Cái giá đắt của vốn vay ưu đãi: Không có bữa trưa nào là miễn phí cho Việt Nam
Cụ thể, trong việc đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn, Việt Nam gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài. Điển hình như dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, Việt Nam phải chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc 13.751 tỷ đồng chiếm tới 77% tổng mức đầu tư.
Tin liên quan
>>> Vốn ODA Nhật Bản: Sẽ theo hướng mới
Việt Nam cũng buộc phải sử dụng hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc từ bên cho vay. Ví dụ như tại dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành – Suối Tiên, hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc từ Nhật Bản chiếm từ 30% trở lên, nhà thầu chính là nhà thầu Nhật Bản.
Hiệp định vay vốn cũng buộc Việt Nam phải sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao ngất ngưởng.
Chẳng hạn như dự án đầu tư tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí gấp 8,5 lần tư vấn trong nước; dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên QL2 gấp 7,8 lần; dự án Vramp gấp 7 lần; dự án cải thiện môi trường nước TP. Hồ Chí Minh, lưu vực Kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ, giai đoạn 2 gấp 10 lần; dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi gấp 11 lần…
Việc buộc phải thanh toán phần nội tệ bằng tiền nước ngoài đã làm tăng chi phí của các dự án. Như tại dự án đầu tư tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, hiệp định vay từ nguồn EDCF quy định thanh toán phần nội tệ bằng đồng Won làm tăng giá trị vay 2,7 tỷ Won, tương đương 53,9 tỷ đồng.
Hay tại dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên QL2, việc thanh toán bằng nội tệ làm chi phí tăng thêm 703,5 triệu Won, tương đương 13,4 tỷ đồng.
Việc phê duyệt văn kiện còn hạn chế phải hủy bỏ hoặc giá trị thực hiện thấp. Ví dụ tại dự án hỗ trợ đối tác công tư, thời gian thực hiện là 2012-2018 nhưng đến nay mới thực hiện được 1%.
Tại dự án Quỹ chuẩn bị và thực hiện dự án (PPSSF) thời gian thực hiện 2013-2019, qua 4 năm mới thực hiện được 3% (tổng mức đầu tư chưa sử dụng 66,5 triệu USD). Tệ hơn, dự án “Hiện đại hóa quản lý thuế” không thực hiện được, phải hủy bỏ…
Một số dự án khác lại phải điều chỉnh bổ sung hiệp định, như: dự án tăng cường thể chế và thực thi thuộc dự án quản lý ô nhiễm các khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai, Sông Nhuệ – Đáy; dự án quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mê Công; dự án hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Công mở rộng – giai đoạn 2.
Theo VNF