ISSN-2815-5823

Chính phủ cần báo cáo đậm nét hơn về công tác phòng, chống tham nhũng

(KDPT) – Đây là đề nghị tại báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Sáng 14/5 tại phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá bổ sung tình hình kinh tế – xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Theo đánh giá của Chính phủ thì công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quán triệt, thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ trong dư luận, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân.

Nhấn mạnh những vấn đề cần có đánh giá cụ thể hơn, Uỷ ban Kinh tế, cơ quan chủ trì báo cáo thẩm tra nêu rõ, quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự.

Cơ quan thẩm tra cho rằng cần báo cáo đậm nét hơn về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng, lãng phí, bài học rút ra và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, trong quản lý tài nguyên, nguồn lực của đất nước.

Đề nghị tính toán tỷ lệ thất thoát, lãng phí tài sản công so với GDP để cảnh báo đầy đủ về thực trạng này, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.

Liên quan đến phòng chống tham nhũng, trả lời kiến nghị của cử tri, Thanh tra Chính phủ thừa nhận, trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Năm 2017 kết quả thu hồi cũng không đạt chỉ tiêu 60% nêu trong nghị quyết 111/2015/QH13 của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh, có ý kiến cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa nêu một cách toàn diện nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, nhất là trách nhiệm người đứng đầu và cơ quan chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường giám sát hoặc tổ chức kịp thời các phiên giải trình đối với những vấn đề “nóng” gây bức xúc đối với cử tri. Thực hiện tốt, bảo đảm thực chất việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ.

PV



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/09/2024