ISSN-2815-5823

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn thông minh

(KDPT) - Tại các tỉnh, thành phố, hầu hết các địa phương đã ban hành Chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.
Quảng Nam: Thị xã Điện Bàn xây dựng nông thôn mới với nhiều kết quả tích cực Xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội: Biến bất lợi thành cơ hội

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 2/8/2022, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ NN&PTNT đã ban hành 2 Quyết định phê duyệt danh mục 15 mô hình thí điểm (trong đó có 9 mô hình xã nông thôn mới thông minh và 6 mô hình xã thương mại điện tử).

Tại các tỉnh, thành phố, hầu hết các địa phương đã ban hành Chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025; đồng thời, lựa chọn các xã để xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh.

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đặt ra một số nhiệm vụ chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn.

Đồng thời, tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới…

Một số địa phương đã tích cực thực hiện Chương trình. Cụ thể, tỉnh Bạc Liêu xác định chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số, hoặc xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên lĩnh vực khác (giáo dục, du lịch, môi trường,…) phải có ít nhất một mô hình ấp thông minh đã cho thấy mong muốn của Bạc Liêu trong việc thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất vào tháng 8/2023. Năm 2022, trong quá trình xây dựng xã theo chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, địa phương chọn ấp Vĩnh Đông để xây dựng ấp nông thôn mới thông minh.

Ấp Vĩnh Đông nằm dọc đường tỉnh, đoạn cầu Số 2 - Phước Long, đa phần người dân ở đây đều có mức sống khá, giàu. Có 291/308 hộ xài điện thoại thông minh, máy vi tính có kết nối internet, điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin cao, an ninh trật tự tốt.

Trên địa bàn ấp có trạm thu phát sóng viễn thông, mạng 3G/4G phủ sóng toàn ấp và nhiều điểm sử dụng Wifi. Cho nên, việc xem truyền hình trên mạng Internet đã không còn xa lạ với bà con nơi đây. Họ thường xuyên cập nhật thông tin sản xuất nông nghiệp qua nhóm Zalo Thời tiết nông vụ do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) lập.

TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên chuyển đổi số trong chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn, các xã trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, BCĐ, Văn phòng nông thôn mới Thành phố đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số… trong chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn, các xã trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới như cập nhật cơ sở dữ liệu nông thôn mới; số hoá sản phẩm OCOP, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP./.

HƯƠNG LAN

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024