ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 02h04 27/11/2020

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tập trung nguồn lực để tạo các “quả đấm thép” cho sự phát triển của Vùng ĐBSCL

(KDPT) – Cho rằng, vùng ĐBSCL không thể phát triển nhanh, bền vững nếu chỉ đi một mình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh phải tăng cường liên kết, tập trung nguồn lực để tạo các “quả đấm thép” cho vùng.

“Thiên thời” để ĐBSCL phát triển

“Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng lãnh thổ có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã bắt đầu khai mạc Hội nghị báo cáo và tham vấn quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 như vậy.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị báo cáo và tham vấn quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 – Ảnh: Lê Toàn

Ông nhấn mạnh rằng, năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của ĐBSCL đóng góp trên 12% cho GDP cả nước; riêng nông nghiệp của vùng chiếm 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp, đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước.

Dù có nhấn mạnh những khó khăn, thách thức của vùng ĐBSCL, như GDP bình quân đầu người của vùng vẫn thấp hơn 18% so với mức trung bình của cả nước, đồng thời vùng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đối khí hậu, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng…, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lại đề cập nhiều hơn tới những cơ hội, lợi thế để phát triển của vùng này.

“Quan trọng là nhận thức được thách thức để quản lý rủi ro hiệu quả, nắm bắt cơ hội để tận dụng triệt để”, Bộ trưởng nhấn mạnh và đã chỉ ra 5 lợi thế để ĐBSCL phát triển.

Thứ nhất, vùng ĐBSCL có vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm khu vực ASEAN, là cửa ngõ kết nối của các hành lang kinh tế GMS, có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, biên mậu, giao thương quốc tế…

Thứ hai, nguồn nhân lực còn rất nhiều dư địa để phát triển và cải thiện chất lượng, trong đó, các địa phương trong vùng vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi chiếm trên 22% trong khi dân số trên 65 tuổi mới chiếm khoảng 8,4%.

Thứ ba, nền nông nghiệp của vùng hiện vẫn đang nắm giữ rất nhiều sản phẩm ưa chuộng của thị trường thế giới với nhu cầu ngày càng tăng, như nông sản hữu cơ, tôm, cá tra, trái cây, lúa gạo…

Thứ tư, ĐBSCL có lợi thế đặc biệt về các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng từ sóng biển và thủy triều.

“Biến đổi khí hậu có thể là tác nhân khiến lợi thế này mạnh hơn. Do vậy, định hướng phát triển năng lượng tái tạo ở vùng ĐBSCL có thể xem là một chiến lược biến nguy cơ, thách thức của biến đổi khí hậu thành lợi thế, cơ hội phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói,

Và thứ năm, vùng ĐBSCL đang nắm giữ cơ hội lớn trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế khi đang có sự dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ từ nơi cạn kiệt cơ hội, từ nơi cạnh tranh quá khốc liệt và giá đầu vào đắt đỏ sang khu vực có nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

“Đây thực sự còn là cơ hội mang tính ‘thiên thời’, đúng thời điểm chúng ta đang xây dựng quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh với cách tiếp cận mới, tầm nhìn chiến lược mới để sắp xếp lại không gian phát triển, xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm mở toang cánh cửa để đón nhận các dòng đầu tư từ các thành phần kinh tế, trong nước và quốc tế để phát triển vùng ĐBSCL một cách nhanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tập trung nguồn lực để tạo các “quả đấm thép” cho vùng ĐBSCL

Dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL, bản quy hoạch vùng đầu tiên được thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật, tới thời điểm này cơ bản đã hoàn thành và đề xuất nhiều nội dung mới về quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển cho vùng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Dự thảo Quy hoạch cần được “tham vấn sâu, toàn diện hơn” cả về mặt khoa học, thực tiễn, hội tụ sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các địa phương trong vùng, các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm chính trị của cả Trung ương và đảng bộ, chính quyền địa phương.

Và đó là lý do, Hội nghị báo cáo và tham vấn quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được tổ chức ngày hôm nay. Các mục tiêu được đặt ra, là thảo luận, cho ý kiến để làm rõ hơn, khả thi hơn các nội dung của Dự thảo Quy hoạch, trong đó tập trung thể hiện cho được các quan điểm mang tính cốt lõi của quy hoạch vùng ĐBSCL.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (thứ hai từ trái sang) và Thứ trưởng Trần Quốc Phương (thứ ba từ trái sang) trao đổi với các chuyên gia nước ngoài tại Hội nghị – Ảnh Lê Toàn.

Một là, phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế – xã hội – môi trường phải là quan điểm chủ đạo của cả quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương trong vùng, là quan điểm xuyên suốt trong cả giai đoạn tầm nhìn của Quy hoạch.

“Phải lấy yếu tố ‘con người’ làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy ‘thích ứng’ với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến, muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hai là, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm biến thách thức thành cơ hội.

