Trong những năm gần đây thị trường ô tô mới trở nên sôi động hơn bao giờ hết, các hãng xe đều mở rộng chi nhánh, đại lý bán hàng để tiếp cận khách hàng ở các địa phương. Tuy nhiên vấn đề công khai minh bạch khi ký kết hợp đồng, cũng như các thỏa thuận giữa khách hàng và doanh nghiệp (đại lý) chưa rõ ràng, còn nhiều vấn đề tồn tại. Trong đó có việc trả hay không trả tiền khách hàng đặt cọc mua xe, nếu khách hàng không nhận được xe theo thời hạn cam kết của đại lý.

ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI KHÁCH HÀNG TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH Ô TÔ THƯƠNG MẠI
Trụ sở Đại lý ủy quyền ô tô MG Vĩnh Phúc tại Quốc lộ 2, địa phận xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc (Ảnh: H.N)

Tại sao phải lập hợp đồng đặt cọc khi mua xe?

Đầu tiên người mua xe cần hiểu đặt cọc là gì? Theo khoản 1 Điều 328 BLDS 2015 có giải thích như sau: Đặt cọc là việc bên đặt cọc giao cho bên bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Có thể hiểu đơn giản đặt cọc là hành vi dùng để cam kết giao dịch mua xe của các bên được đảm bảo thực hiện sau khi hoàn thành nghĩa vụ với nhau. Lợi ích của việc đặt cọc là người mua xe chắc chắn sẽ nhận được chiếc xe mà mình đặt mua sau khi hoàn tất hợp đồng. Còn đối với bên bán họ được đảm bảo việc ràng buộc khách hàng sẽ thực hiện nghĩa vụ trả tiền đối với hàng hóa.

“Việc đặt cọc có thể chỉ mang mục đích bảo đảm việc giao kết hợp đồng, có thể chỉ mang mục đích bảo đảm việc thực hiện hợp đồng nhưng cũng có thể mang cả hai mục đích đó”.

Hình thức đặt cọc hợp đồng mua xe

Hiện nay Bộ luật Dân sự 2015 chưa có quy định cụ thể về hình thức xác lập đặt cọc tuy nhiên theo Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”. Mặt khác, tại các quy định về đặt cọc cũng không yêu cầu cụ thể việc đặt cọc có cần lập thành văn bản hay không?

Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi thì người mua cần thỏa thuận với các bên lập thành văn bản để tránh các tranh chấp về sau dễ giải quyết hơn.

Như vậy, khi giao kết thỏa thuận đặt cọc hợp đồng mua xe người mua cần lưu ý phải xác lập thành văn bản và cam kết thỏa thuận giữa các bên.

Nội dung hợp đồng đặt cọc

Bên cạnh hình thức của hợp đồng và hình thức tài sản thanh toán thì người giao dịch hợp đồng đặt cọc mua xe cần lưu ý một số nội dung trong hợp đồng như sau:

Thứ nhất là xử lý tiền cọc khi đã thực hiện đúng mục đích đặt cọc:

Thì bên nhận đặt cọc phải trả lại tài sản đặt cọc cho bên đặt cọc, nếu bên đặt cọc là bên có nghĩa vụ trả tiền thì tài sản đặt cọc được coi là khoản tiền thanh toán trước.

Thứ hai là xử lý tiền cọc trong trường hợp các bên không hoàn thành nghĩa vụ:

Bên đặt cọc từ chối việc giao kết thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc.

Trái lại, nếu bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương với giá trị của tài sản đặt cọc (trừ Trường hợp các bên có thoả thuận khác).

Từ góc nhìn thực tiễn

Theo tìm hiểu được biết, đại lý ủy quyền MG chi nhánh Vĩnh Phúc (MG Vĩnh Phúc) có địa chỉ tại Km27, Quốc lộ 2, xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc; đơn vị chủ quản của MG Vĩnh Phúc là Công ty cổ phần đầu tư Vinci Việt Nam được sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc cấp giấy đăng ký kinh doanh số 0106575079 ngày 14/07/2014.

Trong thời gian qua, tòa soạn Kinh doanh và Phát triển đã nhận được một số phản ánh về chất chất lượng phục vụ của MG Vĩnh Phúc, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng. Qua đó, Kinh doanh và Phát triển đã có khảo sát thực tế để tìm hiểu vấn đề.

ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI KHÁCH HÀNG TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH Ô TÔ THƯƠNG MẠI
Nhân viên MG Vĩnh Phúc khó xử với khách hàng khi phía Công ty chưa trả lại tiền cọc cho khách (Ảnh: K.h cung cấp)

Qua khảo sát, có trường hợp của anh Nguyễn Hữu Sơn có địa chỉ tại thành phố Phúc Yên cho biết, ngày 09/03/2022 anh đã đặt cọc 10 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản theo yêu cầu của nhân viên bán hàng có tên vào số tài khoản 4251000718xxx của Công ty Cổ phần Đầu tư Vinci Việt Nam tại ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) là đơn vị chủ quản của Đại lý xe ô tô MG Vĩnh Phúc để làm hồ sơ mua chiếc xe MG 5.

ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI KHÁCH HÀNG TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH Ô TÔ THƯƠNG MẠI
Thông tin thể hiện khách hàng chuyển khoản tiền cọc cho phía Công tỷ chủ quản đại lý MG Vĩnh Phúc (Ảnh: K.h cung cấp)

Tuy nhiên, anh Sơn cho biết tiền cọc là để duyệt hồ sơ, và sau vài ngày thì anh được nhân viên thông báo hồ sơ của anh không được duyệt. Thông thường, hồ sơ không được duyệt thì tiền cọc sẽ phải trả lại cho khách hàng. Tuy nhiên đến nay sau nhiều tháng anh Sơn vẫn chưa nhận được tiền 10 triệu đồng mình đã đặt cọc cho MG Vĩnh Phúc thông qua nhân viên của đại lý này. Mặc dù anh Sơn đã rất nhiều lần liên hệ nhân viên bán hàng cũng như lãnh đạo ccông ty để được giải quyết nhưng đến nay số tiền 10 triệu tiền cọc để lấy xe của anh vẫn “bặt vô âm tín”.

Để bảo vệ người tiêu dùng một cách chính đáng và đảm bảo thông tin minh bạch, chính xác, không làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, phóng viên đã trực tiếp liên hệ với Đại lý ô tô MG Vĩnh Phúc. Tuy nhiên từ ngày 10/8/2022 đến nay, phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức về vấn đề này.

Được biết, MG Vĩnh Phúc có số vốn đầu tư lên đến 3 triệu USD, được xây dựng trên tổng diện tích 5.000m2. Đây là đại lý 3S chính thức của thương hiệu MG tại Vĩnh Phúc và các tỉnh phía Bắc.

Trên trang web của đại lý có đoạn viết về quá trình 2 năm hình thành và phát triển:

"Tự hào là đại lý 3S chính thức của thương hiệu MG tại Vĩnh Phúc và các tỉnh phía Bắc. Với đội ngũ cán bộ công nhân viên được đào tạo chính quy theo tiêu chuẩn BÁN HÀNG & DỊCH VỤ của MG toàn cầu, và hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại bậc nhất miền Bắc, MG Vĩnh Phúc tin tưởng có thể đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của quý khách để đảm bảo cho mọi khách hàng của MG thật sự yên tâm, thoải mái khi sử dụng dịch vụ tại đại lý".

ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI KHÁCH HÀNG TRONG KINH DOANH THƯƠNG MẠI Ô TÔ TẠI VĨNH PHÚC

Theo định nghĩa của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Từ định nghĩa này có thể thấy người tiêu dùng là “người cuối cùng” tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ - là người được (hoặc bị) ảnh hưởng nhiều nhất từ chất lượng của hàng hóa, dịch vụ trong chuỗi cung ứng. Do vậy hơn ai hết chất lượng hàng hóa dịch vụ do người tiêu dùng phản ảnh có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp; là kênh thông tin đáng tin cậy giúp cơ quan nhà nước thu thập để đưa ra các quyết định về quản lý.

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp; được cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ; được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa dịch vụ không đúng với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị này đã nhận được phản ánh của người tiêu dùng về việc một số hợp đồng giao kết với người tiêu dùng liên quan đến việc mua bán xe ô tô (hợp đồng đặt cọc mua xe, hợp đồng mua xe ô tô) của một số hãng xe hoặc đại lý bán xe có các nội dung không phù hợp theo quy định tại Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Căn cứ quy định tại Điều 16 Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngày 05 tháng 8 năm 2022, Cục CT&BVNTD đã có Công văn gửi các công ty nhập khẩu xe ô tô đề nghị:

1. Rà soát (i) các bản hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung (như: hợp đồng đặt mua xe, thỏa thuận đặt cọc, hợp đồng mua bán…); và (ii) các hợp đồng theo mẫu khác đã giao kết với người tiêu dùng để đảm bảo các điều khoản hợp đồng tuân thủ quy định tại Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.

2. Trường hợp phát hiện các điều khoản trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung vi phạm theo quy định tại Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, các công ty có trách nhiệm sửa đổi, hủy bỏ nội dung vi phạm và thông báo cho người tiêu dùng đã giao kết hợp đồng.

Trở lại trường hợp tại MG Vĩnh Phúc, với những gì được phản ánh từ phía khách hàng, người tiêu dùng đang gặp những bất lợi khi quyền lợi chính đáng của mình. Theo chuyên gia, trường hợp này nếu người tiêu dùng và đại lý không thể thỏa thuận được với nhau, có thể phản ánh lên Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng qua các phương thức, như: Tổng đài 1800-6838; qua thư điện tử khieunai@bvntd.gov.vn; qua website https://khieunai.bvntd.gov.vn và qua đường bưu điện hoặc công văn trực tiếp./.