ISSN-2815-5823

Cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội: Hướng tới chuyên nghiệp

(KDPT) – Từ việc tạo cơ hội cho các tài năng trẻ Việt Nam được giao lưu, học hỏi, cọ xát, Cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội đang dần trở thành sân chơi đẳng cấp. Nhìn vào yêu cầu chất lượng, chuẩn mực nghệ thuật từ cuộc thi cũng ít nhiều cho thấy tính hội nhập và công tác đào tạo đỉnh cao đối với ngành này.

Cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật của giới âm nhạc chuyên nghiệp

Chú trọng chất lượng chuyên môn

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ và công tác đào tạo nghệ thuật đỉnh cao đang trở thành mục tiêu quan trọng, việc tạo cơ hội cho tài năng âm nhạc trẻ được giao lưu, cọ xát với bạn bè quốc tế thực sự cần thiết. Thông điệp này mở đầu họp báo Cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội lần thứ IV chiều 5.9.

Điểm mới năm nay là số lượng thí sinh tăng vượt trội, với 82 thí sinh (các kỳ trước chỉ trên dưới 50 thí sinh) trong đó có 34 thí sinh quốc tế (kỳ thứ III là 11 thí sinh quốc tế), đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Mỹ, Australia, Israel. Thí sinh sẽ dự thi theo 3 bảng: Bảng A từ 10 – 13 tuổi, bảng B từ 14 – 17 tuổi, bảng C từ 18 – 25 tuổi. Ở mỗi bảng, thí sinh sẽ lần lượt thể hiện tài năng qua 2 vòng thi cá nhân, trước khi đến với phần chơi Concerto cùng Dàn nhạc Giao hưởng ở vòng chung kết, trừ bảng A thí sinh chỉ thi độc tấu 2 vòng.

Yêu cầu của cuộc thi năm nay được nâng cao với những điều chỉnh về thể lệ, nội dung. Riêng phần chơi Concerto cùng Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội được kỳ vọng sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng biểu diễn, dưới sự chỉ huy của hai nhạc trưởng nổi tiếng nhiều kinh nghiệm làm việc với các thí sinh là Đồng Quang Vinh và David Gomez (Tây Ban Nha). Số lượng giám khảo quốc tế cũng tăng với sự góp mặt của 9 giám khảo là các nhà sư phạm, nghệ sĩ biểu diễn piano nổi tiếng thế giới, như Giáo sư âm nhạc ĐH Montréal Canada Jean Sauniel, Trưởng khoa Piano tại Nhạc viện Trung ương Trung Quốc Wu Ying, Giám đốc Nhạc viện Quốc gia Kurmangazy Kazakhstan Jania Aubakirova… Với kinh nghiệm giám khảo tại các cuộc thi lớn thế giới, họ được ví như “linh hồn” của Cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội lần thứ IV, cho thấy mức đòi hỏi chất lượng năm nay.

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo quốc tế của Cuộc thi, GS. TS. NGND Trần Thu Hà cho rằng, với hình thức tổ chức và tiêu chí cao, Cuộc thi không chỉ là giao lưu mà chính là một cuộc cạnh tranh để phát triển. Ở đây, vấn đề chất lượng chuyên môn phải đặt lên cao nhất, bảo đảm có sự hội nhập thực sự, tức là hướng tới chuẩn mực quốc tế. “Cuộc thi phải bảo đảm yêu cầu, niêm luật cấp quốc tế. Chương trình thi với 3 bảng, mức độ khó khác nhau là yếu tố đặc biệt nói lên chất lượng và tính chuyên nghiệp cao”, GS. Trần Thu Hà nói.

Đạt chuẩn mực quốc tế

“Việc tham gia một cuộc thi quốc tế được tổ chức ở Việt Nam là nguồn động viên rất lớn cho tất cả sinh viên piano. Nó tạo nên không khí luyện tập rất cao, và sau cuộc thi, rõ ràng trình độ của các bạn được nâng lên nhiều” – Lưu Đức Anh, thí sinh đoạt giải tại Cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội lần thứ nhất (năm 2010) chia sẻ. Trong quá trình học tập ở nước ngoài, Lưu Đức Anh cũng nhận thấy việc các quốc gia có nền âm nhạc phát triển luôn tổ chức cuộc thi âm nhạc lớn, tạo điều kiện để nghệ sĩ trẻ phát huy tài năng và thúc đẩy chất lượng âm nhạc trong nước.

Năm nay, Cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội thu hút 48 thí sinh Việt Nam tham dự, đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, Nhạc viện Huế… Con số này đem đến lạc quan về chất lượng đào tạo chuyên ngành piano, thế nhưng cũng đặt ra vấn đề. Trong chương trình thi, Bảng C đòi hỏi trình độ chuẩn mực, độ chuyên nghiệp cao, chỉ có 2 thí sinh Việt Nam trong tổng số 12 thí sinh tham dự. Thực tế này cũng diễn ra ở các cuộc thi trước.

GS. Trần Thu Hà phân tích, đó vừa là thực trạng, vừa nói lên rất nhiều vấn đề. Nếu theo con số cơ học, nhìn vào bức tranh đào tạo khoa piano có khoảng 250 – 270 học viên, trong đó hệ đại học chỉ trên 20 em, còn lại là sơ trung. Thí sinh tham gia cuộc thi chủ yếu nằm ở số đông thì mới lựa chọn được nhiều, bảng C có tỷ lệ ít vì chương trình khá nặng. Điều này một phần do con đường nghệ thuật luôn có sự sàng lọc và đòi hỏi cao, số lượng thí sinh trình độ cao ở Việt Nam chưa thể so với các nước có nhiều nhạc viện, đại học đào tạo âm nhạc. “Sở dĩ số lượng thí sinh tham dự Bảng C ít còn là vì già nửa học viên khoa piano đang theo học ở nước ngoài. Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ có kế hoạch thu hút các em về tham gia”, GS. Trần Thu Hà nói.

Bằng việc duy trì tổ chức liên tục, Cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội được cho là nỗ lực cần thiết để đưa âm nhạc Việt Nam vươn tới mặt bằng chung của âm nhạc chuyên nghiệp thế giới. PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức nhận định: “Công tác đào tạo tài năng nghệ thuật sẽ phải hướng tới lứa tuổi ngày càng cao. Chúng ta muốn trên chính sân chơi Việt Nam có cuộc thi đẳng cấp quốc tế mà thế giới biết đến và hướng tới. Đây chỉ là những nỗ lực bước đầu mà chúng tôi đang làm”.

Theo báo Đại biểu nhân dân



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024