ISSN-2815-5823
Thứ ba, 08h17 02/07/2019

CPTPP – Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt

CPTPP – Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt

(KDPT) – Đó là chủ đề của cuộc hội thảo do Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội. Hội thảo là diễn đàn để trao đổi, thảo luận các cơ hội cũng như những thách thức đối với nông sản Việt trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các Tổ chức kinh tế thương mại quốc tế, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái bình dương – CPTPP.

Ngày 14/1/2019, CPTPP đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam – thành viên thứ 7 của Hiệp định. CPTPP cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng 78 – 95% số dòng thuế và cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước.

Là một Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, CPTPP được dự báo sẽ có tác động toàn diện đến các hoạt động kinh tế, xã hội của Việt Nam, trong đó nông nghiệp là một lĩnh vực quan trọng và được dự báo chịu tác động lớn cả tích cực và tiêu cực

Theo đó, về cơ bản CPTPP sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều ngành hàng, trong đó có nông sản Việt, nhất là các thị trường mà Việt nam chưa có FTA song phương là Canada, Mexico, Peru, Úc nhờ những ưu đãi về thuế quan. Đồng thời, các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, lao động … cũng sẽ là động lực, sức ép để ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. CPTPP cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư (cả FDI và tư nhân trong nước) cho nông nghiệp.

Như vậy cùng với CPTPP và mới đây nhất là Hiệp định thương mại tự do EU – Việt nam (EVFTA) , Việt Nam trở thành một nước hội nhập sâu rộng với thế giới. Đứng trước những cơ hội to lớn như vậy, Việt Nam cần phải nhận diện cơ hội, thời cơ, thách thức, khó khăn như thế nào khi CPTPP, EVFTA tác động đến sản xuất, tiêu thụ nông sản của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nói: “Hội nhập kinh tế quốc tế đã được thể hiện toàn diện trong các lĩnh vực đời sống kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, lĩnh vực đang là nơi làm việc, sinh sống của hơn 60 triệu người, chiếm hơn 64% dân số cả nước.

Đến nay, Việt Nam đã có một số ngành trong nông nghiệp phát triển thuộc hàng đi đầu trên thế giới như: xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới, gạo thứ 3 thế giới; xuất khẩu thủy sản đứng thứ tư thế giới; xuất khẩu đồ gỗ đứng thứ 5 thế giới…Các Hiệp định FTA, trong đó có CPTPP và EVFTA là cơ hội để tăng xuất khẩu, góp phần xây dựng nhiều ngành mũi nhọn hơn nữa cũng như nâng cao giá trị gia tăng của các ngành sản xuất nông nghiệp”.

EU là một liên minh gồm 28 quốc gia ở khu vực châu Âu. Năm 2018, EU là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Vì vậy, chúng ta phải nhận thức được thuận lợi, cơ hội, cũng như khó khăn, thách thức, nhất là lĩnh vực thương mại nông sản khi Việt Nam ngày càng đi sâu vào CPTPP và EVFTA để vượt qua khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi to lớn và có lợi cho người nông dân theo quan điểm vì nông dân và nông dân làm chủ.

Đinh Khương



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024