ISSN-2815-5823

Chiến lược để gạo thơm Sóc Trăng khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế

(KDPT) – Gạo thơm ST là thương hiệu gạo nổi tiếng ở Sóc Trăng với các ưu điểm nổi trội như cơm có mùi thơm dứa đặc trưng, mềm, dẻo để lâu không khô. Ngoài việc được người dân cũng như doanh nghiệp trong nước ưa chuộng, thương hiệu gạo ST còn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và được vinh danh là loại gạo ngon nhất thế giới.

Bà con nông dân xã Viên An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), thu hoạch lúa thơm đặc sản.

Đó là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu, chọn lọc, thử nghiệm của kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua cùng nhóm cộng sự và những “lão nông tri điền” địa phương. Hiện nay, những giống lúa thơm ST cho năng suất, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu đã tạo nên một chỉ dẫn địa lý hấp dẫn thông qua sự chấp nhận của người tiêu dùng. Sóc Trăng đã từng bước và thật sự thành công trong việc xây dựng thương hiệu gạo thơm ST cho riêng mình. Tuy nhiên, để tương lai gạo thơm ST ngày càng phát triển ổn định, bền vững, vừa tăng kim ngạch xuất khẩu, vừa tăng lợi nhuận cho người trồng lúa thì tỉnh Sóc Trăng vẫn cần phải có nhiều giải pháp, chiến lược sâu rộng, quy mô hơn với ngành nông nghiệp này.

Nâng cao hiệu quả trồng cây lúa thơm

Năm 1992, khi tái lập, tỉnh Sóc Trăng là tỉnh nghèo nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Sản xuất lúa là thế mạnh nhưng độc canh, mỗi năm chỉ sản xuất một vụ lúa mùa dài ngày, năng suất thấp, tổng sản lượng chỉ đạt khoảng 800 nghìn tấn. Những năm qua, bằng các nguồn lực của Nhà nước và huy động trong nhân dân, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh. Chủ động tưới tiêu, ngăn mặn, giữ ngọt… phục vụ có hiệu quả sản xuất và phòng, chống lụt bão, mở ra khả năng mới để chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh có gần 350 nghìn ha đất gieo trồng lúa; trong đó có hơn 50% diện tích trồng lúa thơm đặc sản với sản lượng gần 1,2 triệu tấn/năm, nâng tổng sản lượng lúa của tỉnh lên hơn 2 triệu tấn/năm.

Đạt được kết quả này, tỉnh không chỉ chú trọng đến năng suất mà đặc biệt quan tâm chất lượng giống lúa và hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị sản xuất. Thời gian qua, những kỹ sư nông nghiệp địa phương tích cực thực hiện các đề tài lai tạo, đột biến, duy trì, thanh lọc các giống lúa thơm; phối hợp với Viện lúa ĐBSCL, trường Đại học Cần Thơ khảo nghiệm trên 2.000 dòng/giống lúa, mỗi năm chọn được 5 – 7 giống lúa có năng suất cao. Chất lượng gạo tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sinh thái của từng vùng và được đưa vào sản xuất. Các dự án xây dựng mạng lưới nhân giống lúa xác nhận được triển khai ở khắp các địa bàn trong tỉnh. Đặc biệt, Sóc Trăng thực hiện thành công Hợp Phần Giống Cây trồng do DANIDA tài trợ. Đến nay, đã đào tạo được trên 80 giảng viên, hàng trăm lớp đào tạo nông dân sản xuất giống. Bình quân mỗi năm sản xuất hơn 300 tấn giống lúa nguyên chủng, cung cấp cho mạng lưới sản xuất giống trong tỉnh và tham gia thị trường giống. Nổi bật là các giống lúa ST1, ST3, ST5, ST8, ST10, ST20, ST24, ST25, ST đỏ, ST tím… được coi là những giống lúa thơm đặc sản chủ lực, đặc sắc nhất, không chỉ của riêng Sóc Trăng mà của cả Việt Nam, với năng suất cao từ 6,5 đến 7 tấn/ha, chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thích nghi đồng đất Sóc Trăng. Năm 2019, tại Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới tại Malina Philippines gạo thơm ST25 Sóc Trăng được vinh danh ngon nhất thế giới. Từ năm 1995, Sóc Trăng đã nổi tiếng ở ĐBSCL về phát triển các loại gạo thơm đặc sản. Hiện nay, gạo thơm đặc sản ở Sóc Trăng nhất là ST25 được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, với giá bán từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, cao hơn nhiều lần so với gạo thường.

