ISSN-2815-5823
Thứ ba, 02h55 05/06/2018

Đại biểu Dương Trung Quốc: Đường sắt Việt Nam bị bỏ rơi

(KDPT) – Tại phiên chất vấn ngày 4/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã nhận được nhiều chất vấn liên quan đến sự yếu kém của ngành đường sắt.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết, ông là người viết lịch sử Việt Nam và thấy rằng gần như việc đầu tư vào đường sắt bị “bỏ rơi”. Theo ông Quốc, từ năm 1936, Việt Nam có hệ thống đường sắt hoàn thiện nhất châu Á. Để đường sắt đến tình trạng này thuộc trách nhiệm của chúng ta. Cách đây 8 năm không cho làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam nhưng vẫn khẳng định phải có hệ thống đường sắt xương sống, song dậm chân tại chỗ. Đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn: “Quan điểm của Bộ trưởng Bộ GTVT về vấn đề này như thế nào?”.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Trung Quốc, ông Thể cho biết, đường sắt và đặc biệt là tuyến đường sắt Bắc Nam có ý nghĩa quan trọng của đất nước. Nếu như làm đường sắt tốt thì không phải đầu tư đường bộ như hiện nay.

“Tôi cũng thừa nhận ngành giao thông tham mưu kém nên đường sắt phát triển không đúng yêu cầu. Đường sắt phát triển kém, có những tuyến đường làm từ 70-80 năm trước”, ông Thể nhận trách nhiệm.

Không tán thành với lý do ông Thể đưa ra, đại biểu Dương Trung Quốc dùng quyền tranh luận, ông nói: “Tôi là người viết lịch sử ngành đường sắt, có thể nói là ngành đường sắt bị bỏ rơi thì dúng hơn! Phải chăng đầu tư vào đường bộ chia nhỏ được các dự án, có lợi ích nhóm nên được tập trung đầu tư?”.

Giải trình chất vấn, người đứng đầu Bộ GTVT cho biết, đường sắt cần vốn đầu tư rất lớn, có những dự án đến hàng tỷ USD. Trước đây, có những dự án chúng ta trình đến mấy chục tỷ USD, sau khi ra Quốc hội đã nhận được nhiều ý kiến lo ngại vì nguồn kinh phí quá lớn và chưa thông qua được. Nếu làm thì phải làm song hành, không thể chắp vá đường sắt hiện nay.

“Nếu như đường sắt phát triển theo 4 giai đoạn thì chúng ta ở giai đoạn 2, sử dụng diesel, có nghĩa là vô cùng lạc hậu. Nhiều đoạn đường sắt đã hình thành 70 – 80 năm nhưng chưa có giải pháp để nâng cấp”, ông Thể nêu thực tế.

Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Dương Trung Quốc nói không tán thành với nhận định đường sắt lạc hậu do tham mưu kém. Với tư cách là người viết lịch sử ngành đường sắt Việt Nam, ông thấy rằng ngành này “gần như bị bỏ rơi thì đúng hơn”.

“Nếu làm thì phải xây tuyến mới chứ không thể chắp vá trên đường hiện nay. Khi Quốc hội thống nhất chủ trương, Chính phủ chỉ đạo sẽ tiến hành triển khai các dự án đường sắt mới”, ông nói thêm.

Về các vụ tai nạn đường sắt xảy ra gần đây, ông Nguyễn Văn Thể cho hay lãnh đạo Bộ và các đơn vị đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân và thành thật xin lỗi người dân.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận xét, cử tri mong muốn Bộ trưởng đưa ra những giải pháp cấp bách và chiến lược để khắc phục tồn tại của ngành đường sắt chứ không phải chỉ đơn giản là vấn đề trách nhiệm.

Ví dụ, vấn đề có thể khắc phục được ngay là chất lượng toa tàu, vệ sinh và dịch vụ trên đoàn tàu. Gần đây tôi đã đi đường sắt và thấy chất lượng dịch vụ, nhất là vấn đề vệ sinh đã làm cho người đi tàu rất nản lòng và phật ý, không đủ để khuyến khích người dân đi tàu”, đại biểu Tâm dẫn chứng.

Đại biểu Đặng Thuần Phong thì phản ánh ý kiến cử tri cho rằng có sự phân biệt trong quản lý nhà nước của Bộ đối với đường sắt và hạ tầng giao thông khác.

Bộ trưởng Giao thông khẳng định không có phân biệt đối xử trong phát triển đường sắt với các loại hình giao thông khác. “Đường sắt hay đường bộ đều quan tâm như nhau, nhưng dự án đường sắt kinh phí cao, để hình thành một đoạn tuyến cần kinh phí lớn. Chúng tôi sẽ chọn những đoạn tuyến tốt để đầu tư và đưa ra giải pháp cùng địa phương quản lý hành lang giao thông”, ông Nguyễn Văn Thể nói.

Duy Khánh

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024