ISSN-2815-5823
Thứ tư, 09h49 26/06/2019

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: Chính phủ đồng hành với Doanh nghiệp

(KDPT) – Để đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế, các doanh nghiệp luôn giữ vai trò then chốt thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên hiện nay trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế thì thách thức về tăng trưởng nhanh và bền vững quả là một thử thách không nhỏ. Để doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững thì lại cần một môi trường bền vững, minh bạch và an toàn. Đây cũng là chủ đề chính của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019. Chủ đề được cộng đồng các doanh nghiệp tham dự đưa ra trong diễn đàn này là “ Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững”.

Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt nam ( VCCI) thì trong những năm gần đây, Việt nam luôn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài . Điều này đã giúp cho nền kinh tế Việt nam luôn phát triển và duy trì được mức tăng trưởng cao, nạn tham nhũng đang từng bước được đẩy lùi, các khoản chi phí doanh nghiệp đang được liên tục cắt giảm tạo cho doanh nghiệp sự lạc quan và có được tâm lý ổn định để phát triển kinh doanh.

Thách thức nào cho doanh nghiệp Việt?

Tuy nhiên, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt nam cũng lưu ý với các doanh nghiệp trong nước rằng hiện nay trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia các Hiệp định kinh tế quốc tế như CPTPP, FTA và gần đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) thì các doanh nghiệp đang đứng trước những cơ hội rất lớn trong hội nhập kinh tế quốc tế, đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cuộc chơi tuân theo thông lệ quốc tế và đồng thời cũng phải đối diện với những thách thức không phải là nhỏ. Điều đó yêu cầu doanh nghiệp ngày càng phải hoàn thiện mình, nâng cấp mình lên về mọi mặt : năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị, trình độ công nghệ, chất lượng sản phẩm….. Khi tham gia thị trường thế giới nghĩa là sẽ phải đối mặt với những người khổng lồ, nếu doanh nghiệp không tuân theo những chuẩn mực quốc tế thì rủi ro mang lại là rất cao. Do đó việc phát triển nhanh và bền vững đối với doanh nghiệp đang là xu thế nhưng cũng là một thách thức.

Những kiến nghị và đề xuất của Doanh nghiệp

Tại diễn đàn này, cộng đồng các doanh nghiệp đã tham gia đóng góp ý kiến, trao đổi và đưa ra những kiến nghị, đề xuất của mình cho Chính phủ với mục tiêu đảm bảo cho sự phát triển của doanh nghiệp nhanh và bền vững.

Đề cập đến vấn đề quan hệ đối tác công – tư ( PPP), đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt nam (JCCI) cho rằng “ Việc áp dụng một cách tích cực mô hình PPP là một trong những phương thức hiệu quả để sử dụng nguồn vốn tư nhân và thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng thay cho chính phủ. Tuy nhiên, JCCI cũng đề nghị Chính phủ nên làm rõ sự chia sẻ rủi ro giữa chính phủ và nhà đầu tư tư nhân, hỗ trợ toàn diện cho các nhà đầu tư tư nhân để họ có thể thu hồi vốn một cách an toàn sau khi đã mạo hiểm thực hiện đầu tư. Ngoài ra JCCI còn kiến nghị việc áp dụng “ Pháp luật nước ngoài” làm luật điều chỉnh để đảm bảo việc chuyển đổi ngoại tệ.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019

Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt nam ( Kocham) cũng đưa ra một vài kiến nghị để cải thiện tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt nam, một trong số đó là giải pháp thúc đẩy thị trường vốn. Theo Kocham thì cần phải có giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường vốn để có thể thay thế bổ trợ cho thị trường cho vay hiện tại và giúp khối ngân hàng hiện nay có thể thu hút được nhiều nguồn vốn nước ngoài hơn. Đồng thời cần thu hút các cơ quan xếp hạng tín dụng (CRA) có tín nhiệm của nước ngoài tham gia phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt nam . Điều này sẽ tăng thêm tính minh bạch của thị trường vốn đồng thời cũng góp phần đánh giá, cung cấp thông tin về doanh nghiệp một cách chính xác nhất.

Hiệp Hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam đưa ra những ý kiến quan ngại về một số vấn đề liên quan đến thủ tục chính sách như yêu cầu kiểm định từng lô đối với ngành kinh doanh ô tô, quy định đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho lao động người nước ngoài nhưng thiếu chính sách tương đồng cho phép người nước ngoài định cư lâu dài tại Việt Nam, một số vấn đề liên quan đến định giá hải quan, quy trình thông quan và áp dụng mã hàng hóa, hàng hóa sản xuất/gia công xuất khẩu tại chỗ….Đại diện này cho rằng nếu những vấn đề này được giải quyết thì môi trường đầu tư và thương mại tại Việt nam sẽ được cải thiện đáng kể, đầu tư nước ngoài vào Việt nam sẽ được đẩy mạnh, phát triển Việt nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho kinh doanh và thương mại.

Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp.

Đến tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá rất cao sự đóng góp của các doanh nghiệp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt nam trong thời gian qua. Bên cạnh đó Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ : nền kinh tế Việt nam vẫn đang đứng trước những khó khăn thách thức cần phải đối mặt, khắc phục và phải giải quyết. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở yếu tố nội tại như năng suất chất lượng còn kém, năng lực cạnh tranh còn yếu, trình độ quản trị kém, hiệu quả kinh doanh thấp…. Các quy định liên quan đến thủ tục pháp lý, pháp luật còn lộ nhiều bất cập, tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp. Trong bối cảnh đó, phát triển nhanh và bền vững là một chủ trương nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt nam, với mục tiêu trước hết là phát triển nhanh để tránh tụt hậu, rút ngắn khoảng cách về kinh tế và thu nhập giữa Việt Nam với các nước phát triển trên thế giới, đồng thời phải phát triển bền vững trong thời gian sắp tới.

Để thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ trên, Chính phủ đã và đang tiếp tục triển khai một số giải pháp lớn như : Giữ vững môi trường vĩ mô và kinh tế ổn định, tái cấu trúc lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách hợp lý nhằm nâng cao năng lực năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện các thể chế chính sách, cải cách các thủ tục hành chính để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chú trọng các nghiên cứu khoa học để áp dựng vào thực tiễn, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và trí tuệ nhận tạo

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ Việt nam đang rất nghiêm túc trong việc lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp để có những chính sách hỗ trợ hợp lý và kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp

Để cụ thể hóa điều này, Phó Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư xem xét, nghiên cứu để thay thế, sửa đổi một số điều khoản điều kiện trong khung pháp lý liên quan đến chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình vì mục tiêu chung là phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC:
>>> Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
>>> EU phê chuẩn ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam
>>> Bộ trưởng Công Thương: EVFTA khẳng định mạnh mẽ vị thế của Việt Nam

Đinh Khương

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024