Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Công nghệ thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế

Cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế là một trong những nhiệm vụ được ngành Thuế rất quan tâm thời gian qua. Chính sự chủ động áp dụng công nghệ thông tin đã giúp công tác quản lý thuế ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả. Kết quả này đã được cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế đánh giá cao.

Đánh giá về công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa của ngành Thuế thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đưa ra bằng chứng hết sức thuyết phục khi cho biết, trong 8 năm liên tiếp, từ 2013 đến nay, Bộ Tài chính đứng đầu Bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam (Vietnam ICT Index) của khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. “Những kết quả, thành tích đó của ngành Tài chính trong những năm vừa qua, có sự đóng góp rất lớn và hết sức quan trọng của ngành Thuế” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế ngày 21/11/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, ngành Thuế đã rất chủ động trong việc hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được ngành Thuế áp dụng vào công tác quản lý thuế.

“Từ năm 2009, ngành Thuế đã tiến hành đăng ký thuế điện tử, kê khai thuế điện tử, năm 2015 ngành Thuế triển khai vận hành hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) trên phạm vi toàn quốc với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế đến hoàn thuế. Đến nay, tỷ lệ đăng ký thuế điện tử đạt 100%; tỷ lệ khai thuế điện tử đạt 99,9%; tỷ lệ đăng ký nộp thuế điện tử đạt 99%, hoàn thuế điện tử đạt gần 98%” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.

Cũng theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế bằng phương thức điện tử là một bước tiến dài của ngành Thuế. Chính sự chủ động trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế đã giúp cho các chỉ số về môi trường kinh doanh trong lĩnh vực thuế được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, người dân, doanh nghiệp được trực tiếp hưởng lợi, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được thực hiện nghĩa vụ nộp thuế qua mạng, không phải trực tiếp đến cơ quan thuế cũng như các cơ quan liên quan.

Ngành Thuế tạo bước đột phá mới trong chuyển đổi số

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021, công tác hiện đại hóa hệ thống thuế và triển khai áp dụng hóa đơn điện tử là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong năm 2021. Với những lợi ích to lớn của hóa đơn điện tử mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội, Tổng cục Thuế đã hết sức nỗ lực, quyết tâm vào cuộc, triển khai khẩn trương, quyết liệt nhằm sớm đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống.

Tổng cục Thuế đã xây dựng, trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế số 38, các nghị định và thông tư hướng dẫn, tạo ra hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, hành lang pháp lý rõ ràng về hóa đơn điện tử. Tổng cục Thuế cũng đã khẩn trương, quyết liệt triển khai, chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật như: Đầu tư máy móc thiết bị, nâng cấp đường truyền, xây dựng phần mềm ứng dụng, thành lập các trung tâm điều hành tại Tổng cục Thuế và 6 cục thuế triển khai giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021 - 3/2022) là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử tại Tổng cục Thuế và Ban chỉ đạo tại 6 tỉnh, thành phố.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38, kể từ ngày 1/7/2022 mọi tổ chức, cá nhân bắt buộc phải áp dụng hóa đơn điện tử, trừ một số trường hợp đặc biệt như: không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.

Trả lời báo chí mới đây, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế nhận xét, cơ quan Thuế đã đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật, để đảm bảo việc hướng dẫn thực thi, cũng như hệ thống hóa, xâu chuỗi các văn bản liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của ngành Thuế trên hệ thống Internet. Thêm vào đó, là tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trong nền kinh tế có thể tiếp cận được với các văn bản, nghị định, hướng dẫn quy trình tương đối cụ thể, giúp người đóng thuế chỉ cần thông qua Internet là có thể nắm được các trình, tự mình chuẩn bị và thậm chí là nộp văn bản qua hệ thống Internet. Chính điều này đã tạo ra tính công khai, minh bạch trong hướng dẫn cũng như thực thi chính sách thuế.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, gần như 100 % người nộp thuế đã thực hiện được kê khai, tính thuế và nộp thuế qua hệ thống điện tử. Chính điều này đang làm giảm đi một cách rất nhanh chóng thời gian đóng thuế của các chủ thể, mà như đánh giá của một số tổ chức quốc tế thì đã giảm 80% thời gian về tiếp cận và đóng thuế của các doanh nghiệp, đây là một sự tiến bộ cực kỳ lớn mà ngành Thuế đã đạt được.

Theo ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục CNTT (Tổng cục Thuế), có thể khẳng định, chuyển đổi số là điều ngành Thuế đã và đang tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, cái vướng hiện ngành Thuế đang gặp phải là CNTT phải đáp ứng theo các quy trình quản lý hiện hành. Đây là khó khăn chung mà nhiều cơ quan, đơn vị gặp phải.

Cục trưởng Cục CNTT phân tích rõ, trong điều kiện môi trường chuyển đổi số chưa hoàn thiện, cách nhìn của xã hội về thuế còn nhiều khác biệt. Do vậy, điều quan trọng là phải nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số, xem xét khả năng các giải pháp CNTT làm được những gì để sau đó mình điều chỉnh các quy định cho phù hợp, linh hoạt và tự động hóa tối đa. Điều này có nghĩa là nghiệp vụ phải thay đổi, tư duy phải thay đổi theo các giải pháp công nghệ chuẩn mực, từ đó CNTT mới có thể hỗ trợ tốt nhất, tạo thuận lợi và tăng trải nghiệm cho người nộp thuế.