ISSN-2815-5823
ĐÌNH LUYỆN
Thứ năm, 10h03 14/09/2023

Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số phục vụ nhân dân

(KDPT) - Trong những năm qua, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bước đầu đã có đóng góp vào sự phát triển chung. Tại Xã Động Đạt (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), chính quyền địa phương xác định rõ chuyển đổi số là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng để xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số

Chuyển đổi số là xu hướng phát triển mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, các ngành, các địa phương, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Trong những năm qua, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bước đầu đã có đóng góp vào sự phát triển chung. Cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành; trung tâm dữ liệu tập trung của tỉnh được đầu tư, xây dựng; các hệ thống dùng chung của tỉnh như: Thư điện tử, quản lý văn bản đi đến, cổng, trang thông tin điện tử, cổng dịch vụ công và một cửa điện tử, giao ban điện tử; mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan đảng, nhà nước được triển khai liên thông 3 cấp hành chính từ tỉnh đến xã và kết nối với Trung ương.

Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên xác định chuyển đổi số, tạo cơ hội bứt phá để “đi tắt, đón đầu” trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững. Ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và lấy ngày 31/12 hàng năm là ngày chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên.

Đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Theo báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số chuyển đổi số (DTI). Cụ thể, Thái Nguyên xếp vị trí thứ 7 về Chính quyền số, thứ 15 về Kinh tế số và thứ 9 về Xã hội số. Thái Nguyên là một trong những tỉnh sớm triển khai các nền tảng số phục vụ quản lý Nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn. Địa phương này cũng nằm trong top 10 tỉnh dẫn đầu về hạ tầng số.

Xây dựng chính quyền số

Xã Động Đạt là vùng trung tâm có tiềm năng thế mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ. Tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ổn định, hệ thống chính trị đã có chuyển biến tích cực, làm tiền đề phát triển KT - XH của xã. Xây dựng chính quyền số là một trong những mục tiêu quan trọng mà xã Động Đạt hướng tới.

Xác định việc chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) của xã đã được các cấp lãnh đạo địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Xã Động Đạt (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) xác định việc chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

UBND xã đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ... nhằm đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Để hiện đại hóa nền hành chính, UBND xã Động Đạt đã tập trung đầu tư các hệ thống thông tin, đường truyền, trang thiết bị, máy móc tại cơ quan đồng bộ, hiện đại đảm bảo khả năng kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu, đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động và triển khai thực hiện các giao dịch điện tử. Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC. Đặc biệt là tăng cường giải pháp để nâng cao tỷ lệ giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn cho doanh nghiệp, người dân biết được những tiện ích trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.

Mỗi cán bộ, công chức tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi phương thức làm việc, giảm sử dụng văn bản giấy tờ, giảm họp hành tập trung, tăng cường họp trực tuyến để dành thời gian xử lý công việc và phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, nhưng đội ngũ cán bộ, công chức xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, quyết tâm ý thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Hiện nay, UBND xã có 19 cán bộ, công chức đã và đang từng bước nâng cao trình độ, năng lực công tác, được bố trí đúng chuyên môn, có phẩm chất đạo đức, nhiệt tình công tác nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Với phương châm "lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số" để từng bước hình thành công dân số, hướng đến chính phủ số, tạo sự hài lòng cao của người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính(TTHC), thời gian tới Bộ phận một cửa tiếp tục tham mưu với UBND xã hoàn thiện, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở vật chất tại bộ phận một cửa cấp xã. Cùng với đó, cần tiếp tục tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của chuyển đổi số, bởi sự vào cuộc tích cực của người dân là yếu tố quan trọng làm nên thành công của chương trình chuyển đổi số.

Ông Trần Đình Bẩy - Chủ tịch UBND xã Động Đạt (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên)

Ông Trần Đình Bẩy - Chủ tịch UBND xã Động Đạt chia sẻ: “Để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, UBND xã Động Đạt đã ban hành các văn bản và tổ chức các cuộc họp gắn triển khai các nhiệm vụ chính trị tại địa phương; đồng thời phối hợp với các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền trong các hội nghị giao ban, các buổi sinh hoạt, hội nghị họp xóm…

Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số, đưa các dịch vụ số phục vụ cuộc sống tới người dân thông qua thiết bị di động. Để chuyển đổi số thành công, ưu tiên các dịch vụ thiết yếu phục vụ lợi ích của người dân như dịch vụ về y tế, giáo dục, thanh toán online, quảng bá nông sản, quảng bá di tích,…

Bên cạnh đó, lãnh đạo xã xác định xây dựng chính quyền vì nhân dân phục vụ, phát huy tinh thần dân chủ cơ sở, thực hiện công khai, minh bạch, việc thu, chi ngân sách, danh sách hộ nghèo và xây dựng các công trình giao thông nông thôn, lấy ý kiến tham gia của người dân tại các xóm về các công việc của địa phương; bên cạnh đó thực hiện tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn, niêm yết các TTHC theo quy định để nhân dân biết”.

Hiện nay, xã UBND Động Đạt đang tăng cường giải quyết hồ sơ trực tuyến, tích cực số hóa TTHC, hiện nay đạt tỷ lệ 38,5%; rà soát hồ sơ giấy đảm bảo tiến độ để phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa TTHC theo quy định. Các lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số, như y tế, giáo dục, văn hóa, công nghiệp, giao thông, nông nghiệp… đều có sự chuyển biến tích cực và hiệu quả, với mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn, nhanh hơn, hiện đại hơn như: thanh toán qua ngân hàng với các dịch vụ công; thuế, điện, nước, học phí, viện phí; nhiều sản phẩm đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, trong đó có những sản phẩm OCOP; các hộ sản xuất nông nghiệp đã được mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử; hệ thống quản lý cây xanh thông minh trên nền bản đồ số..., người dân đã xây dựng kênh bán hàng riêng trên nền tảng xã hội, đem lại thu nhập cao, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác chuyển đổi số ở xã Động Đạt đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi và đem lại niềm tin, sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch, làm việc; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.

Động Đạt đẩy mạnh xây dựng chính quyền số phục vụ nhân dân
Xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã có những thành tựu bước đầu trong chuyển đổi số.

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, lãnh đạo xã Động Đạt xác định chuyển đổi số là tất yếu, là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài. Mặc dù còn nhiều khó khăn cũng như những hạn chế trong quá trình chuyển đổi số nhưng việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế “Xây dựng chính quyền số phục vụ Nhân dân” đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định, luôn lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng phục vụ, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động đồng thời tạo niềm tin tích cực cho cơ quan, tổ chức và cá nhân đến liên hệ công tác.

Những kết quả và thành tựu bước đầu trong chuyển đổi số của xã Động Đạt sẽ là cơ hội để tạo ra những cú huých cho sự phát triển đột phá. Với khát vọng vươn xa hơn nữa, góp phần giúp Thái Nguyên phấn đấu trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, với mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024