“Cộng đồng chung tay bảo vệ trái đất xanh”
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động nghiêm trọng đến cuộc sống và sự phát triển bền vững của toàn thế giới. Bão, lũ lụt, hạn hán, mưa lớn, sóng nhiệt và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn và khốc liệt hơn. BĐKH gây nước biển dâng làm mất lãnh thổ, gia tăng xâm nhập mặn.
BĐKH gây mất đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới và sức khỏe cộng đồng.
BĐKH cũng tạo ra những rào cản mới về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại ảnh hưởng đến sự phát triển mạnh mẽ của một quốc gia; ảnh hưởng đến văn hóa, lối sống của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc trên trái đất và nhiều hệ lụy khác.
Chúng ta biết rằng Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH. Một trong những đỏi hỏi đó là VN phải mạnh mẽ cắt giảm phát thải khí nhà kính. Điều này đã được đưa vào Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi đang trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới đây.
Riêng về mặt năng lượng, chúng ta vừa phải phát triển đủ lớn và đủ ổn định để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Mặt khác, chúng ta cũng phải giảm phát thải khí nhà kính, chủ yếu là giảm phát thải khí các-bo-nic từ sản xuất điện. Lựa chọn tốt là chuyển từ đốt than sang dùng năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Đây là những nguồn năng lượng vô tận nhưng công nghệ hiện còn đắt, đặc biệt là công nghệ lưu trữ điện; lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết, sử dụng nhiều đất đai. Về lâu dài đây là hướng đi đúng. Nhưng trước mắt chúng ta phải đầu tư mất nhiều tiền hơn trong khi còn nghèo; và vì vậy giá đắt hơn nên mỗi gia đình phải trả hóa đơn tiền điện nhiều hơn. Rõ ràng là ai cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cũng tạo ra cơ hội kinh doanh mới, phát triển mới.
Việt Nam đang phát triển để trở thành trung tâm sản xuất hàng hóa của thế giới. Tuy nhiên, sản xuất là phải dùng nguyên nhiên liệu và năng lượng và đều phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Trong tương lai rất gần, chỉ có những hàng hóa khi sản xuất tạo ra khí gây hiệu ứng nhà kính ít hơn một ngưỡng nhất định thì mới được lưu thông hoặc xuất khẩu. Đây là nguy cơ cho những ai dùng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, năng lượng; nhưng đây cũng là cơ hội cho những ai biết chuẩn bị. Thuế cac-bon, định giá các bon, điều chỉnh biên giới các bon, tẩy chay hàng hóa phát thải nhiều carrbon,…. sẽ là các cụm từ chúng ta sẽ được nghe thấy nhiều hơn trong vòng 5 năm tới.
BĐKH đã trở thành cuộc chơi toàn cầu mà không ai có thể đứng ngoài cuộc. Để chuẩn bị cho cuộc chơi mới và rất lớn này, Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ và sẵn sàng tham gia bình đẳng với các quốc gia khác, vì sự phát triển thịnh vượng của quốc gia, doanh nghiệp và công dân Việt Nam; và cũng là vì bảo vệ hệ thống trái đất. Việc thực hiện ứng phó với BĐKH đòi hỏi sự chung tay không chỉ của các cơ quan nhà nước, mà chủ yếu đến từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng…
Trong nỗ lực ứng phó với BĐKH chung đó, vai trò của Thanh niên là hết sức quan trọng. Ngày 30 tháng 3 năm 2017, tại Hà Nội Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong đã ký kết Chương trình phối hợp trong lĩnh vực tài nguyên môi trường giai đoạn 2017-2022.
Hoạt động ngày hôm nay do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT và Tỉnh Đoàn Nghệ An, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, chính là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Chương trình phối hợp đã được ký kết.
Phát biểu khai mạc tại ngày hội “Cộng đồng chung tay bảo vệ trái đất xanh”, ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình. Đồng thời ông mong muốn rằng, qua hoạt động ngày hôm nay, mong rằng ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH của mỗi chúng ta được nâng cao. Đồng thời các bạn học sinh, sinh viên có thêm được một số gợi mở để lựa chọn con đường phù hợp trong nghiên cứu, học tập, lối sống và hành động cho riêng mình trong chặng đường đầy thú vị trước mắt.
PHÙNG VÂN