Các quốc gia từng là hình mẫu chống dịch đang bước vào giai đoạn khó khăn hơn
Úc
Chỉ vài tháng trước, Úc được ca ngợi vì có phản ứng chủ động trước đại dịch. Giống như Mỹ, quốc gia này đã cấm nhập cảnh với du khách nước ngoài đã từng đến Trung Quốc khi dịch xuất hiện. Khi virus lây lan, cuối tháng 3 nước này đã gia tăng các biện pháp kiểm soát khi cấm nhập cảnh đối với toàn bộ người nước ngoài. Hạn chế nghiêm ngặt hơn việc tụ tập đông người, đóng cửa nhà hàng và quán bar sau khi các trường hợp lây nhiễm tăng lên. Thậm chí, một số tiểu bang gần như “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Kết quả, Úc được đánh giá đã kiểm soát dịch trên quy mô rộng rãi.
Vào ngày 8/5, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã công bố kế hoạch mở cửa lại đất nước vào tháng 7 kể từ khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Vào thời điểm đó, số trường hợp bị nhiễm Covid-19 của Úc ổn định ở mức gần 7.000 người, với 97 trường hợp tử vong.
Nhưng gần đây, số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến tại tiểu bang Victoria. Tiểu bang này đã ghi nhận 671 trường hợp mới trong một ngày vào thứ Bảy vừa qua, khiến thống đốc Daniel Andrew tuyên bố “tình trạng thảm họa” vào Chủ nhật.
Theo giám đốc y tế của bang, giáo sư Brett Sutton, ngay sau khi ban bố “tình trạng thảm họa” ngày hôm sau, đã có 13 người được cho là tử vong do Covid-19, nâng con số tử vong tại tiểu bang này lên con số 136 với tổng cộng 11.937 ca nhiễm được xác nhận.
Đường biên giữa Victoria và New South Wales – hai tiểu bang đông dân nhất của Úc – đã bị đóng cửa lần đầu tiên sau 100 năm vào tháng Bảy.Tại Melbourne, các biện pháp kiểm soát cũng được siết chặt hơn với lệnh giới nghiêm trên toàn thành phố trong vòng 6 tuần. Các ngành công nghiệp không thiết yếu sẽ bị đóng cửa, hệ thống trường học quay trở giảng dạy bằng phương pháp trực tuyến.
Mỗi gia đình chỉ có một người được ra khỏi nhà một lần trên ngày để nhận những mặt hàng thiết yếu, họ chỉ được đi lại trong bán kính 5 km xung quanh nhà của mình. Vào hôm thứ hai, Úc cho biết đã có 18.000 trường hợp nhiễm Covid-19 với 221 ca tử vong.
Hồng Kông
Cũng như Úc, Hồng Kông được khen ngợi vì phản ứng nhanh chóng với sự xuất hiện của Covid-19 vào tháng 1. Họ đưa ra các biện pháp bao gồm lập bản đồ virus và cảnh báo người dân, khuyến khích rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn cũng như các bước bảo vệ quan trọng khác. Lãnh đạo Hồng Kông liên tiếp có hành động để hạn chế “làn sóng thứ hai” vào tháng 3 khi cư dân Hồng Kông bắt đầu quay lại thành phố. Các nhà chức trách cấm nhập cảnh người không có cư trú vào Hồng Kông, tạm dừng các chuyến bay quốc tế phải quá cảnh qua đây, thực hiện kiểm dịch và kiểm tra nghiêm ngặt đối với những người đến Hồng Kông. Trong nhiều tuần, số người bị nhiễm Covid-19 trong một ngày giảm đáng kể, đôi khi bằng không.
Nhưng bất chấp các biện pháp này, hơn 1000 người Hồng Kông bị nhiễm mới được phát hiện trong những tuần gần đây, khiến các quan chức y tế đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tiềm tàng nếu như không được kiểm soát gắt gao hơn nữa.
Các cuộc tụ họp công cộng đã được giới hạn ở hai người, phòng tập thể dục đã bị đóng cửa. Vào cuối tháng 7, lần đầu tiên thành phố đã đưa ra thông báo yêu cầu người dân đeo khẩu trang.
Hồng Kông đã báo cáo phát hiện thêm 80 trường hợp dương tính mới với Covid-19 và 2 ca tử vong liên quan vào thứ Hai vừa qua. Đây là lần đầu tiên sau gần hai tuần, con số nhiễm mới đã giảm xuống dưới ba chữ số – đưa tổng số người nhiễm tại thành phố này lên tới 3.590 trường hợp trong đó có 37 trường hợp tử vong.
Theo lãnh đạo Hồng Kông, trung tâm hội chợ triển lãm châu Á của Hồng Kông đã được triển khai thành một bệnh viện tạm thời với 500 giường; nó đã bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 vào chiều thứ Bảy vừa qua.
Đức
“Biểu tượng” của châu Âu về cách đối phó với đại dịch mới đây đã phải đương đầu với một đợt tấn công Covid-19 mới.
