đoạn ngành Giáo dục tập trung triển khai và thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Báo đã bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của ngành Giáo dục trong thông tin, tuyên truyền, thúc đẩy hoạt động đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Tiêu biểu là đổi mới giáo dục phổ thông với những thành công bước đầu khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực phẩm chất người học. Tinh thần đổi mới hiện diện, lan tỏa tích cực ở nhiều nơi, xuyên suốt trong các hoạt động dạy và học của thầy trò. Các hoạt động chuẩn bị cho việc đổi mới Chương trình giáo dục bậc mầm non cũng đang được thông tin chủ động, tích cực, cập nhật đầy đủ tới xã hội. Hoạt động đổi mới giáo dục đại học cũng được phản ánh đa chiều, trong đó, tập trung vào chiều sâu của tự chủ đại học với những vấn đề về tự chủ học thuật, tự chủ tổ chức, tự chủ tài chính. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, đáp ứng nhu yêu cầu đa dạng và biến đổi trong thời kỳ mới.
Cho đến nay, Giáo dục và Thời đại vẫn là tờ báo có sự đa dạng về số lượng ấn phẩm. Những năm 90 của thế kỷ XX, ngoài ấn phẩm chính, các phụ san của Báo đã trở nên quen thuộc với đông đảo các nhà giáo, học sinh, sinh viên cả nước trong nhiều năm liền.
Nhiều sự kiện, chương trình thường niên đã gắn với tên tuổi và uy tín của Báo như: Chương trình "Thay lời tri ân" đều đặn lên sóng truyền hình trực tiếp mỗi dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”; Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”; Chương trình gặp mặt, tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế hàng năm,…
Quy mô của Báo cũng ngày càng phát triển với cơ quan thường trú, văn phòng liên lạc, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú có mặt tại nhiều địa phương trên cả nước. Điều này đảm bảo khả năng ghi nhận, bao quát các vấn đề giáo dục khắp các tỉnh, thành. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Báo còn là một kênh kết nối các nguồn lực xã hội để triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội, từ thiện và phát triển cộng đồng có ý nghĩa giáo dục.
“Hành trình 65 năm qua với không ít kết quả quan trọng đã đạt được của Báo Giáo dục và Thời đại cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, nhân viên Báo qua các thời kỳ. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi trân trọng ghi nhận, biểu dương, cảm ơn và chúc mừng tất cả các đồng chí, chúc mừng tập thể Báo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Báo Giáo dục và Thời đại cần tự tin phát triển với một bản sắc riêng
Theo Bộ trưởng, với lượng độc giả lớn, trong đó có gần 1,6 triệu nhà giáo, gần 1 triệu cựu giáo chức, khoảng 25 triệu người học, trên 50 nghìn cơ sở giáo dục trên cả nước, Báo Giáo dục và Thời đại có những lợi thế đặc thù để tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ số, cùng nhiều nền tảng phân phối nội dung khác nhau cũng đem đến cho Báo nhiều cơ hội để sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới, đồng thời có nhiều phương cách và hướng đi mới để thu hút độc giả.
Bộ trưởng đồng thời cũng chỉ ra những thách thức Báo Giáo dục và Thời đại phải đối mặt. Một trong số những thách thức lớn hiện nay của Báo chính là khẳng định vị thế, uy tín hàng đầu của một đơn vị báo chí lớn nhất của ngành Giáo dục, của Bộ GD&ĐT trong tuyên truyền đường lối, chính sách giáo dục, đồng thời phản ánh nguyện vọng chính đáng của giáo viên, học sinh và động viên toàn xã hội chăm lo sự nghiệp, phát huy khả năng xây dựng xã hội của ngành Giáo dục.
Trong bối cảnh thông tin bùng nổ như hiện nay, những chủ đề liên quan đến giáo dục luôn trở thành vấn đề thu hút nhiều tranh luận, thậm chí tranh cãi quyết liệt, không chỉ trên không gian mạng mà còn ở mọi nơi, mọi lúc. Báo cần phải thực hiện thật tốt sứ mệnh truyền đạt thông tin, minh bạch hóa và đại chúng hóa các thông tin chính sách, định hướng và dẫn dắt thông tin của ngành Giáo dục với nguồn thông tin tin cậy, đa dạng, đầy đủ, dễ tiếp cận và dễ hiểu đối với những người trong hệ thống giáo dục, những người quan tâm đến giáo dục và những người có liên quan.
Là tờ báo ngành, Bộ trưởng cho rằng, hơn ai hết, Báo Giáo dục và Thời đại phải là người trong cuộc, người kể câu chuyện giáo dục từ bên trong bằng sự thấu hiểu chính sách giáo dục, nắm bắt, thậm chí định hướng chính sách từ mong muốn của người dạy, người học, phụ huynh, xã hội. Báo là một phần của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của ngành. Ngành Giáo dục đang đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, Báo cũng phải càng đi đầu trong sự sáng tạo; ngành Giáo dục, nhà giáo tiêu biểu cho sự mẫu mực, khuôn mẫu thì Báo cũng tiêu biểu cho sự mô phạm, mẫu mực và chính thống.
Cũng theo Bộ trưởng, những xu thế phát triển của báo chí, truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay cũng đòi hỏi Báo Giáo dục và Thời đại nhiều hơn sự tìm tòi, sáng tạo, đổi mới từ tư duy làm báo, sản phẩm báo chí, công nghệ truyền thông để không đi vào lối mòn, không trở thành kênh thông tin đơn giản, thiếu tính hấp dẫn, thiếu sức cạnh tranh.
Trong giai đoạn trước mắt, Báo Giáo dục và Thời đại phải cùng toàn ngành tiếp tục triển khai, thực hiện các chủ trương và nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, tiêu biểu là triển khai các nội dung Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ngoài ra, bên cạnh tính báo chí, tính thông tin, truyền thông cho lĩnh vực giáo dục, Báo cần đặc biệt lưu ý đến hoạt động thông tin, tuyên truyền hỗ trợ nhà giáo trong chuyên môn, nghiệp vụ thông qua việc tăng cường các chuyên mục mang tính hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm cho giáo viên.
Trước rất nhiều việc phải làm và còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước đối với ngành Giáo dục, Bộ trưởng lưu ý, Báo Giáo dục và Thời đại cần phải chủ động hơn nữa, bám sát hơn nữa tình hình hoạt động của ngành Giáo dục và phát huy thật tốt vai trò cầu nối điều phối thông tin tích cực, đầy đủ, hiệu quả giữa ngành Giáo dục với xã hội.
"Với kinh nghiệm từ hành trình 65 năm qua, với những cơ hội mới của một giai đoạn phát triển mới và với khả năng tự định vị mình trong dòng chảy chung của báo chí cách mạng Việt Nam của một tờ báo ngành, Báo Giáo dục và Thời đại cần tự tin phát triển với một bản sắc riêng trên hành trình tiếp tục.
Bộ GD&ĐT đặt nhiều niềm tin, kỳ vọng đồng thời sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của Báo Giáo dục và Thời đại trong chặng đường tiếp theo”, Bộ trưởng bày tỏ./.