Núi lửa Nâm Kar trong quần thể Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông.

Theo kế hoạch, Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV 20) sẽ diễn ra từ ngày 22 - 26/11/2022. Các hoạt động hội nghị, hội thảo, triển lãm và quảng bá, xúc tiến du lịch sẽ được tổ chức tại Trung tâm hội nghị tỉnh Đắk Nông. Cùng với đó là các hoạt động tham quan thực địa tại hệ thống hang động núi lửa thuộc huyện Krông Nô.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ, việc đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa là cơ hội để tỉnh giới thiệu, quảng bá hiệu quả hình ảnh Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đến bạn bè quốc tế. Đây cũng là dịp để tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về hang động núi lửa, góp phần bảo tồn và khai thác có hiệu quả các di sản có giá trị quốc tế của địa phương.

“Hội nghị này tạo cơ sở để chúng tôi có thể tiếp tục phát huy những giá trị của hang động núi lửa trong vấn đề nghiên cứu khoa học, trong bảo tồn gìn giữ di sản cũng như là vấn đề phát triển du lịch. Và bên cạnh hội thảo về hang động núi lửa, chúng tôi còn có nhiều hoạt động bên lề, có liên quan đến những ưu thế về công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, du lịch của Đắk Nông để giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế” bà Hạnh nói.

Hiện tại thực địa, quần thể hang động núi lửa tại Đắk Nông có khoảng 50 hang, tổng chiều dài hơn 10 km, là quần thể hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020. Đây là di sản địa chất mang tầm quốc tế độc đáo nhất của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với nhiều giá trị to lớn về mặt di sản địa chất, văn hóa... Bên cạnh những nghiên cứu về địa chất, tại đây, các nhà khảo cổ còn tìm thấy dấu tích cư trú của người tiền sử như dụng cụ lao động bằng đá, mảnh xương động vật, vỏ các loài nhuyễn thể, mộ táng cổ…

Hồ Tà Đùng thuộc Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Theo các nhà nghiên cứu dự đoán, quá trình hình thành các hang lớn nhỏ bên trong diễn ra cách đây 3.700 năm trước bởi quá trình phun trào núi lửa.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có tổng diện tích 4.700 km2. Toàn bộ khu vực này được trải dài qua 6 huyện, thành phố gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, TP. Gia Nghĩa.

Theo đó, Công viên địa chất Đắk Nông là Công viên địa chất Toàn cầu thứ ba ở Việt Nam, sau Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và Công viên địa chất Toàn cầu non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Đồng thời, là một trong 147 Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO ở 41 quốc gia.

Bên cạnh đó, hang động núi lửa ở Công viên địa chất UNESCO Đắk Nông không chỉ có giá trị về khoa học, mà còn là điểm đến lý tưởng cho du khách ưa mạo hiểm, khám phá nét hoang sơ, hứa hẹn sẽ là một động lực thúc đẩy ngành du lịch của địa phương phát triển trong những năm tới.