Cửa khẩu Ka Long (TP Móng Cái) – Đìu hiu trong xót xa (Bài 1)
Để tìm hiểu rõ hơn về thông tin này, phóng viên đã có các buổi tiếp xúc, trò chuyện với người dân và đại diện một số doanh nghiệp nơi đây
Qua tìm hiểu và làm việc với HTX Dịch vụ bốc xếp vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực của khẩu Ka Long chúng tôi được biết: Với mục tiêu nâng cao hiệu quả khai thác và quản lý điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước tại khu vực cửa khẩu Ka Long (Thành phố Móng Cái – tỉnh Quảng Ninh), ngày 11 tháng 06 năm 2018 UBND Thành phố Móng Cái đã có quyết định số 2520/ QĐ – UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp cửa khẩu Ka Long theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Hợp đồng kinh doanh – Quản lý (O&M).
Theo quyết định này, đơn vị trúng thầu là Liên danh Hợp tác xã dịch vụ bốc xếp vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu (sau đây gọi tắt là hợp tác xã – HTX). Tổng vốn đầu tư của dự án là 15 tỷ 736 triệu đồng, thời gian thi công thực hiện trong 06 tháng và thời gian thực hiện hợp đồng theo hình thức Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (hợp đồng O&M) là 18 năm.
Để thực hiện dự án này, HTX đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai công tác thi công xây dựng theo đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, nâng cấp toàn bộ cơ sở vật chất mà trước đó đã bị xuống cấp, lắp đặt thêm nhiều hệ thống băng tải mới hơn, hiện đại hơn, mở rộng thêm một bến cảng với diện tích trên 2000 m2 để tăng năng lực vận chuyển và tiếp nhận hàng hóa. Đến nay, chỉ tính riêng số vốn mà HTX đầu tư vào để nâng cấp hệ thống trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc vận chuyển bốc xếp hàng hóa tại cảng đã lên đến 20 tỷ đồng…Theo tính toán, khối lượng công việc đến nay đã đạt trên 80% so với kế hoạch phê duyệt. Do đó HTX tự tin đảm bảo rằng năng lực và công suất bốc xếp hàng hóa tại cửa khẩu Ka Long do HTX đảm nhận sẽ tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, mới đây HTX đã có kiến nghị gửi lên UBND thành phố Móng Cái để yêu cầu xem xét lại việc ban hành văn bản số 2007/UBND- VP về việc “thực hiện chủ trương di chuyển các điểm xuất hàng thủy hải sản tươi sống và đông lạnh từ các địa điểm xuất hàng trên địa bàn thành phố về địa điểm kiểm tra hàng xuất khẩu tại Km3+4, phường Hải Yên, thành phố Móng Cái”. Theo nội dung văn bản này thì thành phố giao cho các đơn vị trực thuộc “nghiêm túc thực hiện có hiệu quả việc di chuyển các hoạt động xuất nhập khẩu thủy hải sản tươi sống và đông lạnh từ khu vực cửa khẩu Ka Long và hạ lưu sông Ka Long về địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu km3+4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái để đảm bảo mỹ quan vệ sinh môi trường cho khu vực cửa khẩu và các khu vực dân cư”. Như vậy với thông báo này có thể hiểu là tất cả các mặt hàng thủy hải sản tươi sống và đông lạnh sẽ không được làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu Ka Long nữa. Thay vào đó tất cả các mặt hàng này sẽ phải chuyển về địa điểm xuất khẩu hàng hóa xuất khẩu tại km3+4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái. Được biết địa điểm này chính là cảng cạn ICD Móng Cái do Công ty Cổ phần Thành Đạt là chủ đầu tư.
Với việc ban hành văn bản này, vô hình trung UBND Thành phố Móng Cái đã “đóng băng” hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản đông lạnh tại khu vực cửa khẩu Ka Long bởi lẽ từ trước đến khi ban hành văn bản này, các hoạt động xuất nhập khẩu các loại hàng hóa này vẫn thường được thực hiện tại đây vì lý do rất tiện lợi và nhanh gọn đối với các chủ hàng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Nam Sơn – Giám đốc HTX cho biết: về chủ trương của thành phố di chuyển địa điểm xuất hàng thủy sản tươi sống và hàng đông lạnh để tránh việc ô nhiễm môi trường, bốc mùi tanh hôi, ảnh hưởng đến đời sống của khu dân cư là một chủ trương đúng và cần ủng hộ, tuy nhiên UBND thành phố Móng Cái cũng cần phải xem xét lại danh mục các hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực này bởi lẽ tất cả các mặt hàng thủy hải sản đông lạnh khi vào làm thủ tục thông quan đều phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật về chế độ kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với những mặt hàng theo diện tạm nhập tái xuất thì lại càng phải tuân thủ chặt chẽ hơn về điều kiện an toàn kiểm dịch của các cơ quan y tế.Vì lẽ đó HTX có kiến nghị với UBND thành phố Móng Cái mở lại các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa xuất khẩu đối với danh mục hàng thủy sản đông lạnh thuộc diện tạm nhập tái xuất.
