ISSN-2815-5823
Thứ hai, 02h11 27/04/2020

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 27/4: Thế giới gần 3 triệu ca mắc bệnh, ‘tâm dịch Mỹ’ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

(KDPT) – Trong 24 giờ qua, thế giới đã ghi nhận 71.669 trường hợp nhiễm COVID-19 và 3.658 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh COVID-19 toàn cầu gần chạm ngưỡng 3.000.000 người. Đại dịch nhìn chung đang có xu thế giảm ở nhiều nước, song “tâm dịch Mỹ” diễn biến vẫn rất căng thẳng.

Chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 24/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 27/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 2.991.073 trường hợp, trong đó có 206.822 người tử vong.

Đến nay, đại dịch đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Các nước cũng ghi nhận 876.488 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi còn 57.583 người trong tình trạng nguy kịch và 1.905.729 đang phải điều trị tích cực.

Trong vòng 1 ngày qua, Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận nhiều trường hợp tử vong và mắc bệnh nhất thế giới. Trong khi khi tình hình dịch tại các nước khác như Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Anh hay Đức đang có xu thế hạ nhiệt, thì Mỹ tiếp tục chứng kiến số ca dương tính và tử vong vì virus SARS-CoV-2 ở mức rất cao.

Cụ thể, Mỹ trong 24 giờ qua đã ghi nhận 25.394 ca mắc bệnh và 1.121 người tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì dịch COVID-19 tại nước này lên lần lượt 986.045 và 55.377 trường hợp. Hai bang bờ Đông gồm New York và Massachusetts là những điểm dịch nghiêm trọng nhất tại Mỹ, khi có số ca tử vong nhiều hơn hẳn các tiểu bang khác.

Tuy nhiên, Mỹ ngày 26/4 cũng đón nhận những tín hiệu lạc quan hơn về tình hình dịch COVID-19. Phát ngôn viên của Northwell Health – hệ thống y tế lớn nhất bang New York (Mỹ) – ông Terry Lynam thông báo tất cả các bệnh nhân COVID-19 được điều trị trên siêu tàu bệnh viện USNS Comfort đã được xuất viện.

Tàu bệnh viện USNS Comfort của Hải quân Mỹ neo đậu tại cảng New York là nơi điều trị cho 182 bệnh nhân COVID-19 tại thành phố này. Theo một quan chức Lầu Năm Góc, tàu bệnh viện USNS Comfort dự kiến rời New York vào cuối tháng này. Thủy thủ đoàn sẽ tiến hành một số công việc như khử trùng, làm sạch tàu, niêm cất trang thiết bị y tế và bảo dưỡng động cơ tàu để chuẩn bị sẵn sàng khởi hành.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định rằng nền kinh tế số 1 thế giới sẽ phục hồi. Trả lời trong chương trình “Fox News Sunday”, Bộ trưởng Mnuchin nhận định: “Tôi nghĩ rằng khi chúng ta bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế vào tháng 5 và tháng 6, bạn sẽ thấy nền kinh tế thực sự hồi phục vào tháng 7, tháng 8, tháng 9”.

Ông Mnuchin cho biết chính quyền đã đổ vào nền kinh tế một số tiền cứu trợ tài chính chưa từng có trị giá hàng nghìn tỷ USD và điều này sẽ phát huy hiệu quả đáng kể.

Trái với Mỹ, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở châu Âu đang có xu hướng lắng dịu khi số ca tử vong giảm xuống ở một số quốc gia từng là tâm dịch của “lục địa già”.

Tại Italy, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết trong vòng 24 giờ qua nước này đã ghi nhận 260 ca tử vong vì bệnh COVID-19, mức tăng thấp nhất kể từ hôm 15/3, nâng tổng số trường hợp tử vong ở quốc gia Nam Âu này lên 26.644 người.

Italy cũng ghi nhận 2.324 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại “xứ sở hình chiếc ủng” lên 197.675 trường hợp, trong đó số ca hồi phục là 64.928 (tăng 1.808 ca), số ca điều trị tích cực tiếp tục giảm 93 ca xuống còn 2.009 trường hợp. Vùng tâm dịch Lombardy, phía Bắc Italy, ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 là 72.889 ca (tăng 920 trường hợp) và số ca tử vong là 13.325 (tăng 56 trường hợp).

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cùng ngày đã công bố giai đoạn 2 của tình trạng khẩn cấp dịch COVID-19 tại nước này sẽ bắt đầu từ ngày 4/5, đồng thời khẳng định cách duy nhất để sống chung với virus SARS-CoV-2 là người dân duy trì khoảng cách khi giao tiếp xã hội ít nhất 1m.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Milan, Italy. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo nhằm công bố sắc lệnh mới về ứng phó với đại dịch COVID-19 và các biện pháp triển khai giai đoạn 2 tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Conte nêu rõ: “Giờ đây giai đoạn mới bắt đầu, chúng ta phải đương đầu giai đoạn này với biện pháp nghiêm ngặt. Chúng ta phải tránh nguy cơ lây nhiễm trở lại và biện pháp phòng ngừa phải được tôn trọng, ngay cả trong mối quan hệ với người thân. Cách duy nhất để sống chung với virus là duy trì khoảng cách xã hội tối thiểu 1m.”

Theo sắc lệnh mới, từ ngày 4/5, người dân Italy có thể di chuyển trong cùng khu vực sinh sống, song vẫn không được phép di chuyển tới các vùng khác ngoại trừ vì lý do khẩn cấp về sức khỏe hoặc công việc. Các công viên được phép mở cửa trở lại và các đám tang có thể được tổ chức nhưng tối đa 15 người tham dự và phải đeo khẩu trang, tôn trọng khoảng cách an toàn. Tất cả các hoạt động tụ tập đông người nơi công cộng và cá nhân đều bị cấm. Sắc lệnh mới cũng nêu rõ trường học sẽ mở cửa trở lại vào tháng 9 và chính phủ đang làm việc để xác định phương thức tiến hành các kỳ thi quốc gia một cách an toàn…

Pháp cũng ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 giảm mạnh. Trong vòng 24 giờ qua chỉ có 242 bệnh nhân thiệt mạng, giảm hơn 1/3 so với ngày hôm trước và nâng tổng số ca tử vong vì bệnh COVID-19 tại Pháp lên 22.856 người, bao gồm 14.202 ở bệnh viện (tăng 152 ca, mức thấp nhất tính theo ngày trong 5 tuần) và 8.654 ở nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội (tăng 90 ca).

Đến nay, Pháp đã có tổng cộng 44.903 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi, 28.217 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (giảm 5 ca so với hôm trước), trong đó 4.682 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 43). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực đã giảm liên tiếp từ 18 ngày nay.

Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho biết Pháp đang thực hiện hơn 50.000 xét nghiệm/ngày trên toàn quốc. Mục tiêu là đạt từ 500.000 đến 700.000 xét nghiệm/tuần kể từ thời điểm lệnh phong tỏa được dỡ bỏ dần dần, dự kiến vào ngày 11/5.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tại phố Downing, London sau khi xuất viện ngày 12/4/2020. THX/TTXVN

Tại “xứ sở sương mù”, thông tin đáng chú ý trong 1 ngày qua đó là việc Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bình phục sau thời gian điều trị bệnh COVID-19 và trở lại làm việc bình thường.

24 giờ qua, Anh ghi nhận mức tăng số ca tử vong vì COVID-19 thấp nhất trong gần 4 tuần giữa lúc chính phủ tiếp tục từ chối những lời kêu gọi nới lỏng giãn cách xã hội. Theo giới chức Anh, số người tử vong vì virus SARS-CoV-2 ngày 26/4 đã tăng 413 ca, lên 20.732 người, mức thấp nhất tính theo ngày của tháng 4. Tổng cộng, tới sáng 27/4 (giờ Việt Nam), Anh có 152.840 người dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 4.463 ca so với một ngày trước đó.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) của Anh Stephen Powis cho biết nước này đang nhận thấy xu hướng giảm rất rõ rệt số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các bệnh viện. Điều này được ghi nhận rõ nhất ở thủ đô London, Midlands và bắt đầu diễn ra ở những khu vực khác của Vương quốc Anh, cho thấy việc tuân thủ giãn cách xã hội rõ ràng đang chứng minh hiệu quả, góp phần làm giảm đà lây nhiễm và phát tán virus này.

Ngày 26/4, Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong do dịch COVID-19 tính theo ngày thấp nhất trong hơn một tháng qua. Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết tổng số ca tử vong vì đại dịch ở nước này tính đến 6 giờ sáng ngày 27/4 là 23.190 ca, chỉ tăng 288 ca so với ngày liền kề trước đó. Tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Tây Ban Nha hiện là 226.629 ca, tăng 2.870 ca so với một ngày trước đó.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã có bài phát biểu trước toàn dân, trong đó ông tuyên bố cho phép người dân ra ngoài trời để tập thể dục kể từ ngày 2/5 tới nếu số ca COVID-19 mới tiếp tục giảm. Ông Sanchez khẳng định người dân có thể sẽ được ra ngoài tập thể thao hoặc đi dạo một mình từ nơi họ cư trú nếu như tình hình đối phó với đại dịch “vẫn tiếp tục có triển vọng”.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn lây lan của dịch COVID-19 ở Moskva, Nga, ngày 24/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Nga, Ban chỉ đạo phòng chống bệnh COVID-19 cho biết tính đến hết ngày 26/4, nước này ghi nhận 6.361 ca nhiễm SARS-CoV-2 tại 83 chủ thể liên bang, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 80.949 ca.

Trong vòng 24 giờ qua, đã có 517 người khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 6.767 người và 66 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 747.

Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất trong ngày với 2.971 ca, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại thủ đô nước Nga lên 42.480 người. Trong vòng 24 giờ qua tại Moskva đã có 128 người bình phục và có 38 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong lên 404 ca.

Bộ Y tế Ukraine cũng thông báo nước này trong ngày 26/4 ghi nhận 492 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 8.617 người. Trong số này có 209 ca tử vong và 840 bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Các bệnh nhân mắc COVID-19 được xuất viện sau khi khỏi bệnh ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 13/3/2020. THX/TTXVN

Ở châu Á, xu thế chung là dịch bệnh tiếp tục hạ nhiệt. Người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) Mễ Phong cho biết thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hiện không còn ca bệnh nào tại các bệnh viện.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Mễ Phong nêu rõ: “Theo thông tin mới nhất, tính đến hết ngày 26/4, Vũ Hán không còn ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nào. Kết quả này có được là nhờ vào nỗ lực chung của chính quyền thành phố Vũ Hán và đội ngũ y tế trên cả nước”.

Trước đó, “tâm dịch” Vũ Hán ghi nhận có tổng cộng 46.452 ca COVID-19, chiếm 56% tổng số ca nhiễm bệnh tại Trung Quốc đại lục, trong đó có 3.869 ca tử vong, chiếm tổng số 84% số ca tử vong trên toàn Trung Quốc. Tới 6 giờ sáng 27/4, Trung Quốc có 82.827 ca mắc bệnh COVID-19 và 4.632 ca tử vong.

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 26/4 thông báo nước này đã ghi nhận 45 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 824 người. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng xác nhận 1.554 ca kể từ tối 25/4, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 24.496 người.

Như vậy, chỉ tính trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã có 1.990 ca mắc COVID-19 – mức cao nhất tính theo ngày kể từ khi bùng phát dịch bệnh ở quốc gia Nam Á này.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước, ngày 26/4 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm túc lệnh phong tỏa trên toàn quốc và duy trì các hình thức giãn cách xã hội. Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia, Thủ tướng Modi nhấn mạnh Ấn Độ đang trong một “cuộc chiến” và hối thúc hàng triệu công dân nước này tỉnh táo, hiểu biết để phòng ngừa dịch bệnh.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 26/4 cho biết nước này có kế hoạch mở lại một vài phần của đất nước không ghi nhận sự lây lan của dịch COVID-19, trong bối cảnh nước Cộng hòa Hồi giáo đang nới lỏng dần các biện pháp hạn chế với người dân.

Phát biểu tại một hội nghị ở Tehran, Tổng thống Rouhani cho hay Iran sẽ được chia 3 vùng màu, gồm trắng, vàng và đỏ, dựa trên số ca mắc và tử vong. Iran hiện là một trong những quốc gia Trung Đông chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19.

