ISSN-2815-5823

Chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP năm nay khó vượt 6%

(KDPT) - Tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, chuyên gia đã đưa ra các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay.
PGS.TS Trần Đình Thiên nêu bật 2 nghịch lý phát triển của nền kinh tế Việt Nam

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, ở kịch bản cơ sở, GDP dự báo tăng trưởng 5,2 - 5,5%. Song nếu kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, Việt Nam tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới thì GDP dự báo dự báo là 4,4 - 4,5%.

Còn trường hợp kinh tế thế giới sớm phục hồi, và khai thác được các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy 2 động lực chính là Hà Nội và TP.HCM ), tăng trưởng GDP có thể đạt 5,5 - 6%.

Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV. (Ảnh: Quochoi.vn)

Dù vậy, mức dự báo tăng trưởng kinh tế ở cả ba kịch bản đưa ra đều thấp hơn mục tiêu năm nay là 6,5%.

“Tuy nhiên, nếu Việt Nam có thể củng cố tốt hơn các động lực tăng trưởng hiện hữu và khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, thì mức tăng trưởng có thể cao hơn”, ông Cấn Văn Lực phân tích.

Đối với năm 2024 và 2025, theo kịch bản cơ sở, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát được kiếm chế và dần về mức dưới 3% năm 2025, khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt khoảng 6% năm 2024 và 6,5% năm 2025.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia nhấn mạnh việc nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách tập trung vào nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu và đẩy mạnh thương mại dịch vụ.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fullbright Việt Nam cho biết, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về mặt tốc độ tăng trưởng.

Nguyễn Xuân Thành
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Fullbright. (Ảnh: Quochoi.vn)

“Ngay cả khi không có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế và phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới thì việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021 - 2025 là vô cùng khó khăn”, ông Nguyên Xuân Thành nêu nhận định.

Ông đánh giá cả ba động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.

Tại phiên khai mạc Diễn đàn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhìn nhận nền kinh tế đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021 - 2030 trở nên hết sức khó khăn. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Đưa ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, TS. Cấn Văn Lực đề xuất 2 nhóm giải pháp chính.

Thứ nhất là nhóm giải pháp củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu như xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng - luôn là những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai là nhóm giải pháp phát huy, khai thác động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh…

Ngoài ra, chính sách đưa ra cũng cần hướng tới hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, tăng liên kết vùng ở khía cạnh cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ và lao động.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cũng nhấn mạnh việc nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách tập trung vào nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu và đẩy mạnh thương mại dịch vụ./.

YẾN THANH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/05/2024