ISSN-2815-5823

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đề xuất 5 giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn cho doanh nghiệp

(KDPT) - Đánh giá về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra các nhóm vấn đề nổi cộm và đề xuất gợi mở 5 giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn cho doanh nghiệp.

Chiều ngày 11/10, tại buổi gặp mặt Thường trực Chính phủ với đại diện giới doanh nhân Việt Nam, chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ những đánh giá về tình hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp và đề xuất 5 giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn trong bối cảnh hiện nay.

Cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn

Trình bày báo cáo về hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã khái quát những kết quả đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực trong 9 tháng năm 2023; những khó khăn, thách thức; chính sách, giải pháp linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 8 luật, 17 nghị quyết. Một số vướng mắc của dự án, doanh nghiệp bất động sản về thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nộp tiền sử dụng đất,… đã được xem xét, tháo gỡ. Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; tư vấn, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Chính phủ đã ban hành liên tiếp nhiều quyết sách để trợ lực cho cộng đồng doanh nghiệp, điển hình như: Nghị quyết số 58/NQ-CP và Nghị quyết số 105/NQ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên chủ trì nhiều hội nghị đối thoại chuyên đề với doanh nghiệp theo các nhóm ngành nhằm lắng nghe và kịp thời có các chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Để hỗ trợ khôi phục thị trường du lịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP quy định nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày cho công dân 13 nước gia hạn thị thực. Đây là một trong những quyết sách quan trọng góp phần đưa số lượng khách khách quốc tế đạt gần 9 triệu lượt trong 9 tháng đầu năm, vượt mục tiêu đề ra. Chính phủ cũng quan tâm, ban hành nhiều chính sách khuyến khích, tạo nền tảng phát triển những lĩnh vực kinh tế mới như: kinh tế xanh, kinh tế số. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, khơi thông nguồn lực đối với các dự án năng lượng điện tái tạo, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; chỉ đạo quyết liệt thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Ngoài ra, các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng các FTA đã ký kết; triển khai hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong nước.

Đồng thời, thực hiện các chính sách, giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, chia sẻ gánh nặng chi phí với doanh nghiệp. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã 04 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân giảm 2% so với cuối năm 2022. Các chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm tiền thuê đất, hoãn, gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế VAT, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động...tiếp tục được công đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Có thể khẳng định, các chính sách vừa qua đã phần nào chia sẻ được những tổn thất mà doanh nghiệp phải gánh chịu. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều mong mỏi, kỳ vọng vào những quyết sách và hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan nhà nước để đồng hành cùng doanh nghiệp, vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ.

Bộ trưởng nêu rõ, theo đánh giá của các tổ chức uy tín quốc tế và chuyên gia, Việt Nam đang có một số lợi thế như kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được củng cố; các ngành kinh tế mới như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tạo cơ hội các doanh nghiệp Việt Nam hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới; 16 hiệp định thương mại tự do đã ký kết tạo lợi thế cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh; vị thế, uy tín và vai trò của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao qua việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc và Mỹ gần đây.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, tình hình trong nước và quốc tế còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức như tăng trưởng kinh tế, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước lớn khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn tạo rủi ro, sức ép lớn đến thị trường đầu ra và chi phí đầu vào của doanh nghiệp; các nước gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xây dựng hàng rào kỹ thuật, yêu cầu của các thị trường về sản xuất xanh, bền vững đang đặt ra các thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Đề xuất 5 giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn cho doanh nghiệp

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để có thể vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin đề xuất gợi mở một số định hướng và giải pháp như sau:

Thứ nhất, nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, cần xác định rõ việc cải cách thể chế, tháo gỡ ngay các rào cản pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là giải pháp đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần như quy định về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra chuyên ngành...

Tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết không ban hành thêm các điều kiện không cần thiết, điều kiện kinh doanh dưới hình thức các tiêu chuẩn kỹ thuật làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời cần khẩn trương cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện cơ chế bảo vệ cho cán bộ công chức thi hành công vụ, dám đột phá, không vụ lợi tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP. Đây là điểm nghẽn quan trọng cần tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới.

Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm một số chi phí còn bất hợp lý so với thực tiễn hoạt động kinh doanh như: chi phí kiểm dịch động vật, định mức chi phí tái chế, chi phí lưu kho bãi…; rà soát biểu giá bán lẻ điện, giá nước sạch; xem xét áp dụng giá điện cho các cơ sở du lịch như giá điện sản xuất để phục hồi ngành du lịch; nghiên cứu chính sách giảm tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống 1%.

Rà soát tổng thể các chính sách về thuế hiện hành, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi thuế và lộ trình áp dụng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp chuyển đổi số.

Tiếp tục rà soát chính sách tín dụng nhằm tiết giảm chi phí, hạ lãi suất vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn. Thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Khẩn trương ban hành Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech).

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. các Bộ ngành, địa phương tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế và các điều chỉnh chính sách của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản,…kịp thời phổ biến thông tin, đưa ra cảnh báo sớm cho ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp. Thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam; nghiên cứu áp dụng mô hình hợp tác công tư hình thành văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.

Tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng các cam kết tại các FTA đã ký kết, đẩy nhanh việc ký kết các FTA đang đàm phán và nghiên cứu các thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu. Cảnh báo và cập nhật những thông tin mới nhất về các biện pháp phòng vệ thương mại, các tiêu chuẩn, kỹ thuật mới của các đối tác xuất khẩu. Thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, nhất là thông qua các nền tảng số và thương mại điện tử. Khẩn trương triển khai các giải pháp thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu để gỡ thẻ vàng IUU cho các mặt hàng thủy sản Việt Nam.

Xem xét mở rộng diện áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương trong thời gian tới. Triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế đi và đến Việt Nam.

Thứ tư, hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Triển khai nhanh và hiệu quả chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; nghiên cứu triển khai kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về việc dùng 100% kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn để hỗ trợ trực tiếp, đào tạo cho người lao động tại doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động, chờ đợi thị trường phục hồi.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành sản xuất chip, bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen)…; hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần trăn trở và nỗ lực cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. Tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp; chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Về phía các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, cũng cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để phát triển doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế./.

BẢO LINH



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine