ISSN-2815-5823
Đặng Nguyệt
Thứ tư, 11h09 20/03/2024

Bất động sản Đà Lạt chủ yếu mua bán nhỏ lẻ nên không có sàn giao dịch

(KDPT) - Trên thị trường bất động sản Đà Lạt, giao dịch chủ yếu là nhỏ lẻ giữa các hộ dân nên nơi đây không có tổ chức môi giới và sàn giao dịch bất động sản.

Vừa qua, UBND TP. Đà Lạt đã báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội và Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng về diễn biến thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội năm 2015-2023.

Trên địa bàn TP. Đà Lạt, giai đoạn 2015-2023 chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại mới được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng quy mô 2,13 ha, tổng vốn đầu tư là 723,03 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt cho biết, phần lớn các giao dịch bất động sản Đà Lạt là nhỏ lẻ và mua bán qua lại giữa các hộ gia đình.

Nhu cầu đầu tư bất động sản ở thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19 vẫn rất lớn. Cụ thể, TP. Đà Lạt năm 2020 có 2.384 giao dịch đất nền và 1.768 giao dịch nhà ở. Ở giai đoạn 2021-2022, thị trường bùng nổ với 4.491 giao dịch đất nền và 3.796 giao dịch nhà ở. 

Đà Lạt không có sàn giao dịch hay tổ chức môi giới bất động sản. (Ảnh minh họa)
Đà Lạt không có sàn giao dịch hay tổ chức môi giới bất động sản. (Ảnh minh họa)

Trên địa bàn thành phố, cả năm 2023 chỉ có 642 giao dịch đất nền và 465 giao dịch nhà ở, sụt giảm 3.078 giao dịch so với năm trước đó.

Theo UBND TP. Đà Lạt, trên địa bàn không có tổ chức môi giới và sàn giao dịch bất động sản. Ngoài ra, cũng không có dịch vụ tư vấn quản lý về lĩnh vực này.

Tại TP. Đà Lạt, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng, giảm theo nhu cầu và diễn biến thị trường, giai đoạn 2015-2020 có 69 doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp ở giai đoạn 2021-2023 sụt giảm dần và hiện đang còn 53 doanh nghiệp với hoạt động chủ yếu là văn phòng ký gửi.

Theo UBND TP. Đà Lạt nhận xét về thị trường hiện nay, bất động sản Đà Lạt đang gặp nhiều khó khăn khi thanh khoản và sức mua sụt giảm. Số dự án hoàn thành và chấp thuận mới đều giảm do nhiều dự án nhà ở thương mại phải dừng hoặc giãn tiến độ, nguồn cung nhà ở vừa túi tiền thiếu hụt.

Giá bất động sản, nhất là đất ở, nhà ở, vẫn ghi nhận ở mức cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều đó khiến người lao động có thu nhập thấp tại các đô thị tiếp cận và tạp lập chỗ ở càng khó khăn hơn.

Từ năm 2015-2021, trên địa bàn TP. Đà Lạt có 3 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, giải quyết nhu cầu chỗ ở cho 299 hộ gia đình, cá nhân. UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục kêu gọi đầu tư 1 dự án nhà ở cho công nhân và 2 dự án nhà ở xã hội tại Đà Lạt trong giai đoạn 2022-2025 với tổng nguồn cung đạt 1.236 căn hộ.

Có 14 vị trí trong 10 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại TP. Đà Lạt đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt đã được bố trí xây dựng nhà ở xã hội với diện tích 18,39 ha.

Tỉnh Lâm Đồng phấn đấu xây dựng 2.200 căn hộ theo chỉ tiêu được giao, phần lớn nằm tại TP. Đà Lạt, theo tinh thần Đề án  “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024