Cần nắm bắt cơ hội, nhìn ra điểm sáng trong kinh doanh, đầu tư
Làn sóng FDI lần thứ 4 tạo ra nhiều cơ hội
Theo Giám đốc CafeF Phạm Quang Minh, kinh tế Việt Nam sắp bước qua quý I với nhiều điểm sáng tích cực. Các chỉ số vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới tăng gần 40%, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) duy trì trên mốc 50 điểm…
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế như Bloomberg, Fitch Rating, Standard & Chartered, GDP Việt Nam năm nay được đánh giá mức tăng trưởng từ 6-6,7%, tương đồng với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra từ 6-6,5%.
Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực dự báo, nhìn từ các động lực tăng trưởng, kinh tế Việt Nam năm 2024-2025 sẽ tốt hơn khi lạm phát tăng trong mục tiêu, lãi suất giảm nhẹ và tỷ giá ổn định hơn. Đối với các doanh nghiệp, nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất, tiếp cận vốn được duy trì và khả năng huy động vốn cũng như nguồn lực đầu tư - kinh doanh dễ dàng hơn. Trong khi đó, các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ, thể chế được quan tâm hoàn thiện. Niềm tin đã phục hồi, dù còn chậm.
Một thực tế được chỉ ra là tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây và thấp hơn nhiều so với tăng trưởng kỳ vọng. Nguyên nhân đến từ ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19; Biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; và mô hình tăng trưởng cũ dựa nhiều vào vốn, lao động giá rẻ đã đến điểm tới hạn. Theo TS. Võ Trí Thành, rất thách thức để đạt được mục tiêu 6,5%/năm trong giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt của sự chuyển đổi, nếu Việt Nam nỗ lực về chính sách và cải cách thì những điểm sáng kinh tế sẽ được thúc đẩy.
Bước ngoặt chuyển đổi này được nhìn thấy qua dữ liệu tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực phi sản xuất trong cơ cấu GDP đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tiến hành cải cách thị trường tài chính cũng như thu hút dòng vốn FDI vào các ngành công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, Khu vực Châu Á chứng kiến sự sụt giảm vốn FDI trong 2023 lên tới 12% so với năm 2022 (trong đó FDI vào các quốc gia lớn như Trung Quốc giảm 6%, Ấn Độ giảm 47% và khu vực ASEAN giảm 16%). Tuy nhiên, Việt Nam lại là một ngoại lệ với mức tăng 32% với tổng vốn đăng ký hơn 36 tỷ USD trong đó trên 3.100 dự án FDI mới.
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư. Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.
Cần tìm ngành kinh doanh và đầu tư phù hợp
TS. Võ Trí Thành và TS. Cấn Văn Lực đều nhấn mạnh việc các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư cá nhân trước khi tìm kiếm các cơ hội bứt phá đều phải xác định rõ khẩu vị rủi ro và phương thức quản trị rủi ro của mình.
Đối với các doanh nghiệp, cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ của Chính phủ; kết nối ngành hàng, đối tác, hiệp hội; tìm hiểu sự dịch chuyển của các thị trường, nguồn cung… và bắt nhịp các xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. TS. Võ Trí Thành đã đúc kết lại chuỗi các hành động này với công thức: “Phòng thủ chắc chắn - Tận cơ vượt khó - Bắt kịp xu thế”.
Từ góc độ của một đơn vị tư vấn hàng đầu, bà Đào Thị Thiên Hương - Phó Tổng Giám đốc, EY-Parthenon - Tư vấn chiến lược, CTCP Tư vấn EY Việt Nam đã gợi mở ra cơ hội phát triển từ việc nền kinh tế số Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với trọng tâm là sự phát triển của thương mại điện tử, dẫn đến nhu cầu cao của các hoạt động logistics phục vụ ngành.
Hội thảo còn có còn có 2 phiên Thảo luận với chủ đề thú vị với những thông tin đa chiều, do TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (nguyên Phó Viện trưởng CIEM) chủ trì. Hội thảo sẽ thảo luận về một số vấn đề lớn của vĩ mô như xu hướng dòng vốn của nền kinh tế, nhận diện một số lĩnh vực kinh doanh tiềm năng trong tình hình kinh tế hiện nay, kinh nghiệm thu hút dòng vốn FDI cũng như cách các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ dòng vốn này cũng như đánh giá tín hiệu khởi sắc của thị trường bất động sản và chứng khoán từ đó đánh giá được các cơ hội đầu tư tiềm năng…
Theo các chuyên gia, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết quay trở lại xu hướng tăng trưởng kể từ quý IV/2023. Các ngành chịu ảnh hưởng bởi biến động giá hàng hóa như vật liệu xây dựng, nông sản và xuất khẩu được kỳ vọng tăng trưởng khả quan nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng có thể được cải thiện trong năm 2024 nhờ triển vọng tín dụng tích cực hơn. Các nhóm ngành như sản xuất ứng dụng công nghệ cao, logistic, hạ tầng giao thông/năng lượng, công nghệ, tiêu dùng/bán lẻ được đánh giá có triển vọng tăng trưởng giá trị vốn hóa trong giai đoạn tới./.
- Liệu chứng khoán 2024 có tăng theo đà phục hồi kinh tế?
- Thúc đẩy nội lực để tăng khả năng “hấp thụ vốn” cho nền kinh tế
- Hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh để “thúc cho tiền chạy”