ISSN-2815-5823
Hoài Phong
Thứ hai, 06h35 25/03/2024

Hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh để “thúc cho tiền chạy”

(KDPT) - Tình hình tăng trưởng tín dụng năm 2023 và đầu 2024 không mấy khả quan. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang ở mức thấp.

Sức hấp thụ yếu, vốn vẫn đọng ở ngân hàng

Tình hình tăng trưởng tín dụng năm 2023 và đầu 2024 không mấy khả quan. Mức tăng của năm 2023 chủ yếu tập trung ở những tháng cuối năm, nếu tính bình quân thì cả năm 2023 chỉ đạt 10,5%. Còn những tháng đầu năm 2024 tín dụng ngân hàng giảm 0,72% so với cuối năm 2023, thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nguyên nhân dẫn đến tín dụng tăng chậm là do cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang ở mức thấp. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp quy mô hoặc “đóng cửa” nên không có nhu cầu vay vốn, còn những khách hàng có nhu cầu vay vốn thì không đáp ứng đủ điều kiện. Trong khi đó, người dân giảm vay chi tiêu trong bối cảnh kinh tế dự báo còn nhiều khó khăn…

Tăng trưởng tín dụng 2023 và đầu 2024 vẫn ở mức thấp
Tăng trưởng tín dụng 2023 và đầu 2024 vẫn ở mức thấp

NHNN cũng cho hay, một số chính sách tín dụng vẫn khó khăn trong triển khai như gói 120.000 tỷ đồng. Ngoài ra, do nợ xấu gia tăng, một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng; khó khăn trên thị trường thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết triệt để... khiến nguồn vốn tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, nguyên nhân tín dụng tăng trưởng thấp do yếu tố thời vụ và Tết Nguyên đán. Theo đó, nhu cầu vay vốn thường tăng cao trong quý 4 mỗi năm và trầm lắng hơn trong tháng 1, tháng 2 (tháng Tết). Nhiều khoản vay đã dược giải ngân cuối năm nên doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay thêm vào dịp đầu năm.

Vị chuyên gia cũng đồng tình rằng, nợ xấu có xu hướng tăng nhanh (dù vẫn trong tầm kiểm soát) cũng là một trong những nguyên nhân khiến các tổ chức tín dụng thận trọng hơn việc xét duyệt cho vay. Đặc biệt, bối cảnh hiện nay không ít doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện vay, suy giảm “tín nhiệm”, giá trị tài sản bảo đảm giảm hoặc đã hết.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Ngoài các lý do trên, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, những yếu tố bất định từ kinh tế thế giới như khủng hoảng tại Biển Đỏ, xung đột Nga - Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn phức tạp; lạm phát, lãi suất toàn cầu còn ở mức cao… có tác động tiêu cực đến sức cầu đối với xuất khẩu, đầu tư của Việt Nam.

Ông Lực cũng chỉ ra, sức cầu tiêu dùng còn yếu khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 2/2024 giảm 2,3% so với tháng trước. Người dân cũng có tâm lý “phòng thủ”, ưu tiên nhu cầu thiết yếu hơn xa xỉ khi thu nhập chưa tăng và tình hình kinh tế thế giới lẫn trong nước còn bất định, khó khăn. Theo đó, cho vay tiêu dùng tăng rất thấp.

Một lý do quan trọng nữa theo ông Lực là thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, dẫn đến tín dụng bất động sản tăng thấp; giá trị tài sản bảo đảm bị giảm, khiến khả năng tiếp cận vốn khó khăn hơn.

Dù vậy, ông Lực đánh giá rằng với những khó khăn, khả năng hấp thụ như trên, tăng trưởng tín dụng năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024 cơ bản là phù hợp với tình hình thị trường.

Doanh nghiệp khó khăn, sức cầu giảm... là nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng thấp
Doanh nghiệp khó khăn, sức cầu giảm... là nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng thấp

Từ góc nhìn ngân hàng, tại hội nghị mới đây, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV tiết lộ rằng, mỗi ngày BIDV phải trả lãi cho người gửi tiền 300 tỷ đồng. Bởi vậy, ngân hàng phải tìm mọi cách để cho vay nhằm cân đối chi phí hoạt động.

Theo ông Tú, từ đầu năm, BIDV đã đưa ra 7 gói tín dụng với quy mô 510.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng; giải ngân hơn 470 ngàn tỷ đồng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dư nợ vẫn sụt giảm 1,1% so với cuối năm 2023. Tuy vậy, ông vẫn lạc quan rằng việc tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024 là khả thi.

Tín dụng 2024 sẽ cao hơn 2023

Theo dự báo của Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, năm 2024, tăng trưởng tín dụng dự báo có thể cao hơn năm 2023, đạt khoảng 14-15%.

Đơn vị này cho biết, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (15%) ngay từ đầu năm và có thể điều chỉnh theo tình hình thực tiễn, giúp các tổ chức tín dụng chủ động hơn. Thêm nữa, tình hình kinh tế được dự báo lạc quan hơn, lạm phát được kiểm soát; các động lực tăng trưởng (như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng) cùng với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi, nhu cầu tín dụng sẽ tăng theo.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất liên tục giảm trong nửa cuối năm 2023 và được kỳ vọng sẽ giữ ở mức thấp trong năm 2024 giúp kích cầu tín dụng, giảm chi phí lãi vay; thị trường TPDN cũng được dự báo phục hồi tốt hơn trong năm 2024; thị trường bất động sản dần phục hồi, đặc biệt từ cuối quý 2/2024 sẽ khiến nhu cầu tín dụng tăng mạnh.

Khơi thông thị trường bất động sản, TPDN để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Khơi thông thị trường bất động sản, TPDN để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân, cần sự quyết liệt của cả hệ thống, tác động cả tổng cung và tổng cầu. Đặc biệt cần tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường (chứng khoán, TPDN, bất động sản…) nhằm nâng cao niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

“Cần phối hợp tốt giữa chính sách tài khoá, tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giữ ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, ông Thịnh nói.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV

TS. Cấn Văn Lực cũng cho biết, ông nhận thấy doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn. Do đó, ông đề nghị cần tiếp tục áp dụng các giải pháp hỗ trợ như trong thời điểm đại dịch COVID-19 để doanh nghiệp “hồi sức”, phát triển; cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, kích cầu tiêu dùng đang thấp như hiện nay, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công...

"Cần tháo gỡ kịp thời và chính xác những vướng mắc của doanh nghiệp; sớm giải quyết dứt điểm những vụ việc vi phạm về chứng khoán, bất động sản vừa qua cũng như các khó khăn của thị trường này, đặc biệt là vướng mắc pháp lý”, ông Lực nêu đồng thời nhấn mạnh các doanh nghiệp cần cơ cấu, giảm chi phí; giải quyết đúng và đủ các cam kết trả nợ; đa dạng hóa nguồn vốn, tránh chỉ phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng…

Về phía các tổ chức tín dụng, ông Lực đề nghị cần tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, triển khai hiệu quả các gói tín dụng đã đề ra. Đồng thời, dù không hạ chuẩn nhưng cần linh hoạt hơn trong việc áp dụng các điều kiện tín dụng như chấp nhận tài sản bảo đảm là hàng tồn kho, đơn hàng, hợp đồng thi công...

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024