Trong tuần qua người dân Iran đã được phép tới cửa hàng, khu chợ và công viên, trong bối cảnh chính phủ đã nới lỏng các hạn chế sau khi ghi nhận số ca tử vong trong ngày giảm xuống dưới 100 kể từ hôm 14/4. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế Iran, trong 24 giờ qua, ghi nhận 60 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 5.710, trong tổng số 90.481 ca mắc được xác nhận.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 26/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 39.506 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1.546 trường hợp mới mắc bệnh.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.411 người dân ở khu vực này thiệt mạng, tăng 30 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 9.969 trường hợp. Số ca mắc bệnh tại Singapore nhiều hơn hẳn các nước khác, trong khi Indonesia và Phillipines có số người tử vong vì virus SARS-CoV-2 nhiều nhất.

Người dân thực hiện giãn cách xã hội khi xếp hàng mua đồ ăn tại Singapore ngày 11/4/2020. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trong vòng 24 giờ qua, Singapore có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất khu vực với 931 người, tiếp tục là nước thành viên ASEAN có nhiều ca COVID-19 nhất và bỏ xa các quốc gia khác. Ngoài Singapore, Philippines và Indonesia cũng ghi nhận hàng trăm ca bệnh và đây cũng là hai nước duy nhất ghi nhận các ca tử vong trong ngày.

Về tổng thể, dù số ca bệnh mới tiếp tục ở mức cao tại Singapore, song tình hình dịch bệnh nhìn chung đang có dấu hiệu chững lại tại các nước Đông Nam Á. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một điểm sáng về phòng chống đại dịch COVID-19 khi chặn đứng số ca mắc bệnh ở mức 270 và số ca khỏi bệnh đã tăng lên 225. Như vậy, Việt Nam chỉ còn 45 ca đang phải điều trị.

Tại châu Phi, theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 26/4, Nam Phi ghi nhận tổng cộng 4.361 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, 86 trường hợp tử vong và 1.473 ca được chữa khỏi. Quốc gia phát triển nhất châu Phi này cũng đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho 161.004 người.|

Theo kết quả cuộc khảo sát do Ủy ban Khoa học về loài người của Nam Phi (HSRC) công bố hôm 26/4, trong thời gian chính phủ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm giảm đà lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khoảng 1/4 người dân nước này đã không còn tiền để mua lương thực, thực phẩm, trong khi từ 46% – 63% người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả các khoản sinh hoạt phí gia đình.

Tại Algeria, Thủ tướng Abdelaziz Djeradđã ban hành một hướng dẫn đối với các bộ ngành có liên quan cũng cũng như các tỉnh trưởng về việc mở rộng các lĩnh vực các hoạt động và mở cửa các cửa hàng thương mại để giảm tác động kinh tế và xã hội do dịch COVID-19 gây ra.

Theo đó, các lĩnh vực và doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại gồm: taxi nội đô, tiệm làm tóc, tiệm bánh ngọt.. tiệm bánh kẹo và bánh truyền thống và các cửa hàng như quần áo và giày dép, buôn bán thiết bị, buôn bán vật phẩm và dụng cụ nhà bếp, buôn bán vải, đồ trang sức và hàng dệt kim, trang sức và đồng hồ, kinh doanh mỹ phẩm và nước hoa, nội thất văn phòng, nhà sách và bán các mặt hàng học đường, bán sỉ và lẻ vật liệu xây dựng (gốm sứ, thiết bị điện và các sản phẩm vệ sinh, cốt liệu và chất kết dính, vật phẩm sơn, đồ gỗ, đường ống và đường ống.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Buenos Aires, Argentina, ngày 8/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại quốc gia Nam Mỹ Argentina, ngày 26/4, Tổng thống Alberto Fernandez cho biết lệnh cách ly xã hội bắt buộc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đang có hiệu lực tại nước này sẽ tiếp tục được kéo dài tới ngày 10/5, song một số hoạt động sẽ được nới lỏng tại những địa phương có nguy cơ lây nhiễm thấp.

Tổng thống Fernandez khẳng định một số mục tiêu đã được hoàn thành trong quá trình thực hiện biện pháp giãn cách xã hội và số người lây nhiễm đã được hạn chế tối đa. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và việc ra hạn cách ly là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Theo thống kê chính thức, đến thời điểm hết ngày 26/4, Argentina đã ghi nhận 3.780 ca mắc COVID-19, trong đó có 186 trường hợp tử vong.

Thanh Tuấn
Nguồn Báo Tin tức



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 16/01/2025