ISSN-2815-5823
Thứ tư, 07h19 06/02/2019

Cầu nối nghệ thuật xuyên biên giới

(KDPT) – Đi vào hoạt động từ năm 2005, tổ chức nghệ thuật Asia Art Link (AAL) đã trở thành cầu nối giữa nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế qua các hoạt động như: workshop, nghệ sĩ lưu trú, triển lãm, tọa đàm… tăng cường sự hiểu biết cả về nghệ thuật cũng như đời sống, văn hóa các quốc gia. Nghệ sĩ TRỊNH TUÂN, người khởi xướng và thành lập AAL, chia sẻ với PV Báo Đại biểu Nhân dân về “cây cầu” nghệ thuật này.

Hướng đến nghệ sĩ trẻ

– Cùng với nghệ sĩ Ng Bee (Malaysia) thành lập AAL, sau gần 15 năm nhìn lại, anh nhận thấy những bước phát triển của tổ chức này có như kỳ vọng ban đầu?

– Thời điểm năm 2005, nghệ sĩ Việt Nam chưa có nhiều cơ hội ra nước ngoài, do hạn chế về ngôn ngữ, cũng như internet chưa phát triển mạnh mẽ. Asia Art Link ra đời đúng lúc, làm cầu nối cho nghệ sĩ ra nước ngoài để trao đổi, học tập, cập nhật thông tin mới. Khi lập ra nhóm này, chúng tôi không đặt ra mục tiêu cụ thể, nhưng có tham vọng quy tụ nghệ sĩ các quốc gia. Đến nay, số lượng nghệ sĩ tham gia tăng, có cả nghệ sĩ ngoài khu vực châu Á. Tôi hài lòng khi nhìn thấy nghệ sĩ Việt Nam, sau các hoạt động của AAL, đã chủ động có mối liên hệ về nghề và kể cả đời sống với nghệ sĩ đến từ nhiều châu lục. Sau nhiều năm, AAL đã làm được việc là kết nối các nghệ sĩ.

Các nghệ sĩ Asia Art Link sáng tạo tác phẩm

– Là tổ chức phi thương mại, không có thành viên cố định, AAL đã thu hút nghệ sĩ các quốc gia ra sao?

– Mục đích của nhóm là tạo điều kiện để nghệ sĩ các quốc gia hiểu biết lẫn nhau. Nghệ sĩ tham gia AAL ngày càng tăng, nhưng luôn thay đổi qua từng năm. Ngoài nghệ sĩ Việt Nam, AAL còn có mạng lưới ở 11 nước Đông Nam Á và các quốc gia như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Hàn Quốc, Đài Loan… cùng nhiều nghệ sĩ châu Âu, châu Mỹ. Các hoạt động của AAL diễn ra luân phiên tại các quốc gia. Ví dụ năm 2018, workshop diễn ra ở Hà Nội thì năm nay sẽ làm ở Nhật Bản. Khi hoạt động này diễn ra ở quốc gia nào đó thì các nghệ sĩ nước đó cũng ít nhiều biết đến hoạt động của tổ chức. Nếu chỉ 1 – 2 người trong ban điều hành thì không thể nắm bắt đời sống văn nghệ cũng như gương mặt nghệ sĩ của các quốc gia, nên chúng tôi làm việc theo mạng lưới trưởng nhóm. Trưởng nhóm ở mỗi quốc gia sẽ chịu trách nhiệm mời nghệ sĩ và tổ chức chương trình.

– Cụ thể việc kết nối nghệ sĩ qua các hoạt động nghệ thuật đang được tổ chức như thế nào?

– AAL có các workshop, chương trình nghệ sĩ lưu trú, triển lãm trao đổi, tọa đàm… để kết nối nghệ sĩ. Ví dụ, với chủ đề “Phong cách sống Thái”, các nghệ sĩ sẽ sang Thái Lan tìm hiểu, tham quan một số làng nghề hay vùng miền có bản sắc văn hóa rõ nét, qua đó cảm nhận về cuộc sống của người Thái và sáng tác. Hay chương trình “Nghệ thuật dưới mái nhà sàn” ở Bảo tàng Văn hóa Mường (Hòa Bình), nghệ sĩ lấy cảm hứng sáng tạo từ những gì được chứng kiến trong đời sống của đồng bào Mường. Còn chương trình “Kết nối tháng 3” tại Hà Nội không có chủ đề tập trung mà hướng tới kết nối nghệ sĩ nhiều hơn.

Trong hoạt động của mình, AAL chú ý nhiều đến lớp trẻ. Sinh viên năm thứ 3, thứ 4 có tiềm năng, chúng tôi đều mời tham gia. Sau 15 năm, đã có một lứa nghệ sĩ trưởng thành vững chắc về nghề cũng như kinh nghiệm tổ chức sự kiện. Đến nay chúng tôi đã 2 lần đưa sinh viên Việt Nam tham gia workshop ở nước ngoài, cùng sống, trao đổi, tìm hiểu và tương tác làm tác phẩm với sinh viên quốc tế. Nhờ đó, họ đã tự tin hơn.

Kết nối chuyên sâu

– Sau 3 lần tổ chức, chương trình Giao lưu và triển lãm Kết nối tháng ba Hà Nội (Hanoi March Connecting) đã được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tiêu biểu năm 2018. Sắp tới, chương trình có cái tiến gì không?

– “Kết nối tháng ba” do AAL phối hợp với Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp tổ chức. Ở nhà trường, khi giảng viên lên lớp dạy theo giáo trình giáo án, theo quy chuẩn, nên bài học thường khô cứng. Với hoạt động này, giữa thầy và trò được trao đổi với nhau về nghề gần gũi, hơn nữa, còn kết nối với thầy và trò các trường khác như Trường ĐH Kiến trúc, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, ĐH Mỹ Thuật Việt Nam, ĐH Sân khấu Điện ảnh… Giảng viên của các trường ĐH trong khu vực và thế giới cũng đến và trao đổi, nói chuyện với giảng viên, sinh viên Việt Nam về một chuyên đề nhất định.

Chúng tôi thấy rằng, việc kết nối giữa giảng viên, sinh viên và nghệ sĩ, kết nối giữa người xem và người sáng tác, và kết nối giữa các nghệ sĩ là điều quan trọng. Năm 2019, một chương trình theo mô hình đó vẫn diễn ra, nhưng có chọn lọc, tinh giản hơn và đi sâu vào chuyên môn hơn, có mời nghệ sĩ tại một số quốc gia chưa từng đến Việt Nam như Bangladesh, Peru, Chile…

– Qua các hoạt động như vậy, có thể thấy, nghệ sĩ Việt Nam đã từng bước hội nhập sâu rộng với thế giới?

– Trước đây, nghệ sĩ Việt mong muốn ra thế giới tham gia các sự kiện và có các sự kiện để mời nghệ sĩ nước ngoài, nhưng bây giờ thì ngược lại. Hàng năm, hàng tháng chúng tôi nhận được rất nhiều lời đề nghị từ nghệ sĩ quốc tế muốn sang tham dự hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam. Có thể thấy, sự hội nhập ấy đang đảo chiều. Chính vì thế, nếu giai đoạn đầu, AAL mời được nghệ sĩ nào đều tốt, miễn là có sự cọ sát, trao đổi, giao thoa, thì đến bây giờ, chúng tôi đã được chọn lựa nghệ sĩ phù hợp theo tiêu chí đặt ra.

– Xin cảm ơn anh!

Theo Báo Đại biểu nhân dân

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024