Thế hệ đầu tư "ăn chắc mặc bền", lãi chạm đáy vẫn gửi tiết kiệm ngân hàng
Đầu tư “ăn chắc mặc bền”
Mới đây, Trúc Quỳnh (21 tuổi, TP.HCM) vừa đi nhận khoản tiền lãi sau 6 tháng gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Sau khi xem xét cẩn thận mức lãi suất hiện tại, cô quyết định gửi tiết kiệm thêm 1 năm với hy vọng số tiền mà cô khó khăn mới kiếm được sẽ tiếp tục phát sinh thêm lợi nhuận.
Với số tiền lãi gần 15 triệu đồng sau 6 tháng gửi tiết kiệm ngân hàng, Trúc Quỳnh dự định sẽ đi mua một chiếc điện thoại mới để phục vụ cho công việc bán hàng online của mình. Dù là người kinh doanh, buôn bán nhưng cô không thích đầu tư mạo hiểm. Nguyên tắc đầu tư của cô là dù sinh lời ít nhưng phải đảm bảo an toàn cho dòng tiền.
Hàng tháng, Trúc Quỳnh thường trích ra 30% thu nhập hàng tháng để gửi tiền tiết kiệm. Nguyên tắc gửi tiền của cô là lựa chọn những ngày đầu năm, cuối năm hoặc thời điểm mà các ngân hàng có các chương trình ưu đãi để tăng giá trị của các khoản tiền tiết kiệm. Ngoài ra, thay vì đổ dồn tất cả số tiền vào một khoản tiết kiệm, cô thường chia nhỏ khoản tiền của mình vào nhiều sổ tiết kiệm và gửi ở nhiều ngân hàng khác nhau để đề phòng rủi ro.
“Tôi đã duy trì thói quen gửi tiền tiết kiệm ngân hàng được đã gần 3 năm nay. Mặc dù lãi suất không cao nhưng nó lại ổn định so với các kênh đầu tư khác ở thời điểm hiện tại. Nếu biết cách gửi tiền tiết kiệm ngân hàng thì mức sinh lời cũng tương đối cao”, Trúc Quỳnh nói.
Tương tự, Minh Hiền - Trưởng phòng nhân sự tại một công ty may mặc ở Bình Dưỡng cũng giữ thói quen gửi tiền tiết kiệm ngân hàng được hơn 3 năm nay. Sau năm 2023 với nhiều biến động trong nền kinh tế, chị đã chuẩn bị cho mình một khoản tiền tiết kiệm để dự phòng cho những biến cố về công việc hay sức khoẻ.
Thay vì chọn những kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản, cô gái trẻ 23 tuổi này lại gửi tiền tiết kiệm vào tài khoản cá nhân để thu về lợi nhuận hàng tháng. Với cô, những kênh đầu tư được ví “gà đẻ trứng vàng” thường có tính rủi ro cao, không bền vững.
“Mình không hiểu nhiều về thị trường bất động sản, chứng khoán, bản thân lại không thích mạo hiểm nên muốn gửi tiền tiết kiệm hàng tháng. Với mức lãi suất kỳ hạn 1 năm là 4,5%, tính ra mỗi tháng mình chỉ được 1-2 triệu đồng tiền lãi. Số tiền không đáng bao nhiêu nhưng lại ổn định, không bị rủi ro”, Minh Hiền nói.
Gửi tiết kiệm có phải là kênh đầu tư hiệu quả?
Dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang có xu hướng giảm nhưng lượng tiền vẫn đang đổ về ngân hàng. Theo thống kê mới nhất từ phía Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, lượng tiền từ người dân và các tổ chức kinh tế đã đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2022. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong hàng chục năm trở lại đây.
Giám đốc một ngân hàng thương mại có chi nhánh tại quận 7, TP.HCM cho biết, 3 tháng đầu năm 2024, tại chi nhánh ngân hàng mà ông đang làm việc vẫn ghi nhận một số lượng người tương đối đến gửi tiền tiết kiệm mỗi ngày. Trong bối cảnh các kênh đầu tư như vàng, bất động sản, chứng khoán đang có nhiều biến động và khó có lợi nhuận như hiện nay, việc gửi tiền tiết kiệm ngân hàng được nhiều người lựa chọn như một kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền.
“Dù lãi suất tiết kiệm thấp nhưng vẫn an toàn nên dòng tiền vẫn đổ về ngân hàng mỗi ngày. Còn người có thói quen gửi tiền vào ngân hàng cũng đã quen với mức lãi suất thấp này”, vị giám đốc này nói.
Theo chuyên gia đầu tư tài chính Nguyễn Trí Hiếu, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn luôn được ưa chuộng dù tỷ suất sinh lời không bằng những kênh đầu tư khác, nhất là trong bối cảnh các kênh đầu tư vàng, bất động sản, chứng khoán đang biến động mạnh như hiện nay. Từ đầu năm 2023 đến nay, khi các kênh đầu tư khác đang biến động thì chỉ có kênh tiền gửi dù lãi suất giảm nhưng vẫn an toàn nên được nhiều người dân ưu tiên lựa chọn. Điều này đã khiến các ngân hàng rơi vào tình trạng dư tiền nhưng không thể cho vay được, buộc phải giảm lãi suất huy động.
Tuy nhiên, bước vào năm 2024, hoạt động kinh tế rầm rộ, người dân sẽ đi có nhu cầu huy động vốn tại ngân hàng để buôn bán, kinh doanh. Chính vì vậy, các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay. “Theo dự báo của tôi, trong năm 2024, lãi suất huy động giảm sẽ diễn ra từ quý I, quý II. Tuy nhiên, bước sang quý II, IV, lãi suất huy động sẽ tăng vì các ngân hàng sẽ cần nhiều vốn hơn để đáp ứng nhu cầu vay tiền của người dân và các tổ chức kinh tế”, ông Hiếu nói.
Vị chuyên gia kinh tế - tài chính này khuyên những ai đang có ý định gửi tiền vào ngân hàng thì nên gửi với kỳ hạn dài. Hoặc đợi đến giữa năm 2024, khi lãi suất huy động tăng, người dân và các tổ chức doanh nghiệp có thể gửi tiền vào ngân hàng để hưởng mức lãi suất cao hơn. Trong khoảng thời gian chờ đợi lãi suất huy động tăng trở lại, những ai đang có ý định đầu tư có thể tìm hiểu các kênh như vàng, chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên, khi bỏ tiền vào kênh nào, các nhà đầu tư nên đảm bảo các nguyên tắc an toàn vốn, có tỷ lệ sinh lời phù hợp, thanh khoản tốt./.
- GenZ lương 16 triệu tiết kiệm 8 triệu/tháng: Mục tiêu mua đất, mua nhà trước tuổi 30
- Có nên rút tiền tiết kiệm để đầu tư cổ phiếu ngân hàng chờ nhận cổ tức?
- Cụ bà Nhật 73 tuổi cùng cách tiết kiệm không tưởng: Cả đời không mua gia vị, mỗi lần chỉ dùng 20cm giấy ăn thay cho giấy vệ sinh