ISSN-2815-5823
MINH THÀNH
Thứ bảy, 10h45 21/10/2023

Điều hành lãi suất thời gian tới sẽ theo hướng ổn định, có thể giảm thêm

(KDPT) - Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, điều hành lãi suất thời gian tới sẽ theo hướng ổn định, hạ thêm nữa khi có điều kiện, kể cả lãi suất điều hành cũng có thể giảm thêm nếu điều kiện phù hợp.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú khẳng định, cơ quan này kiên định mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

“Hiện nay, giá vàng và giá USD đang tăng theo giá thế giới, cung cầu thị trường tại thời điểm nhất định lúc cao lúc thấp. Tuy vậy, doanh nghiệp cứ yên tâm với tỷ giá. Hiện tỷ giá vẫn đang biến động trong biên độ cho phép, chúng tôi khẳng định sẽ điều hành không để xảy ra tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tỷ giá tăng. Hiện nay, nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng, các nguồn ngoại tệ khác cũng diễn biến tích cực… là cơ sở để ổn định tỷ giá”, ông Đào Minh Tú khẳng định.

Mặc dù có một số ý kiến lo ngại về tỷ giá nhảy múa, song theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, thị trường phải chấp nhận cho lên xuống, nếu để cứng đơ thì không còn là kinh tế thị trường. Không thể có sự bất biến trong tỷ giá.

Về lãi suất, Phó Thống đốc cho rằng, hiện nay, một số khoản vay của doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất cao (chủ yếu là những khoản vay cũ). Tuy quyền quyết định lãi suất cho vay ở mức nào là của ngân hàng thương mại, song lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhắc nhở, các ngân hàng phải điều hành lãi suất phù hợp với mặt bằng chung.

Bên cạnh thực hiện chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ thì việc giảm lãi suất còn là yêu cầu bắt buộc để ngân hàng cạnh tranh lẫn nhau. Ngân hàng nào cố tình duy trì lãi suất cho vay cao sẽ bị doanh nghiệp “nghỉ chơi”.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, điều hành lãi suất thời gian tới sẽ theo hướng ổn định, hạ thêm nữa khi có điều kiện, kể cả lãi suất điều hành cũng có thể giảm thêm nếu điều kiện phù hợp.

Do đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhắc nhở các ngân hàng thương mại phải tính toán, không thể khư khư giữ lãi suất cao vì sẽ “không ai chơi” trong bối cảnh thị trường ngày càng công khai, minh bạch về giá cả, lãi suất.

Theo ông Tú, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp đảm bảo góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, vốn cho nền kinh tế. Hiện thanh khoản của ngân hàng rất tốt. Lượng vốn đang nằm trong các ngân hàng rất dồi dào.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành, qua đó tác động đến giá vốn của ngân hàng thương mại, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp khó khăn sẽ được ngân hàng thương mại giãn, hoãn nợ… Những chính sách này rất thiết thực, ý nghĩa đối với doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, ông Phan Văn Liên - chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Vinh Phúc - cho biết lãi suất cho vay là 7%/ năm kỳ hạn 6 tháng, đã giảm đáng kể so với mức áp dụng hồi đầu năm.

Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp, ông đề xuất các ngân hàng hạ lãi suất cho vay thêm còn khoảng 5 - 6%/năm là hợp lý.

Ngoài ra, bà Trần Thị Lan Anh - giám đốc xuất khẩu cà phê Vĩnh Hiệp (Gia Lai) - kiến nghị ngân hàng nên cấp tín dụng theo đặc thù của từng ngành hàng, trong đó có ngành cà phê.

Nếu doanh nghiệp chỉ có tài sản đảm bảo mới được tăng hạn mức khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ngân hàng nên xem xét cho vay tín chấp, dựa trên uy tín của doanh nghiệp.

Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 16/10 liên quan đến công tác điều hành chính sách tiền tệ, trước ý kiến cho rằng, lạm phát thấp, lãi suất cao là nghịch lý thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cân nhắc bởi ý kiến này cũng chỉ nhìn về vấn đề lạm phát và lãi suất, còn điều hành về lãi suất cũng như các công cụ của chính sách tiền tệ phải căn cứ vào các nhiệm vụ, như: Mục tiêu lạm phát; các dự báo xu hướng của lạm phát trên thế giới và trong nước và cũng phải đáp ứng các yêu cầu về ổn định tỷ giá, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: “Trong các nhiệm vụ này không thể hy sinh nhiệm vụ nào, mà cần phải có một sự hài hòa, linh hoạt trong điều hành. Nếu xu hướng lạm phát có thể bùng lên thì chính sách tiền tệ cũng phải tính đến việc phòng ngừa và chuẩn bị cho xu hướng thắt chặt”.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine