ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 02h27 01/12/2018

Chưa cắt điện, nhưng có thể tăng giá

(KDPT) – Nguy cơ cắt điện từ năm 2019 đã được Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trấn an bằng việc đưa ra những giải pháp cấp bách.

Thế nhưng, khả năng tăng giá điện sẽ được cơ quan này tính toán do chi phí tăng cùng khoản chênh lệch tỉ giá chưa phân bổ vào giá điện, còn “treo” lên tới 5.000 tỉ đồng.

Giá điện đang được xem xét điều chỉnh trong thời gian tới – Ảnh: THANH HƯƠNG

Xem xét điều chỉnh giá

Chiều 30-11, Bộ Công thương đã tổ chức họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN.

Theo công bố từ Cục Điều tiết điện lực, năm 2017, giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.667 đồng/kWh (tăng 0,15% so với năm 2016). Giá bán điện thương phẩm bình quân khoảng 1.660 đồng/kWh.

Theo đó, những yếu tố làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 như giá than tăng bình quân 5,7% và giá dầu DO, FO tăng 21,95% và 32,84%; thuế suất tài nguyên nước; giá khí tăng; tỉ giá thay đổi… Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 EVN lãi 2.792,08 tỉ đồng (lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan điện).

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, ngay sau khi công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện, bộ sẽ có chỉ đạo EVN xây dựng phương án điều chỉnh giá điện năm 2019, sau đó thẩm định và báo cáo ban chỉ đạo điều hành giá.

Theo quy định, sau khi tính toán nếu chi phí tăng từ 3% trở lên mới được điều chỉnh, nên trong các phương án điều chỉnh giá điện sẽ tính toán và tiến hành kiểm tra, đánh giá về ảnh hưởng tăng giá điện tới đời sống và sản xuất của người dân, doanh nghiệp cũng như tác động đến tăng trưởng GDP và chỉ số giá tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện vẫn tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ hộ nghèo là trợ giá cho 30 kWh điện.

Giải quyết việc cấp than cho điện

Ông Đinh Quang Tri – quyền tổng giám đốc EVN – cũng xác nhận hiện nay EVN đang tính toán và xây dựng 4-5 phương án giá điện để báo cáo Bộ Công thương. Theo đó, ông cho biết năm 2017 có lãi lớn nhờ phát thủy điện hơn 10 tỉ kWh, giá thành không tăng và bù đắp được các chi phí khác.

Tuy nhiên, năm 2019 tình hình khó khăn hơn do thiếu nước nghiêm trọng ở miền Trung, nên thủy điện sẽ hụt 3,8 tỉ kWh. Điện khí cũng khó khăn vì mỗi ngày hệ thống cần 22 triệu m3, trong khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ huy động được 15-16 triệu m3.

Nếu thiếu điện phải huy động nhiệt điện than và chạy dầu với giá thành rất cao (mỗi kWh điện chạy dầu giá hơn 5.000 đồng), so với giá bán 1.720 đồng/kWh. Khác với văn bản cảnh báo khả năng cắt điện ngay đầu năm 2019, đến nay ông Tri khẳng định: “Nếu cân đối công suất năm 2019-2020 đảm bảo đủ, vấn đề chạy với giá thế nào”.

Ông Tri cho biết sau cuộc họp vào giữa tuần qua do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, EVN và Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đã “ngồi lại với nhau và thống nhất khối lượng cấp than”.

Theo đó, nhu cầu EVN cần mua cho năm 2019 là 54 triệu tấn than, nhưng TKV và Tổng công ty Đông Bắc cấp hụt 8 triệu tấn, sẽ được nhập khẩu trực tiếp để bù. Trong đó, các đơn vị thuộc EVN sẽ nhập trực tiếp 4 triệu tấn và TKV nhập số còn lại, sau đó bán cho EVN.

“Với mức chào giá của TKV và Tổng công ty Đông Bắc mới đưa ra là tăng 5%, tuần tới hai bên sẽ hiệp thương và báo cáo các bộ. Tuy nhiên, tăng giá than thì giá thành sản xuất điện sẽ tăng tương ứng” – ông Tri nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng khẳng định việc cấp điện năm 2019 về cơ bản được đảm bảo. Ông Tuấn khẳng định Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN và TKV phải sớm ký kết các hợp đồng dài hạn đảm bảo cung ứng than lâu dài.

“Năm 2019 vẫn có thể đảm bảo, song một số thời điểm phải huy động một số nhà máy chạy bằng dầu. Tổng nhiệt điện than trong mọi kịch bản đều tăng 116 triệu kWh, là áp lực cho tăng giá điện” – ông Tuấn nói.

Theo Tuổi trẻ

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024