Theo đó, VCCI cho rằng xăng đang chịu cùng lúc 2 trong 4 loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường (hai sắc thuế còn lại là thuế nhập khẩu và VAT). Trong khi đó, xăng không phải là mặt hàng xa xỉ, vì vậy việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này cũng nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, VCCI đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính có thể điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp.

Đây không phải lần đầu tiên VCCI đưa ra quan điểm này. Tháng 9/2022, khi góp ý cho Bộ Tài chính về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, cơ quan này từng đề nghị bỏ thuế này trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn.

Trong khi đó, quan điểm của Bộ Tài chính là thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là phù hợp, chưa thể bỏ trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào 2050.

Cụ thể, theo cơ quan này, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế được thu vào các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm, điều tiết thu nhập. Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần sử dụng tiết kiệm, nên hầu hết quốc gia đều thu thuế này. Hiện thuế suất tiêu thụ đặc biệt với xăng hiện là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.