Chương trình “Công tác xã hội Việt Nam: Chuyên nghiệp - Sáng tạo - Phát triển” được tổ chức với mong muốn tiếp tục khẳng định vai trò của công tác xã hội; ghi nhận những đóng góp tích cực của những người làm công tác xã hội; đồng thời, thúc đẩy công tác xã hội ở Việt Nam phát triển, góp phần xây dựng xã hội ngày càng dân chủ, công bằng, văn minh, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại chương trình.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Tường Lâm - Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam cho biết: Công tác xã hội đã có lịch sử phát triển hơn một thế kỷ và ngày nay đã trở thành một nghề chuyên nghiệp được thừa nhận trên thế giới. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Công tác xã hội đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là quan tâm, hỗ trợ những những nhóm người yếu thế.

Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020". Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu điểm khởi đầu cho sự phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam.

Tiếp nối Đề án 32, ngày 22/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Số: 112/QĐ-TTg Ban hành chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Đặc biệt, ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg về việc lấy ngày 25 tháng 3 hàng năm là “Ngày công tác xã hội Việt Nam”. Đây là dịp để tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội, ghi nhận vai trò và đóng góp của những người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của Nhân dân. Đồng thời, phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau; thu hút sự quan tâm của các tầng lớp Nhân dân, tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm công tác xã hội.

Các đại biểu tham dự chương trình “Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 7”.

Từ đó đến nay, các cơ sở đào tạo không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, trong đó đã có các cơ sở đào tạo công tác xã hội ở bậc Thạc sỹ, Tiến sỹ. Đến nay, cả nước có 55 cơ sở đào tạo ngành công tác xã hội ở trình độ cao đẳng và trình độ đại học, 5 cơ sở đào tạo ngành công tác xã hội ở trình độ Thạc sĩ và 02 cơ sở đào tạo ở trình độ Tiến sĩ. Tại các địa phương đã hình thành hệ thống Trung tâm dịch vụ công tác xã hội cấp tỉnh và huyện, hệ thống Trung tâm này đã bắt đầu cung cấp những dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng.

Đồng chí Nguyễn Tường Lâm cũng khẳng định: "Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ vai trò tiên phong, là một trong những tổ chức đi đầu đồng hành với các nhóm thanh thiếu nhi và người dân trong cộng đồng nhất là những người yếu thế vượt qua khó khăn, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng, bình đẳng và phát triển. Trong thời gian tới, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cam kết tiếp tục triển khai và chỉ đạo các cấp bộ Đoàn thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đã đề ra, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc chăm lo cho nhóm thanh thiếu nhi yếu thế về cơ hội phát triển, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, phát triển của thanh niên trong các hoạt động của đoàn gắn với công tác xã hội".