Nhiều động lực giúp cổ phiếu dầu khí bước vào xu hướng tích cực
Giá dầu tăng cao trở thành động lực cho cổ phiếu dầu khí
Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, trong ngày đầu tiên của tháng 4, khí tự nhiên là mặt hàng dẫn đầu về đà tăng trên toàn thị trường hàng hóa với mức tăng hơn 4%. Giá dầu cũng tiếp đà tăng lên vùng đỉnh cao nhất 5 tháng trước các dấu hiệu cho thấy nguồn cung thắt chặt.
Theo 1 cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho biết, trong tháng 3, sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giảm 50.000 thùng/ngày so với tháng 2 xuống còn 26,42 triệu thùng, mức giảm sản lượng lớn nhất đến từ Iraq và Nigeria. Trong đó, xuất khẩu của Nigeria giảm mạnh nhằm đáp ứng nguồn cung trong nước cho nhà máy lọc dầu Dangote và các nhà sản xuất khác tại vùng Vịnh gồm Saudi Arabia.
Trước bối cảnh này, Reuters dự báo nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới Saudi Arabia có thể tăng giá bán chính thức (OSP) để đối đầu với dầu thô Arab Light xuất khẩu sang Châu Á vào tháng 5 sau khi giá chuẩn tại Trung Đông tăng mạnh. Điều này phản ánh trạng thái thiếu cung trên thị trường.
Bên cạnh nguồn cung, một số tín hiệu vĩ mô tích cực cũng đang thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu thô. Cụ thể, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đã công bố chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất của Trung Quốc trong tháng 3 đạt 50,8 điểm, cao hơn 0,7 điểm so với dự báo và tăng 1,7 điểm so với tháng trước. Đây cũng là lần đầu tiên trong 5 tháng qua, hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc được mở rộng.
Hay báo cáo của Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) cũng cho thấy, chỉ số PMI sản xuất tháng 3/2024 của nước này bất ngờ đạt mức 50,3 điểm, cao hơn so với mức dự báo 48,5 điểm và mức 47,8 điểm trong tháng 2 trước đó. Điều này đã thúc đẩy kỳ vọng tích cực về mức tiêu thụ năng lượng của 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, đà tăng giá dầu có thể tiếp tục mở rộng về các mức cao hơn với mức kỳ vọng trong trung hạn là 95,35 USD/thùng. Thị trường hiện kỳ vọng OPEC+ sẽ duy trì mức sản lượng này và căng thẳng chính trị tại Ukraine sẽ giúp giá dầu Brent duy trì ở mức cao.
Đóng cửa phiên 1/4, chỉ số nhóm Dịch vụ dầu khí tăng 0,7%, khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh 59% so với phiên trước và cao hơn khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên. Bên cạnh đó, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động theo chiều hướng tích cực hơn. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của chỉ số nhóm Dịch vụ dầu khí vẫn duy trì ở mức “tăng”.
Dựa theo đồ thị tháng, Yuanta đánh giá chỉ số nhóm Dịch vụ dầu khí đang trong giai đoạn sóng tăng 03, giai đoạn sóng tăng dài và mạnh nhất. Theo đó, các nhà đầu tư được khuyên nên ưu tiên vị thế mua và nắm giữ.
"Bộ đôi" PVS và PVD có triển vọng cao
Dựa trên các yếu tố hỗ trợ cũng như “sức khỏe” của các doanh nghiệp dầu khí, giới phân tích nhận định PVD (PVDrilling) và PVS (Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) sẽ là 2 cổ phiếu đáng chú ý trong nhóm dầu khí. Đặc biệt, PVS đang là cổ phiếu sáng giá khi vừa vượt đỉnh ngoạn mục trong phiên 1/4 vừa qua và tiếp tục leo lên mốc mới 43.700 đồng/cổ phiếu trong phiên 2/4 sau thông tin tích cực về giá dầu. Theo đó, vốn hóa của PVS cũng lập kỷ lục gần 20.000 tỷ đồng, tăng hơn 63%/năm và trở thành cái tên giá trị nhất sàn HNX.
Một trong những động lực thúc đẩy đà tăng của PVS chính là nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc trong năm vừa qua. Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cho biết, kết thúc năm 2023, lãi ròng của “đại gia” ngành dầu khí này đã ghi nhận tăng 12% so với năm 2022, lên mức 1.060 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên, lợi nhuận của doanh nghiệp này trở lại mức nghìn tỷ kể từ giai đoạn 2014-2015 khi giá dầu cao “chót vót”.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của PVS đạt hơn 26.400 tỷ đồng, tăng khoảng 500 tỷ so với đầu năm. Đáng chú ý, doanh nghiệp ngành dầu khí này có đến hơn 10.000 tỷ tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn), chiếm gần 40% tổng tài sản. Khoản tiền gửi lớn đã mang về hàng trăm tỷ đồng tiền lãi mỗi năm, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của PVS.
Không chỉ vậy, về dài hạn, câu chuyện xoay quanh siêu dự án Lô B - Ô Môn (quy mô 12 tỷ USD) được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích đối với ngành dầu khí nói chung và PVD nói riêng.
Mới nhất, trong báo cáo của Chứng khoán Vietcap (VCSC) đã nâng mục tiêu thêm 12% lên mức 47.800 đồng/cổ phiếu, đồng thời nâng khuyến nghị từ “Khả quan” lên “Mua” đối với cổ phiếu PVS.
VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2024 sẽ tăng 10% do doanh thu mảng cơ khí và xây lắp (M&C) tăng khoảng 70% so với năm trước, nhờ sự hồi phục của hoạt động thăm dò và khai thác trong nước, dự án điện gió ngoài khơi mới và giả định biên lợi nhuận gộp của M&C tăng lên 3,55 so với 1,4% của năm 2023. Chứng khoán Vietcap ước tính lợi nhuận sau thuế quý I/2024 là 187 tỷ đồng (giảm 13%) do mảng M&C thường ghi nhận doanh thu chủ yếu vào quý IV.
Còn với PVDrilling, công ty chứng khoán này dự báo trong năm 2024, PVD có thể đạt doanh thu khoảng 6.753 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước vùng với lợi nhuận sau thuế đạt 559 tỷ đồng, tăng 3,5%.
Có thể thấy, cú hích tới nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian qua phần nào là đến từ việc siêu dự án Lô B - Ô Môn có thêm bước tiến mới. Cụ thể, ngày 28/3 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng các đối tác đã ký kết một số thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn, qua đó góp phần đảm bảo tiến độ chung cho toàn dự án cũng như tiến tới Quyết định Đầu tư cuối cùng (FID).
Bên cạnh các hợp đồng cơ bản như Hợp đồng Mua bán khí (GSPA), Hợp đồng Vận chuyển khí (GTA) hay Hợp đồng đấu nối, vận hành và dịch vụ (TOSA), dự án cũng đã có thêm Hợp đồng bán khí Lô B (GSA) giữa bên bán là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng với bên mua là Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2, chủ đầu tư của dự án Nhà máy điện Ô Môn I).
Bà Phạm Thị Thanh Huyền - chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán MB cho biết, các vấn đề còn lại cần giải quyết để có FID tính đến hiện tại gồm: Hợp đồng bán khí GSA cho các Nhà máy điện Ô Môn II, III và IV và Hợp đồng mua bán điện PPA cho cả 4 nhà máy điện thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn. Hiện tại, chỉ có GSA cho Nhà máy điện Ô Môn I được ký kết do nhà máy này đã được xây xong. Kỳ vọng các gói thầu hạn chế đã trao tiếp tục được gia hạn triển khai sau khi kết thúc thời gian 6 tháng, đồng thời kỳ vọng FID cho chuỗi dự án Lô B - Ô Môn sẽ được phê duyệt vào cuối quý II năm nay.
Còn theo chuyên gia đến từ Chứng khoán SSI dự báo FID cho dự án Lô B - Ô Môn có thể đạt được vào nửa cuối năm 2024. Tuy nhiên, cần giải quyết một số trở ngại chính đối với tất cả các nhà đầu tư để có được FID bao gồm; Hợp đồng PPA cho 4 nhà máy điện (Nhà máy Ô Môn 1, 2, 3, 4) và GSA cho nhà máy Ô Môn 2, 3, 4.
Công ty chứng khoán này nhận thấy đối tượng được hưởng lợi chính từ dự án Block B có thể kể đến như PVS (EPC), PVD (khoan), GAS (vận chuyển và phân phối khí), PVB (bọc ống). Về chi tiết, SSI đưa ra quan điểm trung lập với cổ phiếu PVS do giá thị trường hiện đã phản ánh phần lớn triển vọng từ backlog của dự án Lô B. Tương tự, GAS chỉ được hưởng lợi từ Block B sau khi khai thác dòng khí đầu tiên vào khoảng năm 2026. Trong khi đó, quan điểm khả quan cho cổ phiếu PVD với tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong 2 năm tới (dù có hay không có Block B tạo ra doanh thu thời điểm đó) cùng với triển vọng ngành khoan tăng trưởng mạnh./.
- Cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử đẩy vốn hóa thị trường của PVS lên mức kỷ lục
- Chuyên gia chỉ ra 2 nhóm cổ phiếu sẽ “hút tiền” mạnh trong tháng 4
- Cổ phiếu nhiệt điện trầm lắng trong bối cảnh các nhà máy hoạt động hết công suất