Theo khẳng định của Bộ trưởng, thì đây là một quan điểm mang tầm nhìn tích cực, trong đó, không nhìn nhận vùng ĐBSCL là vùng khó khăn, toàn thách thức, mà ngược lại cần coi biến đổi khí hậu, nước biển dâng là điều kiện không thể tránh khỏi, bắt nó phục vụ cho phát triển, điều quan trọng nhất là con người vận dụng, điều chỉnh và kiểm soát chúng thế nào để phát triển.

Những dẫn chứng mà Bộ trưởng đề cập để khẳng định quan điểm tích cực của Quy hoạch, đó là Israel là quốc gia thiếu nước ngọt, nhưng họ lại có nền nông nghiệp phát triển và hiệu quả nhất thế giới với các phương thức canh tác chưa từng thấy; còn Dubai ở Trung Đông không có nhiều tài nguyên (dầu mỏ) và toàn sa mạc nhưng vẫn có nhưng đô thị phát triển mà nhiều người nổi tiếng muốn đến sống (như Đảo Cọ).

Ba là, trong một thời gian dài, vùng ĐBSCL phát triển phân tán, quy mô nhỏ lẻ, giá trị thấp, chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, đã đến lúc phải thay đổi mô hình phát triển theo hướng tập trung hơn, phát triển các trung tâm kinh tế, các đô thị động lực, tập trung nguồn lực để tạo các “quả đấm thép” cho sự phát triển của Vùng.

“Và bốn là, chúng ta đều hiểu rằng, vùng ĐBSCL không thể phát triển nhanh, bền vững nếu chỉ đi một mình. Do vậy, tăng cường liên kết là một quan điểm mang tính tất yếu, khách quan của quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, cần xác định những định hướng và ưu tiên phát triển rõ ràng của toàn vùng và từng tiểu vùng. Mọi vấn đề lớn, quan trọng cần được giải quyết trong mối liên kết nội vùng, liên kết với vùng Đông Nam Bộ, TP.HCM, Campuchia, kinh tế biển (bao gồm cả Biển Đông và Vịnh Thái Lan), tạo cơ sở để các địa phương trong vùng cùng hướng tới mục tiêu phát triển chung.

Và năm là, đầu tư là giải pháp tối quan trọng trong giai đoạn đầu của Quy hoạch vùng. Do vậy, cần thống nhất quan điểm tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu.

“Phát triển hạ tầng phải đi trước một bước để tạo nền tảng cho sự phát tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững của vùng. Ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng như giao thông, năng lượng, và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của Vùng trong thời kỳ tiếp theo, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp”, Bộ trưởng khẳng định và bày tỏ tin tưởng rằng, có cơ sở để phát triển vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới.

Nguyên tắc “không hối tiếc” khi phân bổ và sử dụng nguồn lực

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng Quy hoạch ĐBSCL. Quy hoạch vùng ĐBSCL sau khi được phê duyệt sẽ là cơ sở cho việc điều phối liên kết phát triển vùng và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả.

Toàn cảnh Hội nghị báo cáo và tham vấn quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 – Ảnh: Lê Toàn

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, để đảm bảo thực hiện Quy hoạch, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh để cụ thể hóa quy hoạch vùng cũng như trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư và xúc tiến đầu tư của từng địa phương.

Một điều đặc biệt khác được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đó là trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hữu hạn, trong khi nhu cầu tổng thể cho phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu là rất lớn…, thì việc xác định nhu cầu đầu tư, huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư trong giai đoạn tới cần dựa trên quy hoạch vùng và phải tuân thủ nguyên tắc “không hối tiếc” trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động của thượng nguồn có nhiều yếu tố bất định, khó lường đoán.

Kết thúc bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh mong muốn xây dựng bản Quy hoạch ĐBSCL có chất lượng cao, phấn đấu trở thành điển hình mẫu mực về quy hoạch vùng, để làm kinh nghiệm cho các quy hoạch vùng khác.

Theo Bộ trưởng, Quy hoạch vùng ĐBSCL sau khi được phê duyệt là cơ sở đển triển khai lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan, như quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị…

Do đó, Quy hoạch vùng ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết bài toán tổng thể về phát triển vùng, xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, làm cơ sở cho các ngành, các địa phương triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả cao.

Vì thế, một cách cầu thị, Bộ trưởng mong muốn Hội nghị sẽ thảo luận, trao đổi thẳng thắn, phân tích đánh giá một cách khoa học, khách quan về thực trạng tình hình, cơ hội thuận lợi, khó khăn thách thức, đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp hiệu quả cho dự thảo quy hoạch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng của vùng ĐBSCL.

HÀ NGUYỄN

Nguồn link gốc: https://baodautu.vn/bo-truong-nguyen-chi-dung-tap-trung-nguon-luc-de-tao-cac-qua-dam-thep-cho-su-phat-trien-cua-vung-dbscl-d133779.html



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024