ISSN-2815-5823
Thứ tư, 01h10 01/05/2019

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Doanh nghiệp đã vận động, nhưng “bàn tay” nhà nước phải mạnh hơn để thúc đẩy nhanh hơn

(KDPT) – Việt Nam cần phải có một khu vực tư nhân trong nước lớn mạnh hơn nữa, kết nối được với khu vực nước ngoài, để không chỉ tối ưu hóa được lợi ích của dòng vốn đầu tư nước ngoài, mà còn thúc đẩy một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh như vậy với Báo Đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Tin liên quan
>>> Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thu nhập bình quân chỉ tăng 150 USD mỗi năm

Thưa Bộ trưởng, vào thời điểm này, bức tranh kinh tế tư nhân của Việt Nam có nhiều nét mới. Số doanh nghiệp mới thành lập tăng nhanh, vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân cũng tăng trưởng mạnh… Ông đánh giá thế nào về điều này?

Bức tranh chung nền kinh tế nước ta đã có nhiều mảng sáng trong những năm gần đây, trong đó, mảng sáng về phát triển kinh tế tư nhân đã có nhiều nét mới rất tích cực, cho thấy khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã có sự vận động mạnh mẽ trong nội tại, thể hiện sự lớn mạnh về quy mô, số lượng và sự cải thiện về hiệu quả. Có thể nhận thấy sự phát triển “bứt phá” của khu vực này qua một số số liệu từ năm 2017 trở lại đây.

Về đầu tư của khu vực tư nhân, trong 2 năm 2017-2018, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư của kinh tế tư nhân tăng mạnh, đạt 17,1 – 18,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Bên cạnh đó, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng được cải thiện đáng kể, đạt trên 40%, cụ thể năm 2017 đạt 40,6% và năm 2018 đạt 43,27%. Đặc biệt, riêng quý I năm 2019 đã ghi nhận đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân đạt tốc độ tăng trưởng 13,6%, cao gần gấp đôi khu vực FDI và gần 4 lần đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước. Đã có nhiều dự án, công trình hạ tầng lớn (đường bộ, cảng hàng không, hạ tầng đô thị, công nghiệp ô tô, chế biến chế tạo…) ghi đậm dấu ấn của doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Về phát triển doanh nghiệp, tính đến hết năm 2018, đã có tới 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế. Riêng quý I năm 2019, đã có trên 28.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,2%, trên 15.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng tới 78,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, đã cải thiện đáng kể mức đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong tăng trưởng chung của nền kinh tế. Ví dụ như, thu ngân sách nhà nước từ sản xuất – kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh, đạt bình quân 15%/năm, cao gấp khoảng 2 lần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; riêng năm 2018, lần đầu tiên thu ngân sách nhà nước từ sản xuất – kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp nhà nước về mặt giá trị. Tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế tư nhân tuy còn ở mức khiêm tốn, khoảng 25,3 – 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, nhưng ngày càng được cải thiện, nhờ có tốc độ tăng trưởng vượt bậc…

Kết quả trên là vô cùng quan trọng, bởi trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế là rất lớn, khoảng 200%, thuộc nhóm các quốc gia có độ mở nền kinh tế cao trên thế giới, chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các nhân tố tác động từ bên ngoài, thì sự lớn mạnh, vững vàng của khu vực kinh tế tư nhân trong nước là điều kiện tiên quyết để củng cố, phát triển tiềm lực, quy mô của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng chống chịu và đẩy mạnh tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của đầu tư tư nhân cũng phần nào thể hiện lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường đầu tư – kinh doanh đang ngày càng được củng cố của Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

Đúng vậy, đã có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam chia sẻ với tôi về niềm tin này, đặc biệt là niềm tin vào những nỗ lực của Chính phủ nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cùng với những quyết tâm cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh để có thể cạnh tranh được với các nền kinh tế trong khu vực, hướng tới chuẩn mực cao của các quốc gia phát triển trên thế giới.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, để có được một môi trường thực sự hấp dẫn, thực sự thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, thỏa sức sáng tạo thì phần việc của Nhà nước còn khá nhiều. Đơn cử một số ví dụ:

Vẫn cần tiếp tục triển khai các giải pháp mang tính chiến lược và căn cơ hơn để cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia một cách thực chất hơn, bởi so với quốc tế và khu vực, thứ hạng của chúng ta còn ở mức thấp. Theo đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2019, Việt Nam xếp hạng 69/190 quốc gia, tụt 1 bậc so với năm 2018.

Vẫn còn nhiều việc phải làm để giảm mạnh gánh nặng chi phí, thời gian tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp; đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành; hạn chế rủi ro pháp lý, tăng cường minh bạch; bảo vệ quyền, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp; xóa bỏ các rào cản nhằm nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực về vốn, lao động, đất đai; khuyến khích và thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo…

Giải pháp phải tổng thể, toàn hệ thống của Nhà nước phải vào cuộc với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, “bàn tay” của Nhà nước rất cần chính là ở lúc này, nhất là các cơ chế, chính sách phải đủ minh bạch, hấp dẫn, để doanh nghiệp thỏa sức đổi mới, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới, tri thức mới, lựa chọn con đường đúng đắn để lớn mạnh. Tôi muốn nhấn mạnh đến điều này, vì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số đang tạo ra cơ hội phát triển nhảy vọt cho các nước đi sau như Việt Nam nhờ phương thức sản xuất mới, mô hình kinh doanh mới. Lúc này, bàn tay định hướng, hỗ trợ và thúc đẩy của Nhà nước để doanh nghiệp hiện thực hóa định hướng phát triển tới nền kinh tế hiện đại, cạnh tranh, thịnh vượng trên cơ sở thể chế hiện đại, chất lượng và công nghệ tiên tiến là vô cùng quan trọng.

Có như vậy mới củng cố được niềm tin, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thực sự yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh lâu dài, góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng năng suất, để khu vực kinh tế tư nhân đóng góp nhiều hơn, thực sự là động lực của nền kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 của ngành kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng đã từng nói, không thể có quản lý 1.0 trong nền kinh tế 4.0? Điều đó nên được hiểu như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Chúng ta phải xác định cải thiện bứt phá hiệu quả quản trị nhà nước gắn liền với xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả thực thi chính sách ở mọi cấp, mọi ngành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khắc phục căn bản tình trạng “trên nóng dưới lạnh” và “kinh tế 4.0 nhưng quản lý mới 1.0”.

Có như vậy, chúng ta mới phát triển bứt phá về lực lượng sản xuất, trọng tâm là phát triển mạnh khu vực tư nhân, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn lực gắn liền với đổi mới, sáng tạo, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng.

Trong Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ, chúng tôi cũng mong muốn thực hiện được yêu cầu này, thông qua nâng cao năng lực tiếp nhận và áp dụng công nghệ, nhất là công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cho các doanh nghiệp Việt Nam và cho cả các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hoạch định chính sách.

Khu vực kinh tế tư nhân sẽ thực sự là động lực của nền kinh tế khi thực sự có một môi trường chính sách, môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển, đổi mới, sáng tạo…

Theo Báo Đầu tư



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024