Đánh giá thực trạng môi trường trong chăn nuôi

Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, gia trại phát triển mạnh đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, người dân cũng đang đối mặt với thách thức không nhỏ về ô nhiễm môi trường (ÔNMT) do chất thải gây ra. Môi trường trong chăn nuôi bị ô nhiễm bởi các nguyên nhân, như: chất thải rắn, chất thải lỏng, xác gia súc, gia cầm chết không được tiêu hủy đúng kỹ thuật và quy trình... Các chất thải này được thải trực tiếp ra ngoài môi trường nếu không qua xử lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn đất, nguồn nước, không khí. Ngoài ra, các trang trại chăn nuôi nằm xen kẽ trong khu dân cư có quỹ đất nhỏ hẹp, người dân chưa chú trọng xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải. Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ÔNMT ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, nguy cơ gây nên bùng phát dịch bệnh... Hiện nay, để giảm thiểu tình trạng ÔNMT trong chăn nuôi, các địa phương đang khuyến khích người dân đầu tư chuyển đổi quy mô nhỏ lẻ sang trang trại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chăn nuôi an toàn dịch bệnh,... với những con nuôi có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn người dân xây dựng hầm biogas, hệ thống thoát nước, xử lý bằng ủ phân hữu cơ, chế phẩm sinh học...

Hiện nay, còn nhiều trang trại chăn nuôi lợn, bò hàng ngày thải ra một lượng lớn chất thải không được xử lý và đổ trực tiếp vào hệ thống thoát nước, kênh mương trong vùng làm nhiều hộ dân không có nước sinh hoạt (nước giếng trong vùng có váng, mùi hôi tanh), tỷ lệ người dân bị mắc bệnh tiêu chảy, mẫn ngứa và ghẻ lở cao. Ô nhiễm do chất thải chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng nặng tới môi trường sống dân cư mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, tài nguyên đất và ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất chăn nuôi.

Thực tiễn tại Tân Ấp (xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên)

Phóng viên đã tiến hành khảo sát thực tiễn tại xóm Tân Ấp, xã Phúc Thuận, TP Phổ Yên - Thái Nguyên, trong đó có trang trại với quy mô lớn của ông Nguyễn Văn Tuấn, để minh chứng cho chuyên đề.

Ghi nhận thực tế, người dân xóm Tân Ấp, xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên, cho biết: “Trang trại nhà ông Nguyễn Văn Tuấn (Tuấn Bình) trước đây bé hơn bây giờ, mới mở rộng chừng hơn 2 năm nay. Hiện nay nước sông Trung Năng bị ô nhiễm nghiêm trọng cũng là do trại chăn nuôi lợn nhà ông Tuấn Bình tại Tân Ấp (xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên) xả thải trực tiếp ra môi trường. Tình trạng xả thải ra sông Trung Năng đã kéo dài suốt nhiều năm nay. Dạo trước đóng bể chứa phân đầy rồi mới xả ra sông để hòa tan, chúng tôi hái chè không chịu nổi.Về mùa mưa nước suối lớn nên còn cố chịu, nhưng cứ đến mùa nắng thì thật kinh khủng. Bà con chúng tôi ở gần suốt ngày phải “nín thở” sống chung với mùi hôi thối. Người dân chúng tôi đã tạo điều kiện và nhắc rất nhiều nhưng vẫn không thấy có gì tiến triển”.

Một người dân khác phản ánh: “Từ điểm trại lợn Tuấn Bình xả thải trực tiếp ra sông kéo dài khoảng 3km, nước chảy qua mương cạnh trại rồi đổ trực tiếp ra sông Trung Năng phía ngoài. Trong đó, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất là đoạn phía sau trang trại Tuấn Bình, chiều tối đen sì cả một đoạn sông. Hiện tại nước sông bị ô nhiễm quá nghiêm trọng nên bà con chúng tôi không dám bơm nước tưới cho cây trồng”.

Người dân bức xúc về tình trạng ô nhiễm tại trang trại của ông Tuấn.

Để chứng minh trại chăn nuôi lợn xả thải ra môi trường không đảm bảo quy chuẩn, qua khảo sát thực tế, từ rêu và cây cỏ mọc phủ quanh trang trại cho thấy trang trại đi vào hoạt động một thời gian dài, cách khu dân cư khoảng 150m. Xung quanh trang trại chăn nuôi lợn của ông Tuấn thuộc Tân Ấp có những hộ gia đình sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Về hoạt động xử lý nước thải của trang trại là nước thải phát sinh trong chăn nuôi xả thải ra mương tưới tiêu của địa phương, rồi xả thẳng ra sông Trung Năng. Trại chăn nuôi lợn này có khoảng 1.000 con lợn có 3 hồ chứa nước thải nhỏ cỏ mọc và không đủ tải cho cả trang trại. Theo ghi nhận, nước thải được trực tiếp thải ra con mương bên cạnh rồi chảy thẳng ra sông Trung Năng mà không qua xử lý. Theo người dân địa phương, mùi hôi thối từ trại lợn tỏa đi nhiều km gây ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của bà con.

Ghi nhận thực tế từ khu vực trại chăn nuôi lợn đến điểm xả thải, dòng nước sông Trung Năng đặc ngầu màu đen, mặt nước suối nổi váng bốc mùi hôi thối nồng nặc kéo dài nhiều km trong thời gian dài. Nguồn nước khu vực người dân sinh sống, mùi hôi thối theo gió bốc lên nồng nặc, vô cùng khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân xung quanh và vùng lân cận.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Công Hanh - Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên ) cho biết: “Sự việc trại chăn nuôi heo từ hộ ông Nguyễn Văn Tuấn tại xóm Tân Ấp xả thải gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thối, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước sông Trung Năng đã được người dân nhiều lần phản ánh tới chính quyền địa phương. Xã cũng đã lập biên bản, làm báo cáo UBND TP. Phổ Yên về sự việc này. Nếu còn tình trạng trên, chúng tôi tiếp tục cho lập biên bản”.

Trao đổi với chủ trang trại, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Trang trại của ông có giấy phép chăn nuôi. Hiện tại đang nuôi hơn 800 con lợn. Trang trại có "thi thoảng" xả thải ra mương, chảy ra sông phía sau trang trại”.

Từ những bức xúc của người dân xóm Tân Ấp (xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên), rất mong các cơ quan chức năng kiểm tra và có phương hướng, biện pháp xử lý triệt để, quyết liệt hơn, đối với hoạt động kinh doanh trang trại nói chung và trang trại của ông Nguyễn Văn Tuấn nói riêng, để không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe của người dân nơi đây, đảm bảo sự phát triển bền vững hệ sinh thái môi trường và kinh tế xã hội ở địa phương.