ISSN-2815-5823
MINH XUÂN
Thứ sáu, 14h00 12/01/2024

Chính sách giảm thuế, phí… sẽ có tác động tích cực trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong năm 2024

(KDPT) - Đó là thông điệp được nhấn mạnh tại Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ - CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 12 và 12 tháng năm 2023 của Bộ Công Thương mới đây.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 3,02%

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 3,02% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62% đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,79%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,18%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 3,17%, làm giảm 0,10 điểm phần trăm.

thuế
Chính sách giảm thuế, phí… sẽ có tác động tích cực trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong năm 2024.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 13,2%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 9,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,3%; sản xuất kim loại tăng 7,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7,2%; dệt tăng 7%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 6,1%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm là sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 10,7%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 5,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 2,4%; khai thác than cứng và than non giảm 1,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 1,5%; sản xuất trang phục giảm 0,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 0,6%.

Đáng kể, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 so với năm trước tăng ở 50 địa phương và giảm ở 13 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao so với năm trước là Quảng Ninh tăng 30,3%; Bắc Giang tăng 20,8%; Phú Thọ tăng 18,5%; Nam Định tăng 14,8%; Kiên Giang tăng 14,2%; Hà Nam tăng 13,9%; Hải Phòng tăng 13,4%; địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao là Khánh Hòa tăng 138,5%; Trà Vinh tăng 40,8%; Ninh Thuận tăng 15,1%; Quảng Ninh tăng 12,9%; Phú Thọ tăng 9,3%.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm là: Hòa Bình tăng 0,3%; Quảng Nam giảm 26,8%; Bắc Ninh giảm 11,3%; Vĩnh Long giảm 9,4%; Sóc Trăng giảm 6,1%; Lào Cai giảm 4%; Đà Nẵng giảm 3,7%; địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện giảm là Sơn La giảm 26,1%; Hà Giang giảm 21,6%; Lai Châu giảm 20,8%; Quảng Nam giảm 18,7%; Hòa Bình giảm 14,7%; Lào Cai giảm 11,1%; địa phương có ngành khai khoáng giảm: Vĩnh Long giảm 85,8%; Hà Giang giảm 52,8%; Quảng Nam giảm 7,6%.

Nhiều triển vọng sáng sủa

Năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Một số xu hướng chính có tác động lớn đến phát triển công nghiệp và thương mại của Việt Nam như kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự báo tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong hai năm qua.

Trong đó, các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc… mặc dù vẫn tiếp tục đối diện với những khó khăn, thách thức nhưng OECD đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 và 2024. Bức tranh tăng trưởng năm 2024 không quá lạc quan nêu trên sẽ tác động trực tiếp đến triển vọng của các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam bởi đây là những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Bộ Công Thương nhận định, nhìn chung, áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 đến từ cả 3 kênh. Một là, kênh thương mại quốc tế khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu. Hai là, kênh đầu tư quốc tế khi mặt bằng lãi suất thế giới nhìn chung còn neo ở mức cao, khó thu hút vốn cho đầu tư nói chung và trực tiếp tạo áp lực không nhỏ trong việc giữ vốn đã đầu tư ở lại Việt Nam cũng như thu hút thêm vốn đầu tư mới. Ba là, kênh tài chính tiền tệ với áp lực mất giá đồng nội tệ so với đồng Đôla Mỹ, tuy thuận lợi phần nào cho xuất khẩu nhưng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao và làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài.

Ở trong nước, năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ nặng nề là phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 và biến động địa chính trị toàn cầu.

Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá toàn diện bối cảnh tình hình, Đảng và Chính phủ đã đề ra các định hướng và giải pháp cơ bản nhằm thực hiện mục tiêu của năm 2024 là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiên trì mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư theo hướng chú trọng đổi mới, sáng tạo, đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia cũng tạo thêm cơ hội nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu giá trị cao của Việt Nam (trong tháng 12, Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, với triển vọng “Ổn định”.

Tuy nhiên, Theo Bộ Công Thương nước ta là nền kinh tế có độ mở cao nên không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của những biến động từ bên ngoài trong bối cảnh rủi ro, thách thức còn rất lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2024 như đã phân tích ở trên. Những thách thức đó đòi hỏi toàn ngành không được lơ là, chủ quan, mà phải theo dõi chặt chẽ tình hình biến động sản xuất, cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu, triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong năm 2024 cũng như giai đoạn 2021-2025./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/05/2024