ISSN-2815-5823
Tiến Minh
Thứ tư, 15h38 29/05/2024

Đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC: Chuyên gia nói gì?

(KDPT) - Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cùng các chuyên gia kinh tế đã đưa ra đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC, nhằm tạo ra một thị trường vàng đa dạng và cạnh tranh hơn.

Đề xuất này được đưa ra sau 12 năm thực hiện Nghị định 24 về hoạt động kinh doanh vàng, đã đạt được những thành công nhất định trong việc ổn định kinh tế và chống "vàng hóa".

Để độc quyền nhà nước và doanh nghiệp đều không có lợi

Vàng vẫn là ẩn số bởi mặt hàng này đã tăng giá 30% trong 4 tháng đầu năm.
Vàng vẫn là ẩn số bởi mặt hàng này đã tăng giá 30% trong 4 tháng đầu năm.

Vàng vẫn là ẩn số bởi mặt hàng này đã tăng giá 30% trong 4 tháng đầu năm 2024. Đã có lúc vàng miếng SJC cao hơn vàng thế giới cả chục triệu đồng. Trong nước, giá vàng liên tục tăng, có lúc kim loại quý này vượt 92 triệu đồng/lượng cao nhất từ trước tới nay. Giá vàng trong nước cùng chiều với thế giới nhưng mức chênh vẫn cao dao động từ 16 đến 17 triệu đồng lượng có thời điểm lên tới 20 triệu đồng/lượng.

Trước thực tế này, giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là tổ chức đấu thầu vàng miếng để tăng cung qua đó giá thành hạ nhiệt. Tuy nhiên, qua 7 lần đấu thầu có tới 3 lần phải hủy vì không có đủ thành viên tham gia. Còn trong 4 phiên đấu thầu thành công, giá trúng thầu tăng qua mỗi lần đấu từ khoảng 81 triệu đồng đến 89 triệu đồng đặc biệt là cứ sau mỗi phiên đấu thầu giá vàng miếng SJC có chiều hướng tăng vọt.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết giá vàng biến động có nhiều yếu tố như: Xung đột địa chính trị giữa các nước và trong khu vực, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào kim loại quý này và trong nước người dân xem vàng là kênh đầu tư tài chính, tài sản bảo toàn vốn giữa những biến động thị trường. Điều này đã tạo áp lực lên cung cầu vàng trong nước.

Qua 7 lần đấu thầu có tới 3 lần phải hủy vì không có đủ thành viên tham gia.
Qua 7 lần đấu thầu có tới 3 lần phải hủy vì không có đủ thành viên tham gia.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố quyết định thanh tra thị trường vàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đấu thầu vào miếng hay thanh tra thị trường chỉ là giải pháp tình thế. Khoảng chênh lệch giữa thị trường trong nước với thị trường thế giới quá cao thì chúng ta phải xử lý về mặt kỹ thuật đặc biệt là những quy định hiện nay hưa phù hợp nó dẫn đến chênh lệch về mức giá như vậy.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc SJC thông tin, từ năm 2012 SJC được Chính phủ và Ngân hàng nhà nước chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia vì họ chiếm gần 97% giao dịch trên thị trường. Cũng trong năm 2012, Nghị định 24 về hoạt động kinh doanh vàng ra đời nhằm kiểm soát nguồn cung đồng thời chống “vàng hóa” nền kinh tế.  Tuy nhiên, bà Hằng thông tin, theo Nghị định này, SJC không được nhập vàng miếng toàn bộ khuôn dập được giao về Ngân hàng Nhà nước quản lý, SJC chỉ được dập lại vàng móp.

Bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc SJC
Bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc SJC

Tổng giám đốc SJC cho biết, vàng tăng giá dù chênh với giá vàng thế giới 20-30 triệu đồng/lượng hoặc có khi cao hơn thì với SJC nói riêng và Ngân hàng Nhà nước cũng không có lợi ích gì.  

Từ thực tế phát triển, bà Hằng cho biết, trước khi có Nghị định 24, chủ sở hữu của SJC là gần 400 tỷ đồng, lợi nhuận mỗi năm từ 300-400 tỷ đồng nhưng sau khi có Nghị định trên thì lợi nhuận mỗi năm chỉ còn vài chục tỷ đồng.

Cần thiết bỏ “độc quyền”

Từ thực tế thị trường vàng vừa qua, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, để bình ổn thị trường vàng chúng ta nhất định phải sửa lại Nghị định 24. Trong đó, cần sửa lại điều khoản quan trọng nhất đó là Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Điểm thứ hai theo ông Nghĩa đó là Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu, độc quyền xuất khẩu vàng nguyên liệu. Thứ ba là phải sửa trả lại cái thương hiệu SJC cho hãng SJC.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề vàng miếng hiện nay đó là phải sớm sửa Nghị định 24 năm 2012 về quản lý thị trường vàng. Cụ thể, Nhà nước cần xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC cùng với đó cần bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC và nhập khẩu vàng.

Ông Lực cũng đề xuất, nên cho phép các doanh nghiêp đủ điều kiện được nhập khẩu vàng để góp phần bình ổn thị trường. “Quyền lợi đi đôi với trách nhiệm, nên cũng cần hoàn thiện khung pháp lý về phân công trách nhiệm cho bộ ngành liên quan quản lý thị trường vàng”, ông Lực đề xuất.

Theo các chuyên gia, việc bỏ độc quyền vàng miếng SJC sẽ giúp, tăng tính cạnh tranh khi cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sản xuất vàng miếng, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng và giá cả. bên cạnh đó, bỏ độc quyền sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm khi người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn về thương hiệu vàng miếng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Đồng thời sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, cạnh tranh sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để thu hút khách hàng. Một điểm nữa đó là giúp thị trường vàng trở nên minh bạch hơn khi có nhiều nguồn cung và thông tin giá cả được công khai.

Người tiêu dùng cần được trang bị kiến thức để lựa chọn sản phẩm vàng chất lượng từ các nhà cung cấp uy tín.
Người tiêu dùng cần được trang bị kiến thức để lựa chọn sản phẩm vàng chất lượng từ các nhà cung cấp uy tín.

Nói về thách thức, một số ý kiến cho rằng sẽ cần có biện pháp quản lý chặt chẽ để ngăn chặn vàng giả, vàng kém chất lượng. Cùng với đó là biến động về giá vàng khi có nhiều nguồn cung - cầu. Ngoài ra, người tiêu dùng cần được trang bị kiến thức để lựa chọn sản phẩm vàng chất lượng từ các nhà cung cấp uy tín.

Để giảm thiểu các rủi ro, các chuyên gia cho rằng chúng ta cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng vàng, đảm bảo tất cả vàng miếng được sản xuất và lưu thông trên thị trường đều đạt tiêu chuẩn chất lượng. Cùng với đó là tăng cường kiểm soát thị trường, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh vàng để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm. Ngoài ra, cần tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về cách lựa chọn và sử dụng vàng miếng an toàn, hiệu quả.

Đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong việc cải cách thị trường vàng Việt Nam. Việc thực hiện đề xuất này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu được thực hiện thành công, việc bỏ độc quyền sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine