Bộ Xây dựng đề xuất 7 giải pháp giúp lành mạnh hóa thị trường BĐS
Bộ Xây dựng cho biết, báo cáo từ các địa phương gửi về Bộ cho thấy số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trên cả nước có xu hướng giảm dần qua các năm. Cụ thể, năm 2021, tổng số dự án nhà ở thương mại hoàn thành là 172 dự án với quy mô 24.027 căn; bằng khoảng 60% số dự án và 42% số lượng căn so với năm 2020 (288 dự án với quy mô 57.149 căn).
Nguồn cung chưa cải thiện, giá vẫn tăng cao
Bộ xây dựng cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, thị trường chưa có sự cải thiện về nguồn cung nhà ở thương mại, lượng cung nhà ở thương mại rất hạn chế với khoảng 12.000 căn. Trong khi đó, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, nhất là đất nền tăng mạnh (ước tính khoảng 70.000 giao dịch thành công). Điều này cho thấy nhu cầu về nhà ở và đầu tư bất động sản của người dân vẫn rất lớn.
Trong năm qua, lượng giao dịch đất nền có dấu hiệu tăng mạnh ở nhiều địa phương trên cả nước. Cụ thể, phía Bắc tập trung tại các khu vực như vùng ven TP Hà Nội, các địa phương khác như Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, Thanh Hóa…; phía Nam tập trung tại các khu vực vùng ven Tp. Hồ Chí Minh, tại các địa phương Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa…
Ngoài ra, tại một số địa phương, có hiện tượng hoạt động phân lô, bán nền, tung tin, “đồn thổi”, nhiễu loạn thị trường để trục lợi thiếu kiểm soát. Cuối quý 1, đầu quý 2 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí “sốt giá” đất nền tại nhiều địa phương. Giá căn hộ chung cư cũng đã tăng bình quân khoảng 5 –7%.
Tại các các đô thị lớn Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh hầu như không có căn hộ giá 25 triệu đồng/m2. Giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%. Tại Hà Nội, nhà ở riêng lẻ trong dự án có mức giá phổ biến khoảng trên dưới 100 triệu đồng/m2, các dự án khu vực trung tâm lên đến trên 200 triệu đồng/m2, các dự án ở khu vực các huyện, xa trung tâm có mức giá khoảng 30 – 50 triệu đồng/m2.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá các phân khúc bất động sản tập trung trong cuối quý 1, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý 2.
Tổng hợp của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản chỉ rõ, giá căn hộ chung cư tại các địa phương đều có xu hướng tăng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 3% so với thời điểm cuối năm 2021. Hiện nay, tại Hà Nội, giá nhà chung cư tăng khoảng 4-5%, cao hơn so với tại mức tăng ở TP.HCM 1-2% so với cuối năm 2021.
Thị trường xuất hiện dấu hiệu bất ổn
Bộ Xây dựng cho biết, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền có biên độ tăng cao hơn so với căn hộ chung cư (bình quân tăng khoảng 5-7% so với quý trước). Sang cuối tháng 3/2022, tại một số địa phương, các vùng ven Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tại các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đồng Nai… lại có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh.
Thị trường BĐS xuất hiện một số dấu hiệu như thủ tục pháp lý phức tạp, thiếu đồng bộ, khiến nguồn cung nhà ở thương mại giảm ở hầu hết các địa phương; hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản vẫn chưa được kiểm soát tốt; chính sách thuế đối với việc sử dụng bất động sản, hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản chưa cụ thể dẫn tới tình trạng găm đất. Những dấu hiệu đó cho thấy thị trường bất động sản đang bất ổn.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trên địa bàn thành phố có khoảng 126 dự án. Tại Hà Nội, số lượng dự án có vướng mắc, ách tắc cũng lên đến hàng trăm dự án.
Một bộ phận môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp. Còn một lượng lớn các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản tự do không có chứng chỉ hành nghề. Giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng “hai giá”, kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến.
Công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn một số tồn tại, hạn chế như: tại một số nơi còn có hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh-quân đỏ”; đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá; thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá”; bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi “bỏ cọc”, tạo mặt bằng “giá ảo” để thao túng thị trường.
7 biện pháp giúp lành mạnh hóa thị trường BĐS
Để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết cần thực hiện 7 giải pháp sau:
Thứ nhất, khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị… để đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý, điều kiện để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững; đồng thời tăng cường quản lý thị trường bất động sản.
Thứ hai, theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời thực hiện giải pháp làm lành mạnh thị trường khi cần thiết. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh, hoạt động sàn giao dịch, hoạt động môi giới bất động sản. Kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, kinh doanh bất động sản để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng… thúc đẩy triển khai tạo nguồn cung cho thị trường.
Thứ ba, rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định, thúc đẩy cải tạo chung cư cũ.
Thứ tư, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường. Tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật; tiếp tục cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý, có hiệu quả; ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường. Kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán.
Đồng thời hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp bất động sản theo đúng quy định, tạo điều kiện, không làm cản trở hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp có đủ năng lực, hoạt động kinh doanh tốt, hiệu quả, lành mạnh… Nghiên cứu, đề xuất các quy định về thuế đối với hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản; Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất bảo đảm thống nhất, phù hợp thực tế địa phương.
Thứ năm, khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xây dựng Chương trình phát triển nhà ở, kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương. Công khai, minh bạch thông tin, danh mục, tiến độ các dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đô thị, đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng thông tin “đồn thổi” nhằm đẩy giá, trục lợi bất hợp pháp.
Thứ sáu, hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Thứ bảy, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; xử lý các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng bất động sản.
Hà Thu