Chứng khoán nhiều biến động trong tháng 4
Dự báo thị trường chứng khoán tháng 4/2024 của FIDT Research nhận định, trong thời gian ngắn, thị trường cho thấy nhiều sự hoài nghi về đà tăng trưởng do chỉ số tăng lên một nhịp khá dài và cần một nhịp điều chỉnh ngắn hạn để dòng tiền chuyển sang nhóm ngành khác sau khi động lực kéo thị trường từ nhóm ngân hàng dần hạ nhiệt.
Các yếu tố về hút T-bills, tỷ giá cũng làm ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý nhà đầu tư cũng như kết quả GDP quý I đang được kỳ vọng tích cực. Song, các chuyên gia của FIDT Research đánh giá GDP mới chỉ hồi phục ở mức tương đối, không được mạnh như kỳ vọng của nhà đầu tư.
“Dòng tiền đầu tư mang nhiều triển vọng trung hạn sẽ tiếp tục đổ bộ thị trường, dòng tiền sợ rủi ro có kế hoạch lánh nạn. Do đó chúng tôi cho rằng, thị trường trong tháng 4 này sẽ có nhiều biến động và khó đoán định” - Nhóm phân tích FIDT Research cho hay.
Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ dài hạn, bức tranh tổng thể vẫn hàm chứa nhiều cầu chuyện với triển vọng tích cực. Theo đó, nền kinh tế đang có sự phục hồi ngày càng rõ nét khi chỉ số PMI đang tăng trở lại, xuất khẩu hay bán lẻ ghi nhận đơn hàng đã kín tới hết quý II/2024, trong khi giải ngân đầu tư công, đầu tư tư nhân cũng được đốc thúc quyết liệt.
Ngoài ra, các chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng vào năm 2023 bắt đầu thẩm thấu vào nền kinh tế và kích thích sự tăng trưởng trở lại của doanh nghiệp. Đồng thời, câu chuyện nâng hạng thị trường và niềm tin của các nhà đầu tư được củng cố sẽ là động lực trong trung và dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường chứng khoán tháng 4 có thể đi theo 3 kịch bản
FIDT Research đưa ra 3 kịch bản cho thị trường chứng khoán trong tháng 4 và phương án hành động giúp hạn chế tối đa rủi ro mà vẫn đảm bảo đạt hiệu suất mong muốn.
- Kịch bản 1 (xác suất 60%): Thị trường chứng khoán đi ngang (sideways), chỉ số VN-Index quanh vùng 1.250-1.300 điểm. Vận động có thể đi lên nhưng không mạnh như hồi đầu năm, lý do là ảnh hưởng từ các yếu tố có trạng thái tốt xấu đan xen.
Xu thế này dẫn đến sự phân hóa lớn giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm catalyst, động lực rõ ràng là tăng trưởng và bứt phá. Ngược lại là sự điều chỉnh của nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trước đó, giá cổ phiếu đã phản ánh được triển vọng sau đợt gia tăng vừa qua.
Theo khuyến nghị của FIDT Research, nhà đầu tư nên quan tâm các nhóm ngành được dòng tiền lựa chọn và catalyst đầu tư bền vững trong giai đoạn này như: Nhóm dầu khí thượng nguồn với kỳ vọng về FIT cho dự án Lô B vào tháng 6/2024; Nhóm bất động sản với dòng tiền đang phục hồi và tín hiệu thị trường tốt; Nhóm chứng khoán với câu chuyện đưa vào vận hành KRX trong tháng 5 và nâng hạng thị trường; Nhóm xuất khẩu với sự phục hồi của đơn hàng.
Tuy nhiên vẫn có nhiều rủi ro tiềm ẩn, do đó nhà đầu tư nên để tỷ trọng thấp cho nhóm cổ phiếu có biến động lớn như chứng khoán, các cổ phiếu đã tăng giá quá mạnh và phản ánh đủ triển vọng, cổ phiếu có câu chuyện phục hồi chưa rõ ràng của doanh nghiệp.
- Kịch bản 2 (xác suất 20%): Chỉ số VN-Index dao động trong vùng 1.220-1.250 điểm. Số liệu kinh tế trong quý I phản ánh không quá tích cực như kỳ vọng, khi chi tiêu tiêu dùng và đầu tư tư nhân còn yếu, dẫn tới triển vọng kết quả kinh doanh quý I mang nhiều hoài nghi cho doanh nghiệp.
Nếu EPS không phục hồi và các yếu tố về tỷ giá vẫn căng thẳng, thì dòng tiền ngoại vẫn bị rút ra đáng kể, dẫn tới sự điều chỉnh chung của thị trường. FIDT Research khuyến nghị, các nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng thấp 30-50% khi VN-index về mức 1.250 điểm, khi thị trường ổn định trở lại thì tiếp tục gia tăng tỷ trọng.
- Kịch bản 3 (xác suất 20%): VN-Index tăng lên mức 1.300-1.350 điểm. Nếu dòng tiền tích cực, FIDT khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng lớn hơn 20-30% cho nhóm cổ phiếu có beta cao. Đồng thời ưu tiên cắt giảm cổ phiếu nhóm này nếu thị trường manh nha có rủi ro.
Nhóm cổ phiếu tiềm năng trong tháng 4
Nhóm phân tích FIDT Research chỉ ra 2 nhóm ngành là điểm sáng trong tháng 4 nói riêng và quý II nói chung, đó là bất động sản và dầu khí.
Với nhóm bất động sản, từ quý I đã ghi nhận nhiều thông tin hỗ trợ như Luật đất đai sửa đổi được thông qua, lãi suất tiếp tục thấp. Theo đội ngũ phân tích, chính sách đang dần lan tỏa và giúp thị trường ấm trở lại kể từ cuối năm 2023.
Năm 2024, nhìn chung sẽ đánh dấu cho sự phục hồi của thị trường địa ốc, nhưng mức độ phân hóa của các doanh nghiệp trong ngành sẽ khá rõ rệt. Theo đó, các doanh nghiệp có tài chính tốt, dự án đã sẵn sàng đưa vào khai thác sẽ hưởng lợi rõ nhất trong năm nay.
Theo đánh giá của FIDT Research, nhóm ngành dầu khí vẫn chưa có sự bứt phá trong quý I. Các thông tin tốt hỗ trợ ngành này như dự án về FID Lô B, đơn hàng cho doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn… đã xuất hiện từ quý I nhưng cần có thời gian để hấp thụ và triển khai. Đây chính là động lực tăng trưởng tốt nhất của ngành dầu khí trong quý II/2024.
Nhiều cơ hội đang ở trước mắt các nhà đầu tư, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành cũng như các doanh nghiệp. Vì vậy, FIDT khuyến nghị các nhà đầu tư lưu ý và theo dõi, tích lũy những mã cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tăng trưởng, đang phục hồi, có câu chuyện riêng, giá cổ phiếu chưa phản ánh hết triển vọng./.
- Các cổ phiếu hưởng lợi lớn từ “siêu dự án” Lô B - Ô Môn, “đại gia” dầu khí ghi nhận thị giá vượt đỉnh lịch sử
- Nhiều động lực giúp cổ phiếu dầu khí bước vào xu hướng tích cực
- HDBank chia cổ tức 25% bằng tiền và cổ phiếu, tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ cao, tiên phong triển khai chiến lược phát triển bền vững