Để khai thác lợi thế này, tỉnh Sóc Trăng xây dựng Đề án Phát triển vùng sản xuất lúa thơm đặc sản xuất khẩu ở các huyện Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Kế Sách, Vĩnh Châu, Long Phú, Trần Đề… phấn đấu năm 2020 sản lượng đạt 800 nghìn tấn. Đặc biệt, đến cuối năm 2019, diện tích lúa thơm đặc sản của tỉnh đã đạt 176.967 ha, tăng 1,4 lần so năm 2015, sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 20% so với mục tiêu đề ra. Việc phát triển quy hoạch vùng sản xuất lúa thơm đặc sản xuất khẩu chất lượng cao, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế. Mặt khác, còn giúp nông dân tiết kiệm chi phí vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, hỗ trợ nông dân nâng cao tiêu chí chọn giống, xóa bỏ tập quán chọn giống trôi nổi ngoài thị trường.

Người nông dân Sóc Trăng trong khâu xử lý lúa sau khi gặt.

Giải pháp phát triển bền vững

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, cho biết: Để có được những thành công như hiện nay, chúng tôi thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Do ở Việt Nam chưa có tiêu chí về lúa thơm, chúng tôi mượn tiêu chuẩn BE 2541 của Thái Lan. Đây là tiêu chuẩn quốc tế để các doanh nghiệp làm cơ sở thu mua gạo thơm đặc sản. Chỉ những giống lúa nào đạt tiêu chuẩn này, mới đặt tên lúa thơm Sóc Trăng. Sau khi có được tiêu chí, ngành nông nghiệp địa phương chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ chuyên viên kỹ thuật, kỹ sư nông học để có thể tiếp cận trình độ thế giới về chuyên môn, về quản lý đề tài dự án. Cán bộ khuyến nông cũng được bồi dưỡng kiến thức về lúa thơm, đồng thời tổ chức huấn luyện tại chỗ cho đội ngũ kỹ thuật viên làm trợ lý nghiên cứu. Vừa sưu tập nguồn giống từ các nơi vừa tiến hành lai tạo, đưa ra sản xuất các giống lúa thơm tự lai tạo, phát triển công nghệ hạt giống để giữ phẩm chất hạt giống thuần. Song, nông dân mới là người quyết định cuối cùng nên chúng tôi mời bà con đến tham quan góp ý, làm cộng tác viên trong các thử nghiệm đo lường mùi thơm. Tổ chức huấn luyện lực lượng nông dân nòng cốt và xây dựng quy trình sản xuất riêng cho từng vùng, từng giống lúa; cử các chuyên viên kỹ thuật giỏi xuống những vùng quy hoạch diện tích lớn, tập trung để chuyển giao kỹ thuật, trợ giá gống, phân bón ; hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình canh tác hiện đại, như: quản lý dịch hại ngay trước khi gieo trồng, bằng việc chọn giống thuần, phương pháp sạ, bón phân theo bảng so màu lá và thu hoạch đúng độ chín. Để nâng cao giá trị lúa gạo hơn nữa, đồng thời triển khai quy trình sản xuất theo hướng GAP. Những vùng có ưu thế về chất lượng cũng được xác định là những vùng có đất cát hoặc đất phải được phơi ải ít nhất 2 tháng/năm. Vì vậy, những vùng trũng, vùng sản xuất 3 vụ, chúng tôi khuyến cáo nông dân không nên trồng lúa thơm. Mặt khác, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại như tham gia hội chợ triển lãm; quảng bá thương hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, đóng bọc gạo mẫu gởi các nhà máy, thương lái các nơi; mời các doanh nghiệp đến địa phương ký hợp đồng tiêu thụ. Đến thời điểm này, tỉnh đã thành lập được 81 hợp tác xã, 1.148 tổ hợp tác trong vùng thực hiện đề án phát triển sản xuất lúa thơm đặc sản. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giá lúa giống, 15% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo định mức kỹ thuật. Ngoài ra còn được tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn ghi chép sổ theo dõi sản xuất; hỗ trợ ký hợp đồng cung cấp lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với các doanh nghiệp. Đặc biệt, Sở còn trao quyền sử dụng nhãn hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng” cho 4 doanh nghiệp: Công ty Gentraco ở Cần Thơ, Công ty TNHH Thành Tín, Công ty Chế biến gạo chất lượng cao Sóc Trăng và cơ sở sản xuất lúa giống và gạo thơm Mỹ Xuyên. Các doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua lúa hàng hóa với giá cả hợp lý, mở ra hướng đi bền vững cho người trồng lúa, vừa tạo ra vùng nguyên liệu lúa gạo tập trung, có chất lượng cao để cung cấp cho thị trường, vừa giúp nông dân tiêu thụ lúa được thuận lợi. Giúp nông dân sản xuất lúa gạo đến gần hơn với nhu cầu thực tế của thị trường, hạn chế khâu trung gian, gây thất thoát cho người sản xuất. Nhờ vậy, diện tích sản xuất lúa thơm đặc sản liên tục tăng.

Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết thêm: Mới đây, tỉnh đã chấp thuận cho nhóm tác giả nghiên cứu giống lúa thơm do Kỹ sư Hồ Quang Cua làm trưởng nhóm đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến lúa gạo ST25 “ Gạo ngon nhất thế giới” tại thị xã Ngã Năm. Theo đó, dự án đầu tư với diện tích 5 ha, gồm: Nhà máy xay xát lúa gạo liên hợp, khu phục dựng quá trình lai tạo giống lúa đạt giải gạo ngon nhất thế giới, khu trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh để phục vụ khác du lịch…

Gạo ST25 được vinh danh gạo ngon nhất thế giới.

Tuy nhiên, không phải nông dân nào trồng lúa thơm cũng trúng mùa, được giá. Bà con nông dân ở những vùng trũng, nước ngọt (huyện Châu Thành, Kế Sách, Mỹ Tú, Long Phú) cần thận trọng, không vì lợi nhuận mà mở rộng diện tích không theo quy hoạch, không nắm vững quy trình sản xuất, hậu quả sẽ bị thua lỗ nặng. Để thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng phát triển bền vững, tỉnh đã và đang đầu tư ngân sách thỏa đáng cho công tác lai tạo, chọn lọc và dự trữ giống lúa thơm đặc sản. Tỉnh cũng quy hoạch vùng sản xuất ổn định để đầu tư cho người nông dân về kỹ thuật canh tác, quy trình quản lý, sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản để bà con yên tâm sản xuất. Tạo ra bộ phận nông dân chuyên nghề trồng lúa thơm, bảo đảm không chỉ cho năng suất, mà còn có giá trị cao để xuất khẩu và tiêu thụ trên thị trường. Đồng thời hình thành các doanh nghiệp đi sâu, mở rộng quy mô kinh doanh lúa gạo thơm, tạo điều kiện cho sản phẩm lưu thông trên thị trường trong và ngoài nước một cách thuận lợi. Đây chính là hướng đi đột phá để khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới./.

Bài và ảnh: ĐỖ NAM



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine