ISSN-2815-5823
Hồng Thanh
Thứ tư, 14h11 08/05/2024

Bố vẫn đi tìm

(KDPT) - Dịp tháng 5, hình ảnh cây phượng vỹ trên Đồi A1 nhuộm đỏ 1 góc trời như ngọn đuốc gợi về chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong hàng người dài bất tận đến với Điện Biên Phủ những ngày này, nhiều thân nhân liệt sỹ vẫn ngậm ngùi, đau đáu đi tìm phần mộ của cha ông mình đang ở đâu đó trong số hàng ngàn ngôi mộ chưa biết tên tại Điện Biên.
Những người lính Điện Biên năm xưa thắp hương cho đồng đội đã nằm xuống.
Những người lính Điện Biên năm xưa thắp hương cho đồng đội đã nằm xuống.

Trên tổng số 645 ngôi mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Đồi A1, chỉ 53 phần mộ có danh tính. Nghĩa trang Đồi A1 là một trong 3 nghĩa trang cấp quốc gia quy tập hài cốt liệt sĩ trận Điện Biên Phủ. Hai nghĩa trang còn lại gồm nghĩa trang Độc Lập với 2.432 ngôi mộ (229 phần mộ rõ tên) và nghĩa trang Him Lam với 896 phần mộ (tất cả đều chưa rõ tên).

Đứng trước tấm bia ghi dòng chữ "Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin", điều duy nhất chúng ta có thể áng chừng là người lính nằm dưới mộ đã ngã xuống vào một ngày nào đó trong “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt” của những ngày giữa tháng 3 và tháng 5 năm 1954. 

"Khi vào trận thì ai cũng có tên tuổi cả, nhưng bây giờ đi đến các nghĩa trang thì cảm thấy bùi ngùi quá, bia mộ hầu như là vô danh", cụ Bùi Kim Điều, cựu chiến binh trung đoàn 165 từng tham gia trận đồi Độc Lập, ngậm ngùi chia sẻ.

Đó cũng chính là cảm xúc nghẹn ngào của T.S, Luật sư, doanh nhân Phạm Hồng Điệp khi tới Điện Biên, được nghe về những người đang ngày đêm khắc khoải tìm kiếm phần mộ cha ông mình,  để những tình cảm thiêng liêng đó được chắt lọc trong bài thơ “Bố vẫn đi tìm”.

Ông ở đâu giữa bạt ngàn bia trắng

Nấm mồ nào chôn giữ tuổi xuân xanh?

Ông ở đâu những nấm mộ không tên?

Đau đáu lòng người con một đời đi tìm cha trong mộ.

Trong nghĩa trang Điện Biên, những dòng ghi bia đá

Mộ liệt sĩ danh tính chẳng thể tìm…

Ngay hàng thẳng lối lặng im

Như đội ngũ từng chỉnh tề ngay ngắn.

Áo trấn thủ ông mang

Màu xanh quân ngũ

Ngôi sao trên mũ lưới

Một thời anh dũng, bi thương.

Bài thơ của Phạm Hồng Điệp viết về một chiến sĩ Điện Biên đã nằm xuống mảnh đất này nhưng đã 70 năm trôi qua, gia đình vẫn chưa thể xác định được nơi ông nằm xuống. Chỉ biết rằng, ông đã chiến đấu, hi sinh để góp phần vào một Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Ông, cũng như hàng ngàn chiến sĩ khác đã ngã xuống trên mảnh đất Điện Biên giữa mùa này hoa nở 70 năm về trước.

Khát khao một lần được gọi tiếng ông, tiếng cha đã được truyền từ thân phụ tới những lớp thế hệ sau. Thế nhưng, như tiếng gọi vọng vào quá khứ không thấy hồi đáp, những giọt nước mắt cứ lặn vào trong, trào tuôn trên gương mặt của những người đàn ông can trường.

Bảng vàng ghi tên liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1.
Bảng vàng ghi tên liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1.

Ông có nghe giọt nước mắt lặng thầm

Bao năm qua từng giọt rơi thấm đất?

Bố đi tìm ông, tìm hoài một đời không thể dứt.

Tìm giữa đồng đội ông, nơi những nghĩa trang

A1, Độc Lập, Him Lam

Ông ở hàng nào?

Ông có nghe trong gió,

Tiếng bố gọi ông, gọi cả một đời vô vọng?

Theo sách “Huyền thoại Điện Biên” do Nhà xuất bản Lao động – Xã hội phát hành năm 2014, "thung lũng Điên Biên Phủ có lẽ là một trong những nơi tập trung nhiều những linh hồn bất tử nhất trên đất nước từ xa xưa đến nay. Trong nghĩa trang, dưới chân đồi A1 chỉ có 4 anh hùng liệt sĩ có tên trên bia mộ: Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Trần Can, Phan Đình Giót, còn lại hơn 600 bia mộ đều vô danh. Các liệt sĩ yên nghỉ tại Nghĩa trang Him Lam, Nghĩa trang Độc Lập và còn hàng nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy. Sau giải phóng Điện Biên, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã chọn những thung lũng đẹp nhất làm nơi chôn cất các liệt sĩ, có biển ghi tên từng người với tất cả niềm trân trọng và thương mến.

Không ai lường được rằng, những cơn lũ mạnh kéo qua thung lũng chỉ vài tháng sau quay lại các nghĩa trang trông đã tan hoang vì lũ cuốn, tất cả bia mộ đã không còn nên các mộ chiến sĩ Điện Biên bây giờ thành vô danh. Đã có biết bao anh hùng liệt sĩ đã đổ xương máu trong chiến trường Điện Biên và mãi mãi để lại niềm thương nhớ cho những người đang sống...".

Niềm thương nhớ ấy cứ khắc khoải, chờn vờn trong tâm trí của những người như doanh nhân Phạm Hồng Điệp. Ở Điện Biên, cơ quan chức năng cho dựng lên tại nghĩa trang Đồi A1 một bảng vàng ghi tên tất cả liệt sĩ đã ngã xuống trong trận Điện Biên Phủ. Dù không tìm được phần mộ cha ông mình, thân nhân liệt sĩ vẫn được an ủi phần nào khi tìm được dòng tên trên bảng vàng. Bởi thế, những thân nhân liệt sỹ đã biết bao lần miết tay lên dòng tên khắc trên bảng vàng, để hồi tưởng, kết nối hay mơ hồ trong niềm tin tâm linh về một lần được gọi tên cha, ông mình.

Tìm cả Điện Biên chỉ có một hàng tên

Mà đọc tới ngàn lần vẫn nghẹn ngào trong nước mắt.

Biết bao lần bố đặt tay miết lên dòng tên khắc,

Khao khát của người con được 1 lần chạm tới cha mình.

70 năm xa cách đến nghìn trùng

Bố cứ rút ngắn khoảng không bằng nén nhang cố thắp

Rong ruổi khắp các nghĩa trang,

Mong tâm linh gợi nhắc

Để bố tìm được ông dù trong khoảnh khắc

Một lần được gọi, một lần được thoả mãn: - “Bố ơi!”

Ông ở đâu? Ở đâu giữa bạt ngàn xanh của núi đồi Điện Biên. Ông ở đâu giữa lung linh sắc màu hoa ban đang mùa nở rộ? Ông ở đâu giữa trời xanh bát ngát? Những câu hỏi cứ vọng lại không hồi đáp trong tâm khảm người sống hôm nay như thế hệ doanh nhân Phạm Hồng Điệp.

Ông ở đâu âm vang xa cách?

Cả Điện Biên đã bừng dậy sắc hoa

Phượng đỏ trời như máu ông và đồng đội

Từng đỏ chiến hào, đẫm trận địa năm xưa

Theo thống kê, tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mất đi hơn 4.000 người con ưu tú, mất tích 792 người, bị thương 9.118 người. Họ tới từ nhiều địa phương, dân tộc khác nhau nhưng điểm chung là đều còn rất trẻ. Nhiều người đã mãi mãi nằm xuống ở độ tuổi đôi mươi. Sự hy sinh của họ, như một ngọn đuốc được đốt cháy bằng thanh xuân, bằng lời thề quyết tử và tình yêu Tổ quốc để soi sáng tới tận hôm nay.

Dù có thể phải rất lâu nữa mới “tìm” được ông, cha ở đâu trong lòng đất Điện Biên Phủ, nhưng chắc chắn rằng niềm tự hào về cha ông mình đã góp công để làm nên một “vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” luôn có trong tim những người hôm nay. Bởi thế, doanh nhân, nhà thơ Phạm Hồng Điệp đã khẳng định:

Ông ở trong tim mãi ngàn đời tưởng nhớ

Tổ quốc ghi công mãi mãi với non sông.

Giữa điệp trùng mấy nghìn bia mộ

Bố vẫn mải miết tìm…

Dưới đây là bài thơ "Bố vẫn đi tìm" của doanh nhân Phạm Hồng Điệp:

Bố vẫn đi tìm

Ông ở đâu giữa bạt ngàn bia trắng
Nấm mồ nào chôn giữ tuổi xuân xanh?
Ông ở đâu những nấm mộ không tên?
Đau đáu lòng người con một đời đi tìm cha trong mộ.

Trong nghĩa trang Điện Biên, những dòng ghi bia đá
Mộ liệt sĩ danh tính chẳng thể tìm…
Ngay hàng thẳng lối lặng im
Như đội ngũ từng chỉnh tề ngay ngắn.
Áo trấn thủ ông mang
Màu xanh quân ngũ
Ngôi sao trên mũ lưới
Một thời anh dũng, bi thương.

Ông có nghe giọt nước mắt lặng thầm
Bao năm qua từng giọt rơi thấm đất?
Bố đi tìm ông, tìm hoài một đời không thể dứt.
Tìm giữa đồng đội ông, nơi những nghĩa trang
A1, Độc Lập, Him Lam
Ông ở hàng nào?
Ông có nghe trong gió,
Tiếng bố gọi ông, gọi cả một đời vô vọng?

Tìm cả Điện Biên chỉ có một hàng tên
Mà đọc tới ngàn lần vẫn nghẹn ngào trong nước mắt.
Biết bao lần bố đặt tay miết lên dòng tên khắc,
Khao khát của người con được 1 lần chạm tới cha mình.

70 năm xa cách đến nghìn trùng
Bố cứ rút ngắn khoảng không bằng nén nhang cố thắp
Rong ruổi khắp các nghĩa trang,
Mong tâm linh gợi nhắc
Để bố tìm được ông dù trong khoảnh khắc
Một lần được gọi, một lần được thoả mãn: - “Bố ơi!”

Ông ở đâu âm vang xa cách?
Cả Điện Biên đã bừng dậy sắc hoa
Phượng đỏ trời như máu ông và đồng đội
Từng đỏ chiến hào, đẫm trận địa năm xưa.

Ông ở trong tim mãi ngàn đời tưởng nhớ
Tổ quốc ghi công mãi mãi với non sông.
Giữa điệp trùng mấy nghìn bia mộ
Bố vẫn mải miết tìm…
Ông biết phải không ông?

PHD.7.5.2024

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024