ISSN-2815-5823
Thứ hai, 03h27 27/08/2018

Châu Á: Chiến trường của các công ty mì tôm

(KDPT) – Đã 60 năm kể từ khi công ty Nissin của Nhật bán gói mì gà đầu tiên, mì tôm đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có hơn 100 tỷ gói mì được bán ra trên thế giới. Trong đó châu Á chiếm 80% doanh thu của các công ty sản xuất sản phẩm này.

Khoảng 100.1 tỷ gói mì ăn liền đã được bán trên toàn thế giới trong năm 2017, đánh dấu mức tăng 10% so với năm 2008, theo Hiệp hội Mì Ăn liền Thế giới. Trong khi 80% doanh thu đến từ châu Á, các thị trường khác cũng đang phát triển. Bắc Mỹ chiếm 5 tỷ gói, trong khi Trung và Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi, và châu Âu chiếm 3 tỷ gói/ từng khu vực.

Ngành sản xuất và kinh doanh mì tôm thậm chí còn có riêng Hội nghị thượng đỉnh mì tôm thế giới được tổ chức khoảng 2 hoặc 3 năm/lần. Hội nghị năm nay diễn ra tại Osaka vào ngày 22 và 23/8/2018 để bàn về xu thế tiêu thụ mì tôm của toàn cầu. Cũng chính tại Osaka, nhà sáng lập công ty Nissin, ông Momofuku Ando, đã phát minh ra mì tôm.

Một nghiên cứu công bố tại hội nghị đã nhấn mạnh: “Trung Quốc và Ấn Độ còn nhiều tiềm năng tăng trưởng”; còn một nghiên cứu khác cho rằng: “Để cho nhu cầu mì tôm tại Indonesia có thể tăng, quan niệm cho rằng mì tôm thiếu dinh dưỡng cần phải bị loại bỏ”.

Trong khi đó, tại chính đất nước phát minh ra mì tôm, nhu cầu tiêu thụ mì tôm đang giảm đi. Mỗi năm, người Nhật tiêu thụ 5,7 tỷ gói mì tôm, tương đương 6% tổng lượng tiêu thụ của toàn thế giới. 4 công ty sản xuất mì tôm hàng đầu Nhật chỉ kiểm soát được 20% tổng thị phần toàn thế giới.

Tập đoàn Ting Hsin International Group của Đài Loan, tập đoàn hiện đang sở hữu thương hiệu Master Kong phổ biến tại Trung Quốc đại lục, hiện đang là nhà sản xuất mì tôm số 1 thế giới. Tập đoàn nắm 15% thị phần, theo số liệu của Euromonitor International. Nissin Food Holdings đứng thứ 2 với 12% thị phần sau đó đến công ty Indofood Sukses Makmur của Indonesia với 7% thị phần.

Các công ty sản xuất mì tôm của Nhật đang vươn ra nước ngoài với hy vọng vươn lên được vị trí hàng đầu. Nissin đã mở nhà máy tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào năm 2017. Nhà máy hiện đang hoạt động hết công suất. Công ty đồng thời hiện đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hồng Kông.

Đối với sản phẩm mì tôm bán ra thị trường ở khung giá cao, công ty sử dụng phần lớn hương liệu hải sản. Thế nhưng giờ đây, công ty đang sử dụng thêm cả hương liệu thịt lợn để sản xuất mì tôm. Vào tháng 4/2018, công ty tung ra thị trường thêm sản phẩm mì tôm cốc.

Acecook, sau khi chiếm được hơn 50% thị phần tại Việt Nam, hiện đang coi Myanmar như một thị trường mục tiêu để tiến tới. Acecook đã thành công ở Việt Nam nhờ bắt đúng thị hiếu với sản phẩm mì tôm chua cay. Giờ đây, công ty đang cố gắng đưa ra sản phẩm mì tôm có vị cay hơn nhằm phù hợp với thị hiếu của người Myanmar.

Những thị trường mới được nói đến ở trên mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng bởi dân số của nhóm nước này tăng nhanh cũng như tỷ lệ tiêu thụ mì tôm thấp. Lượng tiêu thụ mì tôm tại Myanmar hiện mới chỉ bằng ¼ so với Nhật.

Tại Ấn Độ, người dân ăn mì tôm chỉ khoảng 4 lần/năm, chưa bằng 1/10 so với tần suất ăn mì tôm tại Nhật. Không chỉ mang đến những sản phẩm giá rẻ và tiện lợi, các doanh nghiệp đang cố gắng đưa ra hương vị mới để đáp ứng thị hiếu địa phương nhằm giành được thêm khách hàng.

Số liệu báo cáo mới đây của Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA) cho thấy, nếu 2015 người Việt giảm lượng tiêu thụ thì sang 2016 thị trường này đã có dấu hiệu phục hồi, với 4,920 tỷ gói mì, tăng 2,5% so với năm trước đó. Nếu 2015, sức tiêu thụ mì ăn liền tại Việt Nam sụt giảm mạnh thì sang 2016 đã có dấu hiệu phục hồi.

Hải An



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024