ISSN-2815-5823

Côn Đảo – Điểm đến tâm linh, lịch sử

(KDPT) – Trong hai cuộc kháng chiến, Côn Đảo từng được coi là địa ngục trần gian, là nơi chứng kiến biết bao người yêu nước chịu cảnh tù đày, tra tấn. Nhưng ngày nay, nơi đây là thiên đường của khách du lịch.

Côn Đảo (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) nổi tiếng với những bãi tắm đẹp hoang sơ, cát trắng mịn làm say mê du khách. Ngoài ra, không khí trên đảo rất trong lành, được ví như thiên đường nghỉ dưỡng, là điểm đến tuyệt vời cho những ai đang muốn trốn ồn ào, náo nhiệt ở phố thị.

Thời gian từ ra tết đến hết mùa hè, từ tháng 3 đến hết tháng 9 là thời gian tốt nhất để đi du lịch Côn Đảo. Tuy nhiên, từ tháng 10 đến tháng 2, mặc dù vùng biển Côn Đảo thường có sóng lớn nhưng vì thời gian này là mùa khô nên luôn có ánh nắng chan hòa và cũng là thời gian đáng để đến Côn Đảo.

Côn Đảo cách Vũng Tàu 97 hải lý (180km). Có hai cách để đi đến Côn Đảo là bằng đường bộ, đường thủy hoặc đường hàng không.

83% diện tích Côn Đảo là vườn quốc gia, với 16 hòn đảo lớn nhỏ, tuy nhiên, chỉ Côn Sơn là có người dân sinh sống, đây cũng là một trong hai đảo hiếm hoi có nước ngọt. Ở đây, rùa biển được bảo vệ nghiêm ngặt, ăn một trứng rùa biển có thể bị phạt từ 3 đến 5 năm tù giam, mức phạt cho việc giết thịt một chú rùa trưởng thành còn cao hơn nữa. Đây là biện pháp cứng rắn nhằm bảo vệ loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng này.

Mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương là điểm không thể bỏ qua. Bạn có thể đi lễ vào 12h đêm mà không hề lo lắng vì nghĩa trang rất tấp nập. Đồ lễ và hoa quả nên chuẩn bị sẵn từ nhà, bởi nghĩa trang không có hàng phục vụ bán đồ lễ. Đồ lễ không thể thiếu là gương lược. Nếu mang được hoa tươi thì càng tốt, nên dùng hoa trắng. Cô Sáu được dân Côn Đảo coi như vị thánh, che chở, hóa giải những buồn đau. Các đôi uyên ương cưới cũng ra mộ, thắp hương cô Sáu xin phù hộ.

Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.

Khách thường để lại đồ lễ tại nghĩa trang, không mang về. Nghĩa trang rất sạch sẽ và thanh bình. Đừng quên thắp hương tại đài tưởng niệm 1912 liệt sĩ nằm tại nghĩa trang Hàng Dương và thắp thật nhiều hương cho gần 2.000 mộ liệt sĩ tại đây.

Đền thờ bà Phi Yến hay còn gọi là An Sơn Miếu cũng là nơi nên đến lễ và thăm viếng. Bà là vợ của vua Nguyễn Ánh. Khi nhà vua định mời Pháp vào để chống lại quân Tây Sơn, bà đã có lời can ngăn: “không nên cõng rắn cắn gà nhà”, nhà vua tức giận giam bà trên một hòn đảo hoang vắng, nay gọi là Hòn Bà. Khi quân Tây Sơn gần ra tới đảo, nhà vua đem bầu đoàn thê tử chạy trốn. Trong lúc chạy loạn, hoàng tử Cải khóc nhớ mẹ, nhà vua tức giận liền vứt con xuống biển. Xác hoàng tử dạt vào bờ biển, người dân chôn cất và lập đền thờ. Bà Phi Yến sau khi được cứu thoát, được người dân dựng nhà ngay cạnh mộ để chăm nom hoàng tử. Sau đó, trong một lần đi lễ hội làng, vì nhan sắc quá lộng lẫy, bà bị một kẻ xông vào định hãm hiếp, nhưng hắn mới chỉ chạm vào tay, đã bị bà hô hoán, người dân bắt lại. Bà chặt đứt cánh tay ô uế bị kẻ xấu chạm vào. Sau uất ức quá, bà tự tử để vẹn toàn trinh tiết ở tuổi 25.

Con đường mang tên Hoàng Phi Yến, nằm giữa hai đầm sen rộng ngát. Từ chùa Núi Một có thể ngắm xuống đầm sen này.

Chùa Núi Một, ngôi chùa có phong thủy đẹp nhất Việt Nam. Chùa tựa lưng vào núi và nhìn xuống đầm sen rộng mát. Kiến trúc của chùa thoáng đáng, yên bình.

Chùa Núi Một, Côn Đảo.

Nhưng dù đến Côn Đảo với mục đích tham quan hay viếng mộ, mỗi du khách khi ra về đều mang theo mình tình yêu với hòn đảo hiền lành xinh đẹp mà cũng rất đỗi thiêng liêng này.

Nguyễn Thu



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024