ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 10h59 08/05/2020

Đề xuất “quy trình chuẩn 4 bước” về thủ tục đầu tư xây dựng

(KDPT) – Để phục vụ Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 09/05/2020, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã có những ý kiến đề xuất để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh trong tình trạng bình thường mới, chung sống an toàn với dịch Covid-19.

Xây dựng “quy trình chuẩn” về thủ tục

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ “Đề xuất các giải pháp chủ yếu để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh trong tình trạng bình thường mới, chung sống an toàn với dịch Covid-19”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, dịch Covid-19 càng làm trầm trọng thêm các khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà. Từ kinh nghiệm xử lý các cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trong hơn 10 năm qua cho thấy thị trường bất động sản có khả năng phục hồi rất nhanh, nhưng cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách từ Nhà nước.

Theo quy trình thủ tục hiện nay, doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất dự án, rồi mới được công nhận chủ đầu tư, sau đó được cấp Giấy phép xây dựng và cuối cùng là thi công. Quy trình, thủ tục này làm chậm quá trình triển khai thực hiện dự án, làm tăng chi phí đầu tư, doanh nghiệp bị chôn vốn, làm tăng giá thành, tăng giá bán nhà, mà người mua phải gánh chịu. Bởi lẽ, thời gian làm thủ tục tính tiền sử dụng đất phải mất trên dưới 3 năm (hoặc lâu hơn); thời gian thi công mất trên dưới 2 năm mới đến thời điểm đủ điều kiện được huy động vốn.

Quy trình này cũng không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, vì pháp luật về xây dựng không quy định doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất rồi mới được thi công các công trình của dự án. Đồng thời, pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản chỉ quy định chủ đầu tư dự án phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong 2 trường hợp: (i) Trước khi bán nhà ở có sẵn, hoặc bán nhà ở hình thành trong tương lai; (ii) Trước khi lập thủ tục xin cấp “sổ đỏ” dự án.

Do đó, HoREA đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát và hướng dẫn ban hành “Quy trình chuẩn 4 bước” về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp theo quy định pháp luật hiện hành, để thống nhất thực hiện.

“Quy trình chuẩn 4 bước” bao gồm: Bước 1- Lập thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư”; Bước 2- Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Bước 3- Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Bước 4- Công nhận chủ đầu tư; Cấp Giấy phép xây dựng (Chủ đầu tư được khởi công xây dựng); Lập thủ tục xác định tiền sử dụng đất, cấp “sổ đỏ” dự án.

Thị trường bất động sản có khả năng phục hồi rất nhanh.

Cơ chế hỗ trợ đối với các khoản vay tín dụng

Đối với các khoản vay tín dụng cũ, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà, được xem xét cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn đối với các khoản nợ đến hạn trong năm 2020.

Đối với các khoản vay tín dụng mới, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng “Bộ tiêu chuẩn hoạt động tín dụng đặc thù” kiểu “thời chiến” trong giai đoạn chống dịch Covid-19, chỉ áp dụng cho năm 2020 và xem xét giảm 50% giá trị tài sản thế chấp. Đề nghị tiếp tục cho cá nhân, hộ gia đình vay tín dụng mua nhà, cũng được giảm khoảng 30-50% lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020). Có cơ chế cho người trẻ được vay tín dụng thương mại với lãi suất hợp lý, theo phương thức tín chấp để mua căn nhà đầu tiên, áp dụng từ năm 2020 và các năm tiếp theo.

Thị trường bất động sản cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách từ Nhà nước.

Đối với giới hạn cấp tín dụng, đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép nới thêm 5% đối với giới hạn cấp tín dụng, đối với một khách hàng không được vượt quá 20%; đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 30% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chỉ áp dụng đặc thù trong năm 2020.

Đề nghị Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn ngân sách 3.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhất là nguồn vốn 2.000 tỷ đồng bố trí cho 4 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, vừa nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội, vừa góp phần kích cầu thị trường bất động sản.

Cộng hưởng với những khó khăn mới phát sinh do dịch Covid-19, HoREA đề nghị không nên siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay, để tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản.

MINH CHÂU



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024