ISSN-2815-5823
Thứ năm, 04h10 13/08/2020

Cà phê “Biệt động Sài Gòn”: Nơi lưu giữ những ký ức

(KDPT) – Mỗi sáng trước khi đi làm, người Sài Gòn thường có thói quen nhâm nhi một ly cà phê nơi quán quen, như một nét văn hóa đặc trưng. Có lẽ vì thế mà khắp các lối hẻm, con ngõ, ven đường,… đâu đâu cũng có những quán cà phê, từ bình dân đến sang trọng, từ cổ điển đến hiện đại, từ nhỏ hẹp đến quy mô lớn…, với vô vàn phong cách thú vị, hấp dẫn khác nhau. Nhưng một trong những quán mang nét riêng, được nhiều người nhắc đến, đó là quán cà phê Biệt động Sài Gòn.

Quán cafe là ngôi nhà xuyên hai thế kỷ vẫn giữ nét xưa.

Nằm tại căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định (quận 1, TP Hồ Chí Minh), cà phê Đỗ Phủ – cơm tấm Đại Hàn từ lâu là địa chỉ quen thuộc của nhiều người thích hoài cổ, yêu lịch sử và đặc biệt muốn tìm hiểu về lực lượng Biệt động Sài Gòn “huyền thoại” năm xưa được tái hiện trong bộ phim cùng tên. Quán tên Đỗ Phủ nhưng du khách lại gọi là cà phê “Biệt động Sài Gòn”, bởi đây là địa chỉ mở đầu của tour du lịch “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”. Đến đây, khách có thể vừa uống cà phê vừa khám phá những bí mật của những chiến sĩ biệt động năm xưa. Không gian, bàn ghế và đồ vật của quán dường như vẫn giữ nguyên vẹn từ trước năm 1975, đó là điểm hút khách của quán, không những thế, bao năm qua, nơi đây còn là điểm đến của nhiều chính khách, các cựu chiến binh, con cháu của các chiến sỹ biệt động năm nào.

Không gian, bàn ghế, vật dụng của quán gần như được giữ nguyên vẹn từ trước năm 1975 đến nay.

Đúng như tên gọi, quán là di tích gắn liền với lực lượng Biệt động Sài Gòn. Căn nhà do vợ chồng ông bà Đỗ Miễn xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ 20. Trước năm 1975, nơi đây là một trong những cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai). Lúc bấy giờ, ông Đỗ Miễn cùng vợ bán cơm tấm cho những người lính Đại Hàn (Hàn Quốc) sang tham chiến ở Việt Nam. Bên ngoài là quán ăn nhưng thực chất quán là nơi nuôi giấu cán bộ, chiến sỹ biệt động; cất giữ, chuyển giao tài liệu mật, tiền vàng, thuốc Tây… ra chiến trường. Sau năm 1975, quán cơm tấm vẫn hoạt động cho đến khi vợ chồng ông Đỗ Miễn qua đời. Đầu năm 2018, ông Trần Vũ Bình (con ông Trần Văn Lai) được gia đình ông Miễn giao quyền quản lý căn nhà, ông Bình đã mở quán cà phê ngay tại di tích này.

Những đồ vật gắn liền với các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn được trưng bày tại quán.

Bộ bàn ghế – các chiến sỹ biệt động Sài Gòn thường ngồi họp bàn kế hoạch.

Chiếc ti vi của gia đình ông Đỗ Miễn được giữ đến bây giờ.

Mang trong lòng ký ức về người cha anh dũng và tình yêu với những người lính Biệt động, ông Bình đã trùng tu và mày mò phục dựng nguyên bản các căn hầm bí mật, từng hiện vật để quán không chỉ là nơi uống cà phê thư giãn mang phong cách hoài cổ, mà còn là “địa chỉ đỏ” cho thế hệ sau tham quan, tìm hiểu lịch sử. Có thể nói, quán giống như một “bảo tàng chiến sỹ Biệt động Sài Gòn” với hiện vật nguyên vẹn, đồ dùng mà người Sài Gòn, chiến sỹ biệt động hay sử dụng trước năm 1975 mang nhiều ý nghĩa.

Nơi trưng bày các tài liệu hoạt động của các chiến sỹ biệt động.

Chiếc xe đạp được sử dụng từ trước năm 1975.

Góc hoài niệm cũ

Biệt động Sài Gòn là danh xưng của lực lượng đặc công quân Giải phóng miền Nam, chuyên làm nhiệm vụ tập kích nhằm vào chế độ Sài Gòn và lực lượng quân đội Hoa Kỳ trong môi trường đô thị tại Sài Gòn, trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Tới quán cà phê, khách vừa nhâm nhi đồ uống được pha chế theo công thức có từ thế kỷ trước, thưởng thức món cơm tấm truyền thống xuyên hai thế kỷ, vừa được nghe kể về những chiến công, câu chuyện cảm động của những người lính biệt động vang danh một thời.

Góc “sống ảo” cho những bạn thích ảnh hoài cổ.

Ban công với bộ bàn ghế nhuốm màu thời gian.

Chiếc máy hát đĩa được ông Trần Vũ Bình sưu tầm trưng bày tại quán.

Với những ai yêu lịch sử, thích phong cách hoài cổ, hay đơn giản tìm cho mình không gian đẹp, lắng đọng thư giãn thì cà phê Biệt động Sài Gòn là địa chỉ vô cùng hoàn hảo. Đây cũng là điểm đến lý tưởng với những bạn trẻ thích chụp ảnh với “1001 góc sống ảo” độc đáo, ý nghĩa.

THÚY MAI

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024