Để nền kinh tế từng bước thích nghi với điều kiện “bình thường mới”
Những tác động nặng nề của Covid-19
Các chuyên gia kinh tế nhận định, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này rất khác so với ba lần trước. Dịch bùng phát với quy mô lớn hơn, nguồn lây nhiều hơn và phức tạp hơn, lây nhiễm chủ yếu từ cộng đồng, nơi tập trung đông người, tốc độ lây lan nhanh. Cho đến nay, số ca nhiễm trong đợt này cao hơn cả số ca nhiễm của cả ba đợt trước cộng lại. Số địa điểm phong tỏa cũng nhiều hơn đợt 2 và đợt 3. Thời gian để quay lại trạng thái bình thường kéo dài hơn.
Ở đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, thị trường lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng loạt địa phương đã phải tiến hành đóng cửa, tạm dừng sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp, như tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc…, ảnh hưởng đến hàng triệu lao động.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng các đợt giãn cách, phong tỏa đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong vòng 18 tháng qua đã có 4 lần phong tỏa, giãn cách, đồng nghĩa là 4 lần doanh nghiệp đầu tư lại, hoặc phải xây dựng cách thức ứng phó, khiến nền kinh tế mang bức tranh xám màu.
Đáng chú ý, các ngành dịch vụ như: du lịch, vận tải hành khách, nhà hàng, khách sạn,… tiếp tục chịu tác động tiêu cực, thêm khó khăn chồng chất kéo dài từ 3 đợt dịch trước, khiến tổn hại càng nặng nề hơn.
Trong bức tranh toàn cảnh, nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực, dẫn đến tình trạng giảm doanh thu, giảm lợi nhuận, chắc chắn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp không thể trụ tiếp được nữa, buộc phải ngừng hoạt động hoặc phá sản.
Đơn cử, với nhiều ngành trong nhóm công nghiệp chế biến hiện đang bị đứt gãy cung cầu do nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động khi không đáp ứng được các tiêu chuẩn “3 tại chỗ”, 1 cung đường 2 điểm đến. Nếu kéo dài, tình trạng này sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có 24 nghìn doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là chuyện bình thường. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong một thập kỷ gần đây, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia, là điều rất đáng lo ngại.
Trông đợi vào vắc-xin, chính sách hỗ trợ
Dù đang phải đối mặt với sự gia tăng số ca bệnh nhưng Việt Nam vẫn được xem là nền kinh tế có nhiều điểm sáng. Năm ngoái, GDP của Việt Nam được ước tính đã tăng gần 3%, ngay thời điểm các nền kinh tế khác trong khu vực đang thu hẹp. Đây là động lực để tiếp sức cho năm 2021 và các năm tiếp theo trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp.
Theo các chuyên gia, để phát triển trong trạng thái bình thường mới, trước tiên, Việt Nam có chính sách hợp tác chặt chẽ để tạo ra một môi trường thương mại thuận lợi, đảm bảo nguồn cung cấp lương thực luôn công khai, minh bạch và có thể dự trù trước. Điều này sẽ tạo nền móng cho một mạng lưới thực phẩm đáng tin cậy và đảm bảo nguồn cung thực phẩm, nguyên liệu cho mọi người – cả ở cấp độ người tiêu dùng và đơn vị sản xuất.
Sự phục hồi kinh tế đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch lần này. Vì vậy, cần thay đổi, bổ sung thêm giải pháp. Đó là tiêm vắc-xin cho đa số người dân thì mới đẩy lùi được dịch bệnh, xã hội mới an toàn. Lúc này, cần phải tập trung nguồn lực giải quyết vấn đề vắc-xin.
Bên cạnh vắc-xin phòng bệnh, Chính phủ cần thiết xây dựng những “liều vắc-xin chính sách” đủ mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp, vực dậy nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Chính phủ cần xem xét thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn. Cùng với đó là đưa ra các giải pháp tăng cường hỗ trợ với quy mô lớn hơn cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng. Cần giảm thấp lãi suất cho vay, để hỗ trợ những doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là trong các lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải, dịch vụ…
Ngoài ra, tránh tăng các loại thuế, phí trong năm 2021 và tính toán lại việc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, nên thu nhập giảm, do vậy việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chưa thực sự đem lại hiệu quả.
Vì vậy, để kích thích tiêu dùng trong dân, giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm thì nên giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), từ đó tạo thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thời gian qua, hàng loạt hiệp hội, doanh nghiệp đã có nhiều kiến nghị tới Chính phủ và các cơ quan chức năng về thực trạng của doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp đã “sức cùng lực kiệt” và cần gấp những quyết sách kịp thời, hợp lý nhằm vực dậy nền kinh tế.
Thực tế, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đó là giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 theo đề xuất của Bộ Tài chính. Thời hạn áp dụng các chính sách miễn, giảm thuế trước mắt thực hiện trong năm 2021.
Trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất và triển khai kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước. Trong sáu tháng đầu năm, cơ quan này đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 27,500 tỷ đồng; trong đó gia hạn thuế, tiền thuê đất khoảng 23.200 tỷ đồng, miễn giảm khoảng 4.300 tỷ đồng các khoản thuế, phí, lệ phí.
Cùng với đó, kể từ đầu dịch bệnh Covid-19 (cả năm 2020 và sáu tháng của năm nay), ngân sách Nhà nước đã chi 21.500 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.
Những tháng cuối của năm 2021 được dự báo còn nhiều khó khăn cho ngành nghiệp thực phẩm và nền kinh tế toàn quốc. Đại dịch sẽ còn gây thiệt hại lớn đến đâu, phụ thuộc phần nhiều vào các phản ứng chính sách trong ngắn, trung và dài hạn. Hiện vẫn còn nhiều cơ hội để nâng cao khả năng phục hồi, tính bền vững và năng suất của ngành. Đổi lại, Việt Nam thậm chí có thể vươn lên mạnh mẽ hơn cả thời gian trước cuộc khủng hoảng toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, những cách tiếp cận chính sách vì tăng trưởng phải được thực hiện dưới sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và ngành nhằm xây dựng và đưa ra những chính sách ưu tiên giúp định hướng vững chắc cho nền kinh tế Việt Nam.
QUỲNH ANH