Còn nhớ vào tháng 3, trong khi hơn 4% bệnh nhân nhiễm Covid-19 tử vong trên toàn thế giới, tỷ lệ tử vong Covid-19 của Đức chỉ ở mức 0,4%.
Trong những tháng tiếp theo, đất nước này được coi là đã ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát của đại dịch, nhờ phản ứng nhanh chóng, lấy mẫu xét nghiệm hàng loạt và sự bình tĩnh, minh bạch thông tin của Thủ tướng Angela Merkel về những gì đang bị đe dọa.
Bà Merkel tuyên bố kế hoạch bắt đầu mở lại đất nước. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp khi lệnh nới lỏng đất nước được kịch hoạt, với khoảng 900 ca nhiễm mỗi ngày vào tháng Năm.
Vào tháng 6, bang North-Rhine Westphalia đã áp đặt lệnh cấm mới đối với một nhà máy chế biến thịt, sau khi hơn một nghìn công nhân ở đó bị nghi nghiễm Covid-19.Các nhà chức trách đã ghi nhận 955 trường hợp mới vào thứ Sáu tuần trước, con số cao nhất kể từ đầu tháng Năm, theo trung tâm kiểm soát dịch bệnh, Viện Robert Koch.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier gọi con số này là “đáng báo động” trong một bài đăng trên Twitter. “Đặc biệt, những “ổ dịch” mới này không xuất hiện từ các điểm nóng trước đó. Các rủi ro đến từ đợt dịch lần này cần được cảnh báo rõ ràng nhằm kiểm soát chính xác hơn”. Altmaier ng nói thêm.
Sự gia tăng các ca nhiễm mới nhất được cho là do việc thực thi các quy tắc giãn cách và vệ sinh lỏng lẻo, như du khách trở về từ nước ngoài, khiến bộ y tế phải làm xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho nhóm du khách này. Các xét nghiệm sẽ là bắt buộc đối với những người trở về từ các quốc gia có nguy cơ cao.
Việt Nam
Việt Nam với dân số khoảng 97 triệu người đã dỡ bỏ các quy tắc giãn cách xã hội vào tháng 4.Thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn Covid-19 nhờ một chiến lược tích cực sàng lọc sớm hành khách tại các sân bay cùng với chương trình giám sát và kiểm dịch nghiêm ngặt.
Việt Nam đã bắt đầu lên kế hoạch cho việc bùng phát đại dịch trước khi phát hiện trường hợp đầu tiên bị nhiễm Covid-19. Chính phủ đã nhanh chóng chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan hữu quan nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng dịch chủ động, kiểm soát người nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam một cách chặt chẽ từ tháng Hai.
Tuy nhiên, sau gần 100 ngày không có trường hợp nhiễm mới nào ngoài cộng đồng, cuối tháng 7, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng số người nhiễm bệnh trong một ngày lớn nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện tại Việt Nam thời điểm cuối tháng 1.
Sau khi phát hiện 3 ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng, khoảng 80.000 du khách đã được sơ tán khỏi thành phố này. Các chuyến bay nội địa đến đây cũng bị dừng khai thác và áp đặt lệnh giãn cách xã hội trên toàn thành phố.
Các ca nhiễm đã tiếp tục tăng đột biến và tuần trước Việt Nam đã thông báo có ca tử vong đầu tiên trên nền bệnh lý nặng. Việt Nam hiện có 670 trường hợp được xác nhận và 8 trường hợp tử vong.
Tính đến thứ Hai, tổng cộng 103.268 người đã tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân hoặc đến từ các khu vực bị đại dịch đã được cách ly hoặc thông báo tự cách ly tại nhà, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Nhật Bản
Nhật Bản dường như cũng đã phản ứng hiệu quả với các biện pháp chống Covid-19 mà không sử dụng biện pháp nghiêm ngặt.
Vào ngày 25 tháng 5, Thủ tướng Shinzo Abe đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp của đất nước trong một cuộc họp ngắn rằng “chúng tôi có thể chấm dứt ổ dịch trong khoảng một tháng rưỡi theo cách riêng của Nhật Bản.” Ông nói Nhật Bản sẽ triển khai dần các hoạt động kinh tế và xã hội để tạo ra một “cuộc sống mới” với Covid-19.
Nhưng quốc gia này phải đối mặt với sự hồi sinh của virus, chứng kiến con số tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Vào Chủ nhật vừa qua, Nhật Bản đã ghi nhận 1331 ca nhiễm mới – ngày thứ năm liên tiếp Nhật Bản ghi nhận mức tăng hàng ngày của hơn 1.000 ca nhiễm, đẩy tổng số người nhiễm tại quốc gia này lên 39.399 trường hợp với 1.025 trường hợp tử vong.
Nghiên cứu mới từ Nhật Bản cho thấy nhiều cụm Covid-19 bên ngoài bệnh viện xuất hiện bởi những người dưới 40 tuổi, nhiều ca nhiễm không có biểu hiện của bệnh. Chính phủ nhấn mạnh với người dân về tầm quan trọng của các biện pháp phòng vệ như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc để làm chậm sự lây lan Covid-19.
DUY LỘC