Hệ lụy từ một văn bản pháp quy
Chia sẻ với phóng viên về những khó khăn mà HTX đang gặp phải trong thời gian qua, ông Nguyễn Nam Sơn – Giám đốc HTX cho biết: HTX Dịch vụ bốc xếp hàng hóa XNK được thành lập từ 2005, thời điểm mà các hoạt động bốc xếp ở đây rất hỗn loạn việc tranh giành địa bàn xảy ra liên tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, gây nên những tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp và tổn hại đến môi trường kinh doanh. Trước bối cảnh đó sự ra đời của HTX bốc xếp đã góp phần giảm bớt những vụ va chạm, ổn định hơn cho các hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu ở vùng biên mậu. Hàng năm HTX tham gia vận chuyển và bốc xếp cho hàng nghìn tấn hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực này, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 300 người và có nhiều đóng góp cho chính quyền địa phương trong các hoạt động công ích.Các hoạt động chủ yếu tại khu vực của khẩu Ka Long từ trước đến giờ vẫn là xuất nhập khẩu các mặt hàng trong đó có hàng đông lạnh và thủy hải sản tươi sống, nhưng từ khi có văn bản 2007/UBND- VP của UBND thành phố Móng cái thì các giao dịch thương mại ở đây sụt giảm một cách rõ rệt và điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của HTX.. Từ chỗ trước kia hàng ngày với năng lực của mình, HTX có thể bốc xếp hàng hóa cho hơn 100 xe các loại thì hiện nay số lượng đó chỉ là 1 – 2 xe mỗi ngày mà chủ yếu lại là các mặt hàng khô. Do đó các xã viên của HTX đã buộc phải nghỉ việc vì không có công ăn việc làm, số còn lại thì chuyển sang công việc khác hoặc đi bốc dỡ tại những cảng khác xa hơn.
Đến cửa khẩu Ka Long vào một ngày đầu thu, chúng tôi không thể nhận ra đây là cửa khẩu Ka Long nhộn nhịp sầm uất trên bến dưới thuyền như những lần trước, thay vào đó là sự vắng vẻ và trầm lặng khác thường, các hoạt động thương mại dường như không có Khu bến bãi đổ hàng trước đây tấp nập xe cộ bây giờ chỉ có một vài xe hàng chờ bốc dỡ, dưới sông lèo tèo một vài chiếc thuyền nhỏ đợi ăn hàng. Cả một hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước ở đây như Hải quan, Kiểm dịch, Biên phòng hiện nay đều trong trạng thái “ngồi chơi xơi nước” do không phát sinh các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Có thể nói hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu Ka Long hiện nay đang rơi vào trạng thái “chết lâm sàng”.
Doanh nghiệp nói gì?
Quay trở lại với câu chuyện đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), đại diện của HTX cho biết : trước khi tiến hành việc tham gia đấu thầu thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp của khẩu Ka Long, HTX đã nghiên cứu, khảo sát và dự toán đến lưu lượng hàng hóa dự kiến sẽ lưu thông qua đây sau khi mở rộng và nâng cấp khu vực xuất hàng, dự tính khả năng bốc xếp, vận chuyển hàng hóa và các dịch vị khác để làm cơ sở cho việc hoàn vốn đầu tư. Để thực hiện điều này, HTX đã huy động mọi nguồn vốn với mong muốn sớm hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng nhằm thu hồi vốn, đảm bảo cho sự hoạt động của HTX, ổn định công ăn việc làm cho xã viên và đóng góp thêm vào ngân sách địa phương. Mặt khác, xét về khía cạnh pháp lý đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng thủy hải sản đông lạnh thì HTX căn cứ vào các văn bản như : Khoản 2, điểm c điều 20 của Thông tư 05/2014/TT- BCT ngày 21/01/2014 của Bộ Công thương, điều 06 thông tư 11/2017/TT- BCT ngày 28/07/2017 của Bộ Công thương quy định về hoạt động tạm nhập tái xuất, công văn số 2446/SCT- XNK của Sở Công thương Quảng Ninh ngày 28/09/2017 đều không hạn chế việc xuất hàng thủy hải sản tươi sống qua cửa khẩu Ka Long. Tuy nhiên với văn bản 2007/UBND – VP do UBND thành phố Móng Cái ban hành thì mọi hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ở đây đều như ngừng trệ. Do vậy, để ổn định tình hình hoạt động của mình, HTX kiến nghị và đề xuất với UBND thành phố Móng Cái cho mở lại các hoạt động xuất khẩu đối với mặt hàng thủy hải sản đông lạnh theo hình thức tạm nhập tái xuất tại khu vực cửa khẩu Ka Long.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trước đây có danh mục hàng hóa xuất khẩu như trên cũng như các tiểu thương trước đây đã hoạt động giao thương tại khu vực này đều đang rất bức xúc vì văn bản này đã gây khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của họ (chúng tôi sẽ phản ánh vấn đề này trong bài kế tiếp). Trước những thông tin này, phóng viên đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với ông Vũ Văn Kinh – Chủ tịch UBND TP Móng Cái để đặt lịch làm việc nhưng đều không liên lạc được.
Luật đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 với nhiều điểm mới
nổi bật nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thiết nghĩ, để đảm bảo môi trường đầu tư và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư , đồng thời đảm bảo sử dụng nguồn vốn đầu tư công một cách hiệu quả nhất, UBND thành phố Móng Cái nên có các chính sách hỗ trợ phù hợp hơn để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được quy định rõ trong luật Đầu tư công.
Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra (Bài 2)
Trường Minh