Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: Hy vọng vào một môi trường mạng ngày một “sạch”
(KDPT) – Không phải mới đây khi Bộ Thông tin – Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội người ta mới nhìn lại mọi vấn đề ứng xử trên môi trường mạng xã hội. Mà trước đó từ khá lâu, đã có nhiều bài viết trên báo chí, truyền thông về những cư xử không đúng chuẩn mực của nhiều người, đặc biệt là những người có sức ảnh hưởng đến đông đảo “cư dân mạng”.
Có lẽ cũng bởi đã có nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống, thế nên mạng xã hội vẫn cứ là môi trường màu mỡ để nhiều cá nhân có những phát ngôn, lời nói không đúng chuẩn mực hút người theo dõi. Và không ít những cuộc cãi vã, chửi bới thậm tệ diễn ra trên mạng xã hội với sự tham gia của hàng nghìn người.
Chắc không ai quên thời điểm cách đây hơn một năm, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành khắp thế giới, Nhà nước Việt Nam với chủ trương dang tay đón những người đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài về nước, với điều kiện là sau đó phải cách ly. Thời điểm đó, trên các mạng xã hội đã ầm ĩ đến cả vài tuần lễ vì một số ngoại kiều có những hành vi chửi bậy, văng tục trên mạng xã hội.
Hành vi của những người ấy là đáng phê phán, nhưng câu chuyện sẽ không lan truyền rộng rãi nếu như không có phản ứng đồng loạt của cư dân mạng xã hội. Thay bằng lên án hoặc bày tỏ thái độ không hài lòng, dân cư mang lao vào xỉa xói, chửi bới bằng những ngôn từ “hoa mỹ” không kém “chính chủ” là mấy.
Việc xử lý tréo nghoe kiểu lấy cái xấu hơn để “điều trị” cái xấu khiến việc đôi co không hề có chút văn hóa này kéo dài và phát sinh thêm nhiều những cuộc cãi vã mới. Và tất nhiên, cuộc cãi vã sau căng thẳng, ầm ĩ hơn cuộc cãi vã trước với những ngôn từ chửi rủa thậm tệ và bậy bạ hơn. Có thời điểm khi mở mạng xã hội, người ta chỉ thấy, chỉ nghe, chỉ đọc được những câu… chửi bậy.
Lạ một điều, những “cuộc chiến” chửi bậy ấy luôn hút rất đông đảo người tham gia. Có lẽ chính vì thế, những người có những phát ngôn kiểu “xóc óc”, sử dụng những ngôn từ chợ búa, thậm chí chửi rất bậy lại đặc biệt được nhiều người theo dõi. Đặc biệt là giới nghệ sỹ. Có nhiều nghệ sỹ, việc nói năng bạt mạng hay chửi bậy trở thành “đặc điểm nhận dạng” của họ. Hơn nữa, có nhiều người trên mạng xã hội đương nhiên coi đó là chuyện thường tình, ví như không chửi bậy, không phải là T.T, hoặc là D.M.
Câu chuyện chửi bậy trên mạng xã hội “quen thuộc” đến nỗi, theo P.T.N, một người sử dụng facebook 24 tuổi ở Hà Nội đã cho biết: “Trên MXH đã từng tồn tại và hoạt động những page chuyên “chửi thuê” khá hài hước. Ban đầu, những người tạo ra chúng chỉ nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân nhưng sau đó họ đã phát triển trở thành một kênh thông tin, tin tức “chửi” để kiếm tiền và kết quả là đã có nhiều doanh nghiệp tìm đến họ. Từ điểm xuất phát ban đầu mà các Vlogger tạo ra là những Vlog để giải quyết nhu cầu cá nhân của mình dưới dạng những hoạt động như ngày hôm nay tôi đã đi những đâu, đã gặp gỡ ai và đã làm gì… rồi dần dần họ lồng ghép với việc quảng cáo cho một nhãn hàng nào đó. Chẳng hạn như họ chuyên gia PR cho Grab, Samsung Galaxy Note 7 và nhiều thương hiệu nổi tiếng khác ở trong nước, thậm chí là mang tầm quốc tế.”
Về chuyện nói tục, chửi bậy trên mạng xã hội, hay nói rộng hơn là ngôn ngữ mạng xã hội, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã thể hiện trong luận án của mình rất rõ. Theo bà, ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ trong mạng xã hội đang đặt ra vấn đề gìn giữ và phát huy sự trong sáng và chuẩn hóa của tiếng Việt.
“Từ ngôn ngữ của thế giới “ảo” – thứ ngôn ngữ phi quy tắc, mang tính khẩu ngữ chỉ nên dùng trong những không gian vui chơi giải trí mang tính chất riêng tư, thân mật, trong phạm vi một nhóm xã hội nào đó… thì giờ đây do việc tiếp xúc quá nhiều và thường xuyên với phong cách ngôn ngữ này mà giới trẻ đã không còn phân định được danh giới giữa thế giới mạng và thế giới đời thường. Hệ quả là, theo một cách tự nhiên (vô tình hay cố ý) họ có thể sử dụng ngôn ngữ mạng trong mọi trường hợp, kể cả ở những môi trường giao tiếp chính thức mà ở đó đòi hỏi phải tuân thủ theo những quy tắc, chuẩn mực nhất định như giao tiếp trong gia đình, nơi công sở” – TS Hương cho biết.
Vì vậy, việc ra đời Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mà Bộ Thông tin – Truyền thông vừa ban hành là cần thiết. Và với việc ra đời Bộ quy tắc này, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về một môi trường mạng ngày càng “sạch”.
MINH DƯƠNG
Nguồn link gốc: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/hy-vong-vao-mot-moi-truong-mang-ngay-mot-sach